Cần thể hiện văn hóa giao thông

Cập nhật, 05:40, Thứ Sáu, 26/06/2020 (GMT+7)

 

Vừa điều khiển mô tô, xe máy vừa hút thuốc lá là hành vi trực tiếp gây nguy hiểm cho người khác.
Vừa điều khiển mô tô, xe máy vừa hút thuốc lá là hành vi trực tiếp gây nguy hiểm cho người khác.

Khi tham gia giao thông trên đường, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh vừa thiếu văn hóa, vừa vi phạm pháp luật của một số người tham gia giao thông, như rẽ phải, rẽ trái không bật đèn tín hiệu xin đường, không chú ý quan sát; đặc biệt nguy hiểm hơn là vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi đang lái xe và hút thuốc lá khi tham gia giao thông...

Vừa chạy xe, vừa hút thuốc

Ai cũng biết, tàn thuốc lá và khói thuốc bay vào mắt làm cay mắt vô cùng khó chịu. Và khi tàn thuốc lá bất ngờ bay vào mắt làm mắt phản xạ nhắm lại và chảy nước mắt nên không nhìn thấy xung quanh.

Như vậy, khi đang điều khiển xe máy mà có tàn thuốc rơi vào mắt làm mắt rát bỏng tức thì, tay lái loạng choạng nên rất dễ gây ra tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông.

Anh Thiện (Phường 1- TP Vĩnh Long) ngồi uống cà phê, thấy vài người phì phà khói thuốc, anh nói “hổm rày vợ tôi kêu bỏ hút thuốc”.

Anh kể: “Hôm trước, vừa đi chợ về, vợ tôi vẻ khó chịu vừa lấy chai thuốc nhỏ mắt vừa nói “ông bỏ hút thuốc đi nhe!” Tôi hỏi bình thường sao không nói, sao tự nhiên vừa đi chợ về lại nói chuyện này.

Vợ tôi kể đang chạy xe ngoài đường, phía trước có một người cỡ tuổi tôi điều khiển xe mà một tay cầm điếu thuốc lá rít một hơi, lập tức, tàn thuốc bay về phía sau đập vô mắt làm mắt rát bỏng cay xé.

Vợ tôi lập tức tấp xe vô lề để lau nước mắt, phải mất hơn 5 phút mới mở mắt ra được. May là vợ tôi chạy xe đạp điện, chạy chậm, chứ không thì không biết ra sao”.

Không chỉ riêng vợ anh Thiện, mà nhiều người đã phàn nàn về việc một số người vừa điều khiển phương tiện vừa hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Có người dừng khi đèn đỏ và lúc đang có đông người vẫn phì phà khói thuốc làm ảnh hưởng đến những người không hút thuốc, đến phụ nữ và đặc biệt là trẻ em.

Còn hành vi vừa điều khiển xe chạy, vừa hút thuốc làm tàn thuốc bay vào mắt người phía sau là gây nguy hiểm trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông cho người khác.

Vừa chạy xe, vừa sử dụng điện thoại

Hiện nay, các quy phạm pháp luật về an toàn giao thông quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tuy nhiên còn nhiều người sử dụng điện thoại di động ngay cả khi đang điều khiển xe đi trên đường, cứ một tay lái xe, một tay bấm nhắn tin hoặc gọi- nghe.

Đây là một hành vi vừa thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, vừa vi phạm pháp luật và là một trong những nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Vừa điều khiển xe, vừa sử dụng điện thoại di động là rất nguy hiểm bởi người điều khiển phương tiện sẽ bị phân tâm, mất tập trung, dẫn đến phản xạ kém, không xử lý kịp tình huống xấu nếu xảy ra.

Vượt đèn đỏ

Các chốt đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh, đèn đỏ) được ngành chức năng lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư giao nhau có lượng phương tiện lưu thông lớn. Đây là thiết bị quan trọng giúp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và giữ trật tự an toàn cho người tham gia giao thông.

Việc chấp hành nguyên tắc hoạt động của chốt đèn là rất quan trọng, thể hiện thái độ ứng xử văn hóa và ý thức cơ bản của người tham gia giao thông.

Theo Luật Giao thông đường bộ, đèn xanh được phép đi, đèn vàng phải dừng khi chưa qua vạch dừng và khi đèn đỏ bật lên phải dừng xe hẳn phía sau vạch.

Thế nhưng, đâu đó vẫn có nhiều trường hợp cố tình vi phạm, khi thấy đèn vàng bật lên là cố gắng tăng tốc để vượt qua giao lộ, thậm chí vượt đèn đỏ băng qua giao lộ, rất nguy hiểm; đồng thời người điều khiển xe lấn vạch, lấn làn gây mất trật tự.

Nhiều trường hợp đèn đỏ còn vài giây có người cũng khởi động và tăng tốc, trong khoảng thời gian này, hướng giao lộ đang được phép lưu thông cũng chuyển qua đèn vàng và cũng có người tăng tốc để vượt qua, thì hậu quả chắc ai cũng biết…

Những hình ảnh được nêu trên thể hiện sự thiếu văn hóa của người tham gia giao thông mà người đi đường thường bắt gặp; bên cạnh đó cũng còn rất nhiều hành vi khác mà chúng tôi không thể phản ánh hết trong bài viết này. Hy vọng rằng, mỗi người chúng ta cần phải nêu cao cách ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông là văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ.

Theo đó, các hành vi ứng xử phải đặt ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, vừa vì mọi người, vừa vì mình.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN