Room to Read đồng hành, hỗ trợ giáo dục nữ sinh

Cập nhật, 11:39, Thứ Tư, 11/11/2020 (GMT+7)

9 năm đồng hành bằng Chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh huyện Trà Ôn, Tổ chức Room to Read đã triển khai các lớp học về kỹ năng sống, tư vấn học đường, hỗ trợ vật chất và tăng cường sự tham gia của nhà trường và cộng đồng cho nữ sinh. Nhờ đó, giúp các em nữ sinh tự tin, tỷ lệ bỏ học giảm và chất lượng giáo dục ngày một cao hơn.

Lãnh đạo các trường tham gia đề án nhận bảng ghi nhận.
Lãnh đạo các trường tham gia đề án nhận bảng ghi nhận.

9 năm xây dựng và phát triển

Năm 2011, được sự cho phép của UBND tỉnh Vĩnh Long, thông qua sự giới thiệu của Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, huyện Trà Ôn đã phối hợp với Tổ chức Room to Read triển khai Chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh.

Chương trình bắt đầu với 323 em nữ sinh khối 6 của 4 trường THCS, THPT; sau 9 năm đã có 1.450 em nữ sinh tham gia vào chương trình với 8 trường THCS và 3 trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên của huyện Trà Ôn cùng tham gia.

Chương trình đã thực hiện rất nhiều hoạt động, xoay quanh 4 hợp phần: Giáo dục kỹ năng sống cho nữ sinh, Tư vấn học đường, Hỗ trợ vật chất, Các hoạt động gắn kết gia đình- nhà trường- cộng đồng.

Mỗi nữ sinh được chương trình theo sát hỗ trợ từ lớp 6 đến lớp 12, thông qua đội ngũ cộng tác viên- giáo viên kỹ năng sống chính là giáo viên tại trường các em theo học.

Là trường thành viên của đề án, thầy Hiệu trưởng Trần Quang Huy- Trường THPT Vĩnh Xuân- đánh giá: “Điểm nổi bật của chương trình là nữ sinh của trường luôn khắc phục mọi khó khăn để đến trường, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học của trường dưới 1%.

Em Phạm Thanh Nhã- học sinh của trường và là nữ sinh Room to Read- đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia”.

Cô Sử Thị Mùi- giáo viên Trường THCS Hựu Thành B, cộng tác viên chương trình- cho rằng: “Chương trình đã trực tiếp hỗ trợ vật chất về học tập và kỹ năng sống.

Có thể nói kỹ năng sống là nội dung không những giúp nữ sinh tham gia chương trình trưởng thành mà cả cộng tác viên, giáo viên dạy kỹ năng sống cũng trưởng thành”.

Đối với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thiện- Trường THPT Trà Ôn thì: “Tôi đánh giá cao năng lực của nhân viên chương trình bởi tính chuyên nghiệp, thể hiện trong việc lập kế hoạch tổ chức hoạt động và các hội thảo.

Những thầy cô đã từng là cộng tác viên của chương trình, chúng tôi sẽ duy trì ở 2 nhóm là tư vấn học đường và tư vấn hướng nghiệp”.

Trải qua 9 năm hợp tác và phát triển, vững vàng với niềm tin “Thế giới thay đổi khi trẻ em được đến trường”, cho đến thời điểm hiện tại, Chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh tại Trà Ôn đã kết thúc hành trình và hoàn thành sứ mệnh của mình.

Đã có 872 em hoàn thành bậc THPT, gần 50% trong số đó còn tiếp tục đi học, theo đuổi bậc CĐ, ĐH. Tỷ lệ duy trì sĩ số xuyên suốt từ lớp 6- 12 của toàn dự án là gần 70%.

Đội ngũ giáo viên của 12 đơn vị trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên tổng cộng gần 200 người, trải qua 60 khóa tập huấn chuyên môn về kỹ năng sống, tư vấn học đường, bình đẳng giới… trở thành lực lượng nòng cốt cho các hoạt động của trường THCS, THPT thời điểm hiện tại.

Cho em tự tin khôn lớn

Theo bà Nguyễn Diệu Nương- Giám đốc Tổ chức Room to Read Việt Nam: “Chương trình hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh huyện Trà Ôn đã đạt được kết quả hơn sự mong đợi.

Với mục tiêu cho các học sinh tham gia hoàn thành bậc học phổ thông và định hướng cuộc sống sau này cho các em, chúng tôi rất vui mừng khi thấy được tỷ lệ học sinh bỏ học thấp, các em học ấn tượng, học kỹ năng sống và tự tin hơn, nhanh nhẹn hơn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Có nhiều em quay lại giúp đỡ chương trình, cùng các cô giúp đỡ các bạn nữ sinh khác”.

Hình ảnh cô sinh viên Đinh Thị Kim Thùy- sinh viên năm 3, ngành Kinh doanh thương mại (ĐH Cần Thơ)- nổi bật trong chương trình bởi sự tự tin, năng động của em.

Thùy không quên: “Tham gia Room to Read lần đầu tiên, em học về sự tự tin, do thầy Lê Hoàng Lâm dạy ở phía sau sân cát Trường THCS Lục Sĩ Thành. Tối đó, em hào hứng đến không ngủ được kể cho cả nhà nghe, ông nội em mừng rơi nước mắt”.

Thùy cùng mẹ hết đi thu hoạch vườn mướn đến ngồi đan giỏ lục bình mòn tay nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi đến kỳ đóng học phí. Được chương trình hỗ trợ học phí mà Thùy còn được dạy rất nhiều kỹ năng sống.

“Nhờ những lớp học kỹ năng sống này, những cô gái ở thôn quê như em nhận định được giá trị bản thân và tự tin thực hiện những mục đích trong cuộc sống.

Em bắt đầu ước mơ nhiều hơn, biết đặt mục tiêu và thực hiện nó” - Thùy nói. Còn cô Nguyễn Thị Út- mẹ Kim Thùy- chia sẻ: “Nhiều người nói con gái không nên cho đi học nhiều, rồi cũng đi lấy chồng. Tôi không nghĩ vậy, cứ cho con đi học cái nghề, ước vọng của mình có nhiêu đó thôi, cho con nó học tới nơi tới chỗ”.

Ông Nguyễn Ngọc Khoảng- Phó Ban Quản lý chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh huyện Trà Ôn- là người theo sát chương trình suốt 9 năm mong muốn: “Tổ chức Room to Read trở lại với huyện Trà Ôn vì đây là huyện vùng xa, thuần nông còn nhiều khó khăn.

Chương trình đã mang lại đội ngũ giáo viên dạy kỹ năng sống và tư vấn học đường tại các trường phổ thông trong huyện”.

Chặng đường 9 năm đã khép lại nhưng hiệu quả từ chương trình sẽ không khép lại, với năng lực, kinh nghiệm và sức ảnh hưởng của 193 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia chương trình sẽ là hạt nhân cho các hoạt động giáo dục của các trường sau này.

Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long, Trưởng BCĐ cấp tỉnh: “Chương trình Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh của Tổ chức Room to Read đã triển khai trên địa bàn huyện Trà Ôn từ năm 2011. Sau 9 năm triển khai, đã có 1.450 nữ sinh được hỗ trợ với tổng kinh phí triển khai là 15,5 tỷ đồng. Nhiều nữ sinh được hỗ trợ về vật chất để có thể tiếp tục đến trường nhưng quan trọng hơn là sự tiến bộ rõ nét về nhận thức và năng lực của các nữ sinh tham gia chương trình. Sự tự tin luôn thể hiện trên gương mặt của hầu hết các em, đó chính là thành công lớn nhất của chương trình. Tôi tin các em sẽ là những người có ích cho quê hương đất nước trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN