Phụ nữ xóm làng đan khung đan giỏ

Cập nhật, 14:36, Thứ Năm, 21/11/2019 (GMT+7)

Ngày này, ở nhiều vùng quê ngoài công việc làm thuê, ruộng vườn, chăn nuôi, nhà cửa... còn lúc rảnh rỗi, các bà các cô, chị em phụ nữ thường làm thêm nghề đan đát, góp phần thu nhập cải thiện cuộc sống.

Người lao động nông thôn nhận khung nhựa, sợi lác về đan khung lác gia công cho công ty (ảnh chụp tại ấp Mỹ Định, xã Tân Mỹ).
Người lao động nông thôn nhận khung nhựa, sợi lác về đan khung lác gia công cho công ty (ảnh chụp tại ấp Mỹ Định, xã Tân Mỹ).

Ở ấp Mỹ Định (xã Tân Mỹ- Trà Ôn), chúng tôi gặp các bà con như vậy. Cô Huỳnh Thị Trước mới giao cho đầu mối 65 khung lác thành phẩm hôm 8/11. Giá thu vào 3.000 đ/cái, tính ra cô có 195.000đ. Đó là kết quả một tuần cô đan khung lác trong lúc rảnh rỗi. Số này tuy không lớn nhưng đó là niềm vui thành quả lao động.

Gọi là niềm vui vì các bà, các chị trong xóm thường đan khung lác khi đã cơm chiều, công việc nhà xong xuôi và thường là “bắt đầu đan khi tới phim tối và hết phim thì nghỉ”. Rồi bên niềm vui là công sức lao động khi kiếm thêm chút ít cho đời sống mà thấy rõ nhất là khoản điện, nước hay chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Cũng niềm vui lao động ấy, cô Ba có nhà gần chân cầu Lò Mo (ấp Mỹ Định) cũng chỉ nói với chúng tôi về thứ của mình, rồi kể do đã lớn tuổi nên ngày cô đan tầm 5- 7 khung. Và cô còn kịp kể thêm các chị em ở xóm người nào kiên trì thì mỗi ngày đan từ chục khung lác đến hơn.

Ông Nguyễn Văn Trung- Tổ trưởng Tự quản số 3 thuộc ấp Mỹ Định- cũng là đầu mối giao nhận khung đan, lõi lác và sản phẩm thành phẩm cho bà con trong xóm. Ông cho biết ấp có 2 đầu mối như vậy, ở đây và điểm tại nhà cô Hai Nhị ở gần nhà thờ.

Với trên 20 “thợ” đan khung, mỗi tuần điểm nhà ông Trung thu trên dưới 1.000 sản phẩm khung lác. Hàng tuần, các hộ dân lại đây giao hàng cho đầu mối, đầu mối giao cho công ty đóng ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Cùng lúc thu sản phẩm thành phẩm, khung và sợi lác xe lõi được đầu mối giao lại cho bà con đan tuần tiếp theo.

Theo các cô các chị, khoản thu nhập hàng tuần này tùy vào thời gian rảnh rỗi của mỗi người sau việc nhà và đồng áng. Nhưng ít nhất đến giáp tuần giao sản phẩm, mỗi người đan cũng có thu nhập 150.000- 300.000 hay thậm chí hơn. Ông Trung cho biết ở xóm có vợ chồng em Thắng- Oanh đan suốt. Lãnh 100 khung và sợi lác về đan 3 ngày xong, lãnh 300.000đ.

Hầu hết người đan đát kể trên đã học nghề nông thôn này từ nhiều năm trước. Và theo thời vụ, nhu cầu thị trường, họ có việc làm thường xuyên góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Kết quả của đào tạo nghề nông thôn là cái nghề, việc làm và một phần thu nhập thêm cho đời sống người dân vùng nông thôn.
Kết quả của đào tạo nghề nông thôn là cái nghề, việc làm và một phần thu nhập thêm cho đời sống người dân vùng nông thôn.

Với mục đích tương tự, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long phối hợp với địa phương tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở xã Tân Mỹ. Theo kế hoạch, xã được chọn đào tạo 2 lớp nghề tiểu thủ công nghiệp cho 36 lao động nông thôn gồm đan cói trên khung, đan giỏ lục bình.

Theo báo cáo kinh tế- xã hội năm 2019 của UBND xã Tân Mỹ, trong các tổ hợp tác sản xuất ở xã, những tổ hợp tác phi nông nghiệp như đan dây nhựa, đan thảm, tách hạt điều, dịch vụ làm thuê đem lại thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, công việc đan đát góp phần đem lại việc làm thường xuyên cho bà con.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt hồi năm 2009, và năm sau là đi đến hoàn thành.

Hàng triệu lao động các vùng nông thôn tùy vào điều kiện sinh sống và sản xuất mà được đem đến những nghề phù hợp. Điều quen thuộc bao năm qua là khi triển khai đề án này: người dân nông thôn trong độ tuổi quy định được vận động đăng ký học nghề, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập.

Đó cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đề án, khi hướng tới nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN