Tăng trưởng ấn tượng, BHYT, BHXH hướng đến toàn dân

Cập nhật, 13:32, Thứ Ba, 29/12/2020 (GMT+7)

 

Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính sách BHXH, BHYT.
Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính sách BHXH, BHYT.

(VLO) Ngành BHXH Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT đạt khoảng 91,56% dân số.

Ngày 24/12/2020, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 và đưa ra các chỉ tiêu quan trọng này với 63 điểm cầu tại BHXH các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương cùng 646 điểm cầu tại BHXH các quận- huyện. Đồng chí Vũ Đức Đam- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ- đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Bao phủ BHXH tự nguyện, BHYT tăng trưởng ấn tượng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH, những năm qua ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Báo cáo công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, ông Lê Hùng Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam- cho biết: Diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong số đó, tham gia BHXH bắt buộc 15,033 triệu người (tăng 2,93 triệu người so với năm 2015); tham gia BHXH tự nguyện 1,068 triệu người (tăng 494 ngàn người so với năm 2019).

Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (theo chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao).

Tính đến nay, cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Theo BHXH Việt Nam, bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng. Số người tham gia BHYT đến nay ước đạt 87,93 triệu người (tăng 1,99 triệu người, tương ứng 2,3% so với năm 2019), đạt 90,85% dân số tham gia BHYT.

So với năm 2015 có 70 triệu người tham gia BHYT, bao phủ BHYT tăng gần 18 triệu người (hơn 25%). Tỷ lệ tham gia BHYT so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đã vượt 10,85%.

BHXH Việt Nam cho biết với tỷ lệ bao phủ BHYT này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40- 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.

Hướng tới phục vụ toàn dân

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân của Đảng, Nhà nước, phạm vi phục vụ của ngành BHXH Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, hướng tới phục vụ toàn thể nhân dân.

Năm 2021, toàn ngành BHXH sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt.

Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đảm bảo đúng quy định và dự toán được Chính phủ giao năm 2021...

Phát biểu với hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Những năm qua, kết quả thực hiện chính sách BHYT, BHXH có bước tăng trưởng rất ấn tượng; chỉ 17 năm đã cơ bản thực hiện bao phủ BHYT toàn dân.

“Đây là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò chủ đạo rất quan trọng của BHXH Việt Nam. Với tư cách Phó Thủ tướng, tôi đánh giá rất cao. Với tư cách một công dân, tôi cảm ơn kết quả đó!”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả bao phủ BHYT chúng ta phải tiếp tục duy trì; BHXH (bắt buộc, tự nguyện) tiếp tục đẩy mạnh phát triển, tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, giao chỉ tiêu BHXH cho các địa phương.

Quan trọng nhất là làm thay đổi suy nghĩ ở người dân, Phó Thủ tướng ví dụ: Không phải mua gạo hay lúa để vào góc bếp, mà phải thay đổi tư duy và hình thành thói quen đối với việc tham gia BHXH. Có thể cơ quan BHXH đưa ra các gói, suất như thế nào để người dân tham gia và quen dần.

BHXH Việt Nam, các địa phương cần có kế hoạch vận động tuyên truyền, thuyết phục thật sự bài bản để thay đổi thói quen ấy. Bởi mục đích cuối cùng của chúng ta là phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hệ thống an sinh bền vững...

Theo BHXH Việt Nam, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người (bao gồm chi trả bằng tiền mặt và tài khoản cá nhân); trên 897.000 người hưởng trợ cấp 1 lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngành BHXH đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 167,2 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú.

Bài, ảnh: MINH THÁI