Tuyển sinh ĐH 2020, mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh

Cập nhật, 05:36, Thứ Sáu, 15/05/2020 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi THPT năm nay có mức độ và quy mô khác hơn mọi năm. Quy chế tuyển sinh cũng có thay đổi, một số trường ĐH lớn lần đầu tiên xét tuyển bằng kết quả học tập đã mở ra những cơ hội mới cho thí sinh năm nay. Đối với thí sinh dự thi, kỳ thi cơ bản giữ ổn định với những điều kiện tốt nhất cho các em.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn thích hợp.
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn thích hợp.

Những điểm mới đáng lưu ý

Tại hội nghị trực tuyến về tuyển sinh ĐH 2020, Bộ GD- ĐT đã công bố những điểm mới và những vấn đề này được thể hiện rõ trong Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như 2019, tạo bình yên cho xã hội, hứng khởi cho học sinh... Tôi mong rằng, cả hệ thống giáo dục đại học sẽ cùng nhau thực hiện” - Bộ trưởng nói.

Bộ GD- ĐT cho phép các trường được tổ chức thi riêng, tuy nhiên phải đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Chẳng hạn, trường cần có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Đảm bảo nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng: lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.

Tránh tình trạng một ngành nghề xét tuyển quá nhiều tổ hợp và các tổ hợp lạ, Bộ GD- ĐT cũng quy định các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.

Một ngành không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh.

Đối với những ngành tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, điều kiện để tổ chức lớp học, thì nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết (theo pháp luật), hoặc báo cáo Bộ GD-ĐT để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Bộ GD- ĐT tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 đã chính thức có hiệu lực, do vậy từ năm nay các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm. Chỉ tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non.

Hội đồng tuyển sinh các trường chỉ gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã có giấy chứng nhận đã tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã có giấy thông báo trúng tuyển ĐH là sai quy định.

Đối với phương án tuyển sinh bằng kết quả học tập, phát biểu tại buổi họp trực tuyến Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT, chúng tôi sẽ tiến hành đối sánh với học bạ.

Điều này sẽ cho thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Học bạ điện tử được áp dụng rộng rãi nên các trường có thể yên tâm, xã hội sẽ thực hiện giám sát điều này”.

Trường lớn xét học bạ

Trường ĐH Cần Thơ cũng vừa họp bàn và đi đến thống nhất về phương án tuyển sinh năm 2020. GS.TS. Hà Thanh Toàn- Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ- cho hay: “Chúng tôi cơ bản xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển bằng điểm học bạ của 5 học kỳ học THPT và tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD- ĐT”.

Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh theo phương án xét tuyển bằng kết quả học tập, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh muốn xét tuyển vào trường này.

Theo đó, trường này tiếp tục sử dụng điểm của kỳ thi THPT năm 2020 để xét tuyển theo tổ hợp 3 môn đã công bố trước đó. Đối với những ngành đào tạo giáo viên khi xét tuyển bằng phương thức này, Trường ĐH Cần Thơ sẽ không quy định học lực của thí sinh.

Điểm mới của năm nay là tất cả các ngành thuộc chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao và chương trình đại trà (trừ các ngành đào tạo giáo viên) sẽ dùng thêm 1 phương án khác là xét tuyển bằng kết quả học tập với chỉ tiêu tối đa 40%.

Xét tuyển dựa vào “Điểm trung bình môn” học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký.

Điều kiện đăng ký xét tuyển- tức ngưỡng đầu vào là tổng điểm trung bình môn của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển từ 19,5 điểm trở lên. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 5 nguyện vọng, và phải xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Phân hiệu Vĩnh Long cũng dành từ 20- 30% chỉ̉ tiêu xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn. Học sinh tốt nghiệp THPT, có điểm trung bình tổ hợp môn từ 6,5 điểm trở lên tính theo năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.

Nguyên tắc xét tuyển dựa trên điểm trung bình tổ hợp đăng ký, học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn, học sinh trường THPT chuyên/năng khiếu.

Bộ GD- ĐT đã công bố Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 tại Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT. Có 5 điểm mới đáng lưu ý:

Quy chế tuyển sinh 2020 áp dụng cho tất cả các loại hình đào tạo, không áp dụng riêng cho từng loại hình như trước đây.

Từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non.

Thêm đối tượng được tham gia dự thi, bổ sung thêm đối tượng đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam ở nước ngoài hoặc ở nước ngoài được tham gia dự tuyển ĐH, CĐ ở Việt Nam.

Các trường ĐH phải công khai Đề án tuyển sinh trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển.

Bổ sung quy định về tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh. Cụ thể, các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hoặc hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi, phải tuân thủ các quy định của Bộ GD- ĐT.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN