Vũng Liêm giải quyết tốt việc làm, giảm nghèo bền vững

Cập nhật, 05:21, Thứ Tư, 12/08/2020 (GMT+7)

 

Các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và công tác bảo đảm an sinh xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Vũng Liêm đã có nhiều giải pháp đồng bộ giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Phát triển kinh tế tập thể gắn giải quyết việc làm

Đảng bộ huyện nhiệm kỳ qua đã triển khai thực hiện tốt việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho lao động địa phương.

Đến nay, toàn huyện có 171 doanh nghiệp, tăng 70 doanh nghiệp, bình quân tăng 14 doanh nghiệp/năm so năm 2015; trên 3.800 cơ sở sản xuất, thu hút hơn 7.600 lao động, so đầu nhiệm kỳ tăng 373 cơ sở và tăng 758 lao động; đồng thời, phát triển trên 950 hộ kinh doanh, nâng tổng số trên 8.700 hộ kinh doanh với hơn 13.000 lao động.

Theo bà Tô Thị Liễu Châu- Trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Vũng Liêm, trong nhiệm kỳ 2015- 2020, huyện đã thành lập được 25 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số đến năm 2020 là 37 HTX; trong đó, HTX hoạt động khá chiếm 81%.

Về tổ hợp tác hiện có 99 tổ, trong đó, hoạt động khá, tốt chiếm 69%. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm sâu sát, kịp thời chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT).

Theo đó, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, mở rộng liên kết, hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ đó, đưa KTTT trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các xã viên và cộng đồng dân cư.

Anh Trần Hoàng Nam- Giám đốc HTX Xây dựng Tiến Phát Vũng Liêm cho biết, hoạt động của HTX thời gian qua ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương theo từng thời điểm. Thu nhập bình quân của nhân công tương đối khá tốt, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện- cho biết: Qua 5 năm, chất lượng hoạt động của khu vực KTTT ngày càng được nâng lên; quy mô được mở rộng; nội dung và hình thức hoạt động đa dạng hơn; phát triển trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là phát triển chuỗi ngành hàng nông sản.

Đồng thời, phát huy tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, tăng hiệu quả hoạt động; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Thành lập và đi vào hoạt động gần 2 năm, HTX Chiếu lác Thành Đông tạo việc làm ổn định thường xuyên cho hơn 10 lao động, góp phần cùng địa phương giải quyết vấn đề lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tâm- Giám đốc HTX Chiếu lác Thành Đông- cho biết, lao động làm việc tại HTX có việc làm xuyên suốt, nếu chịu khó gắn bó thì sẽ có thu nhập ổn định cải thiện cuộc sống rất tốt.

Gắn bó với HTX Chiếu lác Thành Đông từ lúc thành lập đến nay, chị Nguyễn Thị Út lúc trước nhận xe lõi lác làm thêm ở nhà, giờ chị vào HTX làm công đoạn dệt quanh năm, thu nhập được 3- 4 triệu đồng/tháng.

“Nhờ có việc làm thường xuyên vậy nên đời sống kinh tế ổn định, có dư mua sắm đồ đạc sinh hoạt trong nhà”- chị Út vui vẻ cho biết.

Hiện, huyện có 4 HTX nằm trong đề án hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh là HTX Lúa giống Vinh Phát, HTX Nông nghiệp Tân An Luông, HTX Cam sành Hiếu Trung và HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt. Nhìn chung, hoạt động của các HTX này ổn định, làm ăn hiệu quả.

Tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững

Phát động phong trào “Chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện Vũng Liêm vận động quỹ “Vì người nghèo” hàng năm đều đạt trên 3 tỷ đồng.

 Thông qua các chương trình, dự án, các chính sách ưu đãi, huyện đã hỗ trợ xây cất trên 1.270 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng trị giá gần 40 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề cho hơn 5.100 lao động nông thôn, giới thiệu và tạo việc làm mới cho 14.600 lao động, xuất khẩu trên 1.000 lao động.

Hàng năm, công tác giảm nghèo đều đạt chỉ tiêu trên giao, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,59% còn 1,26%, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 1,06%/năm.

Theo Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội- Lê Thị Tuyết Trinh, trong nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, UBMTTQ và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo.

Phong trào “Vì người nghèo” được phát động rộng khắp, các biện pháp hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai có hiệu quả thông qua các chương trình, dự án, các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo đó, các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 23.800 tỷ đồng, đã cho trên 90.600 lượt hộ vay vốn, có điều kiện sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Vào HTX làm nghề tiểu thủ công nghiệp được 1 năm, chị Nguyễn Thị Như Nguyệt (ấp Đại Nghĩa- xã Trung Thành Đông) chia sẻ: “Nhà làm ruộng, cũng gặp nhiều khó khăn, từ lúc có thêm việc làm ở HTX thì đời sống ổn định hơn trước.

Hồi đầu đâu có biết làm, được học nghề 1 tháng rồi làm tới giờ”. Thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng giúp chị Nguyệt có thêm nguồn thu vừa chăm lo con cái vừa vun vén trong ngoài, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Song song đó, huyện triển khai thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội.

Nổi bật, huyện vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 4,3 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 786 căn nhà tình nghĩa, kinh phí trên 30 tỷ đồng; xây dựng 977 căn nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm công đoàn, kinh phí 22 tỷ đồng; giải quyết dứt điểm hồ sơ chính sách tồn đọng sau chiến tranh; cơ bản không còn gia đình chính sách khó khăn về nhà ở. 

Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng người có công với nước được nâng lên; 100% xã- thị trấn được công nhận thực hiện tốt chính sách người có công. Nhiệm kỳ qua, toàn huyện tập trung các nguồn lực, thực hiện các chương trình an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 127 tỷ đồng.

 

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm Lê Văn Lập, nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả như giải quyết việc làm, an sinh xã hội... Theo đó, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 45,2 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm đạt 1,06%; tạo trên 2.900 việc làm mới cho người lao động hàng năm…


Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA