Đừng đòi hỏi, ích kỷ lúc đất nước khó khăn chống dịch Covid-19!

Cập nhật, 16:50, Thứ Ba, 24/03/2020 (GMT+7)

Chưa làm được gì nhưng lại có hành động thiếu hợp tác, chê bai chỗ ở cách ly, những du học sinh này không nên đòi hỏi lúc đất nước khó khăn chống Covid-19

1. Ngày còn bé, tôi bị bố đánh cho một trận đòn đau nhớ đời và đó cũng là trận đòn duy nhất bố đánh tôi. Ở những năm 70-80, khi mà ngành hàng không và các phương tiện vận tải khác chưa phát triển, thì đường sắt gần như độc quyền.

Thời ấy, ở lứa tuổi gần vào lớp 1 như tôi, đứa nào có người nhà làm đường sắt thường được chúng bạn “ngưỡng mộ”, đằng này bố tôi lại là Trưởng tàu nên tôi cũng thấy hãnh diện lắm.

Thỉnh thoảng, bố cho tôi về quê bằng tàu hoả. Lên tàu, các cô chú nhân viên thường hay dỗ dành và cho tôi quà bánh. Lúc ấy, trong đầu óc con trẻ, tôi nghĩ rằng bố mình có “quyền”, thì mình cũng đương nhiên được chiều chuộng.

Một lần lên tàu, tôi tự do ngồi vào ghế của một người khác. Chú nhân viên nói tôi trả chỗ cho khách, nhưng tôi nhất định không chịu. Thậm chí, tôi còn có thái độ vô lễ “có phải ghế của chú đâu mà bắt cháu chuyển chỗ”.

Đúng lúc mọi người chưa biết phải thế nào, thì bố tôi đi tới, ông nghiêm giọng bắt tôi trả chỗ. Ông xin lỗi khách đi tàu cùng nhân viên của mình. Lúc ấy, tôi cứ tưởng mọi chuyện thế là êm xuôi.

Về đến nhà, bố bắt tôi nằm lên giường và tra hỏi về hành động lúc ở trên tàu. Ông nói, tôi còn bé nhưng đã có tính “hách dịch, vô lễ và hỗn hào người lớn”.

Ông lấy roi đánh tôi một trận đau đến nỗi mãi sau này, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy “nổi da gà”. Nhưng từ ấy, tôi làm gì nhớ lại trận đòn để điều chỉnh hành vi, thái độ của mình. Và đến tận bây giờ, những lời ông dạy dỗ, tôi vẫn coi là “kim chỉ nam” để răn dạy những đứa con của mình.

2. Trong những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số người ở nước ngoài, trong đó có cả du học sinh về nước tránh dịch ngày càng nhiều.

Nhiều nơi phải trưng dụng cả các khu cách ly ở ký túc xá các trường Đại học để làm nơi cách ly. Với tinh thần vì cuộc chiến phòng chống dịch của tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, của cả xã hội, hàng ngàn sinh viên đã tự nguyện dọn hết đồ đạc từ hòm xiểng, chăn chiếu, tivi, bàn ghế… để dành chỗ cho những người về cách ly. Mà thực tế, nhiều sinh viên ở tỉnh xa, vùng khó khăn chưa biết xoay sở như thế nào để có chỗ trú thân.

Nữ du học sinh Canada dùng những từ ngữ rất khó nghe chê bai khu cách ly là
Nữ du học sinh Canada dùng những từ ngữ rất khó nghe chê bai khu cách ly là "không thể sống nổi", "quá sức chịu đựng"...

Thế nhưng, nhiều du học sinh về nước cách ly, khi về đến sân bay đã tỏ thái độ coi thường, không hợp tác trong việc thực hiện các quy định về cách ly.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quân của Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô lấy làm buồn về chuyện một số du học sinh ở khu vực châu Âu trở về, là con cháu của gia đình có điều kiện, khi về đến sân bay Nội Bài thiếu hợp tác với cơ quan chức năng.

Thậm chí một số du học sinh buộc lực lượng công an, nhân viên hàng không phải cưỡng chế cho lên xe thì mới vận chuyển được về các địa điểm cách ly.

Khi về đến chỗ cách ly, một số đã chê bai cơ sở vật chất, đồ ăn, thậm chí có du học sinh ở Canada còn đăng bài chê bai cơ sở vật chất thậm tệ. Nữ sinh này cho biết mình đã quen với môi trường sạch sẽ, nên không thể chịu đựng nổi với việc phòng dơ, không wifi…

Trong tình hình cả nước đang nỗ lực chống dịch, nhiều người đã nỗ lực hết mình, trong đó có cả những sinh viên như họ, phải màn trời chiếu đất, thậm chí chưa biết đi đâu về đâu để nhường chỗ cho những người về cách ly, thì những hành động như thế này là phản cảm.

Thật đáng buồn, điều này lại xảy ra ở những người đang được rèn rũa, mở mang trí tuệ, nhận thức ở thế giới văn minh.

Ai đến độ tuổi công dân, đều phải chịu trách nhiệm về phát ngôn và hành động của mình, thậm chí bị phạt tù nếu có những hành vi chống đối, trái pháp luật.

Vậy thì, tại sao về đến sân bay, họ lại có những hành động thiếu hợp tác, chống đối đến phải cưỡng chế về nơi cách ly? Hay họ cho rằng mình được quyền, được phép làm bất cứ điều gì vì họ là những “cậu ấm, cô chiêu” nhà có điều kiện, vốn được cưng chiều hơn người?.

Hình ảnh sau ca trực vất vả, những nhân viên y tế chẳng kịp thay quần áo mà nằm luôn tại các hành lang, các khoảng sân để ngủ tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.
Hình ảnh sau ca trực vất vả, những nhân viên y tế chẳng kịp thay quần áo mà nằm luôn tại các hành lang, các khoảng sân để ngủ tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Và nữa, khi mọi người ở trong nước đang chấp nhận thiệt thòi, thậm chí hy sinh để nhường cho họ có nơi ăn ở, có người phục vụ, theo dõi sức khoẻ, đáng lẽ ra họ phải biết điều ấy.

Nếu chưa làm được gì thì ít ra họ nên có thái độ đúng đắn, nhận thức tại sao mọi người lại phải hy sinh, nhường nhịn nhiều đến vậy?

Chưa làm được gì nhưng lại có hành động thiếu hợp tác, chê bai chỗ ở cách ly, những du học sinh này sau này sẽ trở thành người chủ tương lai như thế nào?

Trong hoàn cảnh dịch dã hiện nay, nên hiểu những khó khăn mọi người đang cùng nhau nỗ lực khắc phục, chứ không phải chỉ đòi hỏi, chê bai khi điều kiện sống không như mình mong muốn.

Rồi nữa, sau này, những du học sinh sẽ trở thành các bậc làm cha mẹ. Những ông bố, bà mẹ này sẽ dạy dỗ con cái mình điều gì, hay sẽ là “tấm gương xấu” phản chiếu những điều tương tự hành động của chính họ hôm nay?

Nhãn tiền là như vậy, nếu những người này không tự nhìn lại mình, nhìn lại sự hy sinh, nhường nhịn, sẻ chia và kiên nhẫn của mọi người để kịp thời cầu thị và sửa chữa./.

Theo An An/VOV.VN