Kết nối phố

Tránh ô nhiễm bụi- nhìn từ thủ đô

Cập nhật, 13:05, Thứ Tư, 13/05/2020 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người với 90% dân số toàn cầu đang hít thở không khí không tốt cho sức khỏe. Ông Frank Hammes- Giám đốc Điều hành Tổ chức IQAir- cho biết, ô nhiễm không khí là một kẻ giết người thầm lặng với gần 7 triệu người chết/năm.

Theo Dữ liệu do IQAir công bố trong báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 và xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất, Hà Nội lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh (Trung Quốc), trở thành một trong số các thủ đô ô nhiễm bụi mịn (PM2.5, bụi có kích thước nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được) nhất thế giới. 

Những nghiên cứu khoa học trong 2 thập kỷ qua cho thấy, nguồn bụi mịn gồm bụi đất lơ lửng, tro bay từ các bếp than tổ ong và từ chất thải và từ hơn hàng triệu phương tiện giao thông, đa phần là xe máy.

Không riêng Hà Nội, ô nhiễm không khí cũng là mối lo ở nhiều đô thị khác trong nước khi mà lượng xe máy áp đảo; bụi đất do xe cộ tốc lên quá nhiều; diện tích cây xanh, mặt nước bị thu hẹp...

Do đó, rất cần giải pháp đồng bộ trong phòng chống ô nhiễm không khí. Trong đó, cần tiến hành kiểm kê các nguồn phát thải, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, vừa làm căn cứ cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị.

Trong khi phòng ô nhiễm “bụi lớn”- mắt thường nhìn thấy được đã khá đau đầu thì việc phòng ô nhiễm bụi mịn càng khó.

Để bảo vệ mình, người dân cần đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế ra đường giờ cao điểm nếu không cần thiết; hạn chế lui tới nơi nhiều khói bụi; trồng nhiều cây xanh quanh không gian sống để “thanh lọc” không khí.

Bên cạnh, giữ nhà sạch sẽ, lau khăn ướt, sử dụng máy hút bụi, máy lọc không khí, hạn chế nấu than củi, đốt nhang. Ngay từ bây giờ, cần tăng cường đi bộ, đi xe buýt; giảm dần xe máy.

Nhìn từ Thủ đô Hà Nội, cần thêm kinh nghiệm về quản lý để tránh ô nhiễm không khí cho các đô thị trong tỉnh- nhất là ở những khu đô thị mới.

SÔNG HẬU