Câu chuyện nông thôn

Cây di sản

Cập nhật, 22:29, Thứ Tư, 11/12/2019 (GMT+7)

Hai Lúa tui thấy việc công nhận cây di sản ở địa phương là một việc làm vô cùng quan trọng, nó góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn những thực thể gắn liền với văn hóa nông nghiệp, nông thôn và cây di sản cũng là chứng nhân của những chuyển động, phát triển của một địa phương.

Ở xứ mình được gọi nôm na là “vương quốc” của nhiều loại cây trái, Hai Lúa tui thiết nghĩ chúng ta cũng cần tìm kiếm, phát hiện để công nhận những cây giống “tổ”, như một thực thể khai sinh ra những vùng cây ăn trái đặc sản của địa phương mình. Đây cũng là cách tốt nhất nhằm tôn vinh những loại cây trái đặc sản, độc đáo của đồng bằng, nhất là trong thời buổi ngày càng thâm nhập rất nhiều loại cây, giống cây ngoại lai tràn lan.

Mấy ông bạn già của Hai Lúa tui cũng có cùng ý kiến, họ cho rằng chẳng hạn như chúng ta nên nghiên cứu, khảo sát kỹ để xác nhận lý lịch của những cây ăn trái có tuổi thọ thuộc lớp đầu tiên thì hay biết mấy.

Chẳng hạn như nhiều giống nhãn bản địa của xứ mình, hay như rất nhiều giống xoài quý, độc đáo ngày xưa ở đồng bằng giờ đây cũng ngày càng vắng bóng và thay vào đó là rất nhiều giống cây ngoại lai xuất hiện trong vườn cây, trên kệ chợ và trong thói quen ăn uống hàng ngày của người Việt Nam mình.

Mấy năm trước, Hai Lúa tui có nghe chuyện về cây thanh trà “tổ” được công nhận là cây giống đã khai sinh ra làng cây đặc sản thanh trà của địa phương mình, cây có tàng xõa bóng rộng hơn nửa công đất.

Trong lúc đó cũng rộ lên phong trào chơi kiểng thanh trà, đã có mối lái đến đòi mua cây thanh trà “tổ” có giá hàng trăm triệu đồng, nhưng nghe đâu là không có đường di chuyển cây ra đường, nên việc mua bán không thành.

Từ câu chuyện này, Hai Lúa tui mong sao chúng ta nên quan tâm công nhận những cây di sản như thế để có cơ hội bảo vệ, giữ gìn lại những gốc cây quý như thế tại địa phương mình. Tránh sự “chảy máu” những thực thể cây thuộc hàng di sản, vì như thế sẽ thật là đáng tiếc.

Hailua@.com