Công tác chính trị tư tưởng trong ngành giáo dục

Tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng cho học sinh

Cập nhật, 05:24, Thứ Tư, 12/08/2020 (GMT+7)

 

Một trong những hiệu quả mà công tác chính trị tư tưởng ngành giáo dục mang lại là góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Ảnh minh họa
Một trong những hiệu quả mà công tác chính trị tư tưởng ngành giáo dục mang lại là góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Ảnh minh họa

Công tác chính trị tư tưởng trong ngành giáo dục trong những năm gần đây triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Từ đó mang lại nhiều kết quả rất đáng trân trọng và tạo sự ổn định về tình hình tư tưởng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cả dư luận xã hội…

Được thành lập từ năm 2015 theo quy định của Bộ GD- ĐT, Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD- ĐT) từng bước trưởng thành và đóng góp nhiều cho ngành giáo dục trong mục tiêu chung là nâng cao chất lượng GD- ĐT tỉnh nhà.

Phòng Chính trị tư tưởng có chức năng tham mưu Giám đốc Sở GD- ĐT thực hiện quản lý nhà nước về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục thể chất ngoại khóa; y tế trường học; vệ sinh môi trường; các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; công tác quản lý học sinh, sinh viên và công tác Đoàn, Đội, Hội trong trường học; bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ; phổ cập giáo dục, công tác bồi dưỡng học sinh, sinh viên trên địa bàn;…

Ngành giáo dục hiện nay có hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác và có hơn 200.000 học sinh mầm non và phổ thông.

Trong những năm qua, thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”, ngành giáo dục luôn quan tâm và xác định công tác nắm bắt dư luận xã hội là nhiệm vụ quan trọng, tập trung khai thác tích cực có hiệu quả các nguồn thông tin phản hồi việc thực hiện, triển khai các chủ trương, chính sách mới, đặc biệt là các chủ trương, chính sách, quy định mới liên quan đến ngành giáo dục…

Theo ông Lâm Đặng Hồng Sơn- Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng thì chức năng, nhiệm vụ của phòng sẽ góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quyết định và pháp luật về ngành, triển khai có hiệu quả về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Học sinh tham gia cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”.
Học sinh tham gia cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”.

Đồng thời, góp phần tạo sự ổn định về tình hình tư tưởng của đội ngũ trong ngành, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt mang tính tích cực trong ngành, từ đó lan tỏa điều hay, hạn chế tiêu cực trong ngành.

“Với số lượng gần 1/4 dân số của cả tỉnh, hiện tại tình hình tư tưởng, an ninh chính trị trong ngành trong khoảng 3 năm gần đây không có trường hợp vi phạm.

Và qua 5 năm đi vào hoạt động có thể khẳng định công tác chính trị tư tưởng góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, không xảy ra dư luận nóng, bất ổn liên quan đến ngành…”- ông Lâm Đặng Hồng Sơn chia sẻ.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng có một số trường hợp cụ thể có tác động đến dư luận. Qua đó càng trân trọng vai trò của người làm công tác tư tưởng trong ngành giáo dục.

Ông Lâm Đặng Hồng Sơn cho biết: “Vừa rồi, có trường hợp một thầy giáo ở Vũng Liêm có dư luận không tốt về đạo đức, lối sống.

Sau khi nắm thông tin từ dư luận, chúng tôi đã đến tận nơi để nắm bắt thêm, từ đó tham mưu lãnh đạo Sở GD- ĐT có hướng xử lý hợp tình, hợp lý. Đồng thời cũng thông tin chính xác đến dư luận xã hội, tránh sự việc đi quá xa, ảnh hưởng không tốt”.

“Ngành giáo dục thành lập các nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook với các thành viên các nhóm như: lãnh đạo các phòng GD- ĐT, nhóm hiệu trưởng các trường THPT, tiểu học, cán bộ Đoàn trường học, giáo viên Tổng phụ trách Đội…

Thông qua các nhóm này, lãnh đạo Sở GD- ĐT và lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở nắm bắt thông tin, dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền rất kịp thời và hiệu quả”- ông Lâm Đặng Hồng Sơn chia sẻ.

Tuy có nhiều thuận lợi và đạt kết quả cao, nhưng ngành giáo dục cũng nhận định, trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển nhanh chóng của thông tin truyền thông, mạng xã hội… đã có tác động rất lớn, trong đó có cả tác động tiêu cực đến ngành giáo dục trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD- ĐT toàn diện cho học sinh.

Để làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng trong ngành, ông Lâm Đặng Hồng Sơn đề xuất, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập tổ cộng tác viên dư luận xã hội trong ngành GD- ĐT, từ Sở GD- ĐT đến các phòng GD- ĐT và các trường học để thường xuyên nắm bắt kịp thời các dư luận xã hội không chỉ riêng lĩnh vực giáo dục mà còn các lĩnh vực an ninh, chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội,…

Đồng thời Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về nắm bắt dư luận xã hội cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trong ngành giáo dục…

“Trong thời gian tới, ngành GD- ĐT cần sự chung tay, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và xã hội. Đặc biệt là sự chung tay của phụ huynh trong công tác giáo dục học sinh…”- ông Lâm Đặng Hồng Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN