Mong lắm nước sạch về đây!

Cập nhật, 05:29, Thứ Ba, 24/03/2020 (GMT+7)

Nước sinh hoạt đã hiếm, nước tưới tiêu càng không có là tình trạng của gần 300 hộ dân tại ấp Tích Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) trong mùa khô, ảnh hưởng xâm nhập mặn hiện nay.

Nhiều người dân ở đây cho biết, mấy chục năm qua, nước sử dụng được bơm từ dưới sông lên, một số hộ thì có nước giếng khoan, song tình trạng nước ô nhiễm ngày càng nhiều bởi rác thải, nhiễm phèn, nhiễm mặn,…

Mương trữ nước ngọt để tưới cây của anh Tuấn đã chuyển màu đen chỉ sau 1 ngày.
Mương trữ nước ngọt để tưới cây của anh Tuấn đã chuyển màu đen chỉ sau 1 ngày.

Ông Đoàn Hùng Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện (Trà Ôn)- cho biết, thời gian qua, xã bị ảnh hưởng từ hạn mặn, đỉnh điểm vào tháng 1/2020, độ mặn lên đến 7,8‰, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hiện xã còn khoảng 300 hộ dân tại ấp Tích Khánh chưa có nước máy sử dụng. Trong đó chỉ có khoảng 160 hộ có khoan giếng lấy nước sử dụng, còn lại phải sử dụng nước sông để phục vụ sinh hoạt, tưới cây.

Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng nước giếng khoan thì chỉ có 8/10 mẫu đạt chất lượng, còn 2 mẫu nước nhiễm asen.

Ghi nhận tại vườn chôm chôm 8 công của anh Lâm Quốc Tuấn tại ấp Tích Khánh, lá cây rụng đầy gốc, trái non rụng khá nhiều, một số cây xác xơ vì thiếu nước tưới. Nước dưới mương anh Tuấn trữ lại cũng chuyển màu đen, một phần chuyển sang màu vàng do đóng váng phèn.

Có nước sạch để xài là mong mỏi của các hộ dân nơi đây.
Có nước sạch để xài là mong mỏi của các hộ dân nơi đây.

Anh Tuấn cho hay, nước chỉ mới dẫn vào mương trữ hôm qua, nay đã chuyển màu vì lá rụng quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng nước, muốn tưới cũng không được. Lúc trước 3 ngày tưới cây 1 lần, giờ phải “neo” 10 ngày coi nước mặn rút bớt mới dám tưới.

“Không có nước sạch xài đã khổ, giờ bị mặn còn khổ hơn. Cây thì khô vì thiếu nước, mà lỡ tưới thì cây không phục hồi được. Vụ này là vụ thuận mà coi như thôi rồi.

Tôi cũng đã ráng cứu, xịt dưỡng lá, dưỡng trái để kéo râu ra dữ lắm mà cũng bị rụng lá 70%. Sau đợt mặn 2016, tôi đã đào ao trữ nước nhưng cũng không đủ nước tưới”- anh Tuấn thở dài.

Chị Phương- vợ anh Tuấn- nói thêm: “Mùa này là cả nhà phải hà tiện nước để xài, nước ngọt trữ trong lu, kiệu chỉ dám phục vụ cho nhu cầu thiết yếu ăn, uống, tắm,...

Tui mong có nước máy xài dữ lắm mà mấy chục năm rồi toàn bơm nước dưới sông lên xài. Mà nước sông bây giờ cũng ô nhiễm, nước bơm lên phải xử lý kỹ mới dám xài”.

Cách đó không xa, nhà của cô Nguyễn Thị Sáng cũng phải tiện tặn xài nước. “Nhà có 2 vợ chồng nên xài nhín nhín, chứ con cháu về chơi là không có đủ nước để xài”- cô Sáng cho hay.

Chỉ ra vườn chôm chôm 3 công còi cọc lá, nhiều cây đọt chỉ còn trơ trọi cành, cô Sáng than thở: “Coi đó, năm trước trái bộn, có bán được rồi, năm nay nước mặn, nhưng cũng phải tưới vì không tưới cây chết, tưới rồi thì cây suy liền, khó phục hồi lại. Giờ 80 gốc chôm chôm của tôi bị tuột lá, tuột trái hết.

Có trữ nước hay đào nước giếng thì cũng chỉ đủ phục vụ cho sinh hoạt, chứ nước nhiễm phèn cũng không tưới cây được”.

Ông Nguyễn Quốc Thanh- Bí thư kiêm Trưởng ấp Tích Khánh- cho hay: Ấp có 285 hộ dân, trong đó có khoảng 60% hộ dân có nước giếng khoan để sử dụng. Song nước giếng tưới cây cũng không được vì độ PH cao.

Bình thường khi không có mặn, người dân bơm nước dưới sông lên sử dụng, nhưng khi có mặn, một số hộ trữ nước trong ao, mương để sử dụng dần nhưng cũng không trữ được lâu, chỉ được vài ba ngày, do để lâu nước đọng sẽ có mùi hôi.

“Ấp trồng chủ yếu là chôm chôm- đây là loại cây rất dễ mẫn cảm với độ mặn nên khi mặn lên, người dân trữ nước không kịp, không tưới thì cây héo, còn tưới thì cây quéo, rụng lá, rụng trái. Trước đây 1 công có thể thu hoạch được 2,2- 2,5 tấn nhưng giờ chỉ còn khoảng vài trăm ký mỗi công.

Toàn ấp có khoảng 90% hộ dân bị ảnh hưởng của mặn, chỉ một số ít hộ có trữ nước thì tình trạng đỡ hơn”- ông Thanh cho biết thêm.

Muốn có nước sạch, nước máy để xài là mong mỏi của rất nhiều hộ dân nơi đây. Nhiều hộ dân chia sẻ, là xứ cù lao, thiếu nước sạch để xài trong tình trạng môi trường nước sông ngày càng ô nhiễm như hiện nay đã gặp khó, giờ lại chồng thêm khó vì vướng mặn.

Ông Đoàn Hùng Cường cho hay, địa phương rất mong được ngành chức năng hỗ trợ xây dựng nhà máy nước tại ấp để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của gần 300 hộ dân nơi đây, nhất là thời gian qua, tình trạng hạn mặn đang diễn biến phức tạp và ngày càng gay gắt.

Trong các tháng đầu năm 2020, xã Tích Thiện đã vận động các hộ dân trong xã sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, nước từ trạm cấp nước tập trung. Kết quả có 5 hộ đăng ký lắp đặt, nâng tổng số hộ sử dụng nước máy là 1.505 hộ, chiếm 63,61%, đạt 97,98% so kế hoạch.

Về ảnh hưởng của hạn mặn ở xã, ông Đoàn Hùng Cường cho hay, tuy năm nay độ mặn lên cao nhưng nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn nên không gây thiệt hại nhiều như năm 2016. Theo đó, người dân cũng nâng cao ý thức hơn trong công tác phòng chống hạn, mặn.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN