Nỗi lo khi con nhỏ dậy thì sớm

Cập nhật, 05:19, Thứ Năm, 07/11/2019 (GMT+7)

Dậy thì sớm ở trẻ đang trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay. Tình trạng “đi trước một bước” này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, bên cạnh đó nó còn kéo theo những ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ khi trẻ chưa đủ nhận thức để tự bảo vệ mình.

Cảnh báo trẻ em dậy thì sớm

Chị N.T.L.H. (Phường 8- TP Vĩnh Long) từng cảm thấy rất tự hào khi nhiều phụ huynh không khỏi xuýt xoa lúc biết bé mới 7 tuổi rưỡi mà trông cao như bé học sinh lớp 5 bởi chiều cao 1,38m, nặng 32kg.

Theo chị H., lúc bé học mẫu giáo, thấy con gái lớn nhanh, chị cho rằng đó là bình thường vì “cháu khỏe, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cơ thể phát triển cũng là chuyện... dễ hiểu và bé chắc có gien cao bự như ba”. Thế nhưng từ đầu năm lớp 2, “vòng 1” của cháu bắt đầu phát triển khiến chị H. lo lắng.

Con gái mới học lớp 1, chị Đ.T.T. (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) phát hiện con mọc lông vùng kín, ngực “u” lên.

Song, chị không biết đây là triệu chứng của bệnh dậy thì sớm nên không đưa con đi điều trị. Đến năm con học lớp 2 thì có kinh nguyệt, lúc này vợ chồng chị mới đưa con đi khám.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bé Nghé (7 tuổi)- con chị- bị dậy thì sớm.

Ngay sau khi được điều trị chích thuốc, bé ngưng có “kinh nguyệt”, gương mặt trở lại đúng tuổi chứ không như trước. Sau gần 3 năm điều trị, bé Nghé học hết lớp 5 thì bác sĩ ngưng chích thuốc.

Lúc ngưng chích thuốc, bé cao 1,48m. Hiện bé đang học lớp 7, cao 1,50m. Theo chị T., khi bé Nghé học lớp 1 đã cao muốn nhất lớp nhưng đến tuổi dậy thì thì chiều cao của con mình “khựng” lại.

Cuối tháng 10/2019, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cảnh báo, thời gian qua liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ đến điều trị dậy thì sớm. Có khoảng 500 trẻ đang theo dõi điều trị dậy thì sớm. Trong đó có khoảng 400 trẻ dậy thì sớm trung ương, điều trị thuốc Triptoreline.

Nếu như những năm trước, mỗi tháng bệnh viện chỉ có thêm khoảng 5 bệnh nhân mới có chỉ định điều trị, thì trong 10 tháng đầu năm 2019, đã có thêm gần 100 ca bệnh dậy thì sớm. Các con số trên có thể chỉ mang tính chất tham khảo nhưng vẫn khiến nhiều phụ huynh bị... sốc.

Không chủ quan khi con dậy thì sớm

Độ tuổi được cho là dậy thì sớm là bé trai dưới 9 tuổi, bé gái dưới 8 tuổi. Phụ huynh cần chú ý những dấu hiệu dậy thì của trẻ như tuyến mồ hôi, tuyến vú, bộ phận sinh dục. Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai, gấp 5 lần. Thường gặp ở thành thị hơn nông thôn.
Các chuyên gia tâm sinh lý khuyên phụ huynh nên khuyến khích con mình tham gia các hoạt động, trò chơi phù hợp với lứa tuổi.

Theo các bác sĩ, béo phì có liên quan đến tình trạng dậy thì sớm. Ngoài ra, cũng có một số bằng chứng về mối liên quan dậy thì sớm với lượng đạm động vật tiêu thụ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng dùng nhiều đạm thực vật thì trẻ sẽ dậy thì muộn hơn.

Các bác sĩ khuyên để tránh tình trạng dậy thì sớm, cần cho trẻ hạn chế ăn các thức ăn năng lượng cao, ngăn ngừa, điều trị sớm tình trạng béo phì ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, chăm sóc tiền sản tốt cho tất cả bà mẹ đạt dinh dưỡng đầy đủ trong giai đoạn bào thai.

Nếu dậy thì sớm, cơ thể trẻ chưa sẵn sàng cả về thể chất lẫn tâm sinh lý, ngoài việc phải đương đầu với những thay đổi về mặt cảm xúc, trẻ còn phải đối mặt với những thay đổi của cơ thể khi còn quá nhỏ. Điều này có thể gây trầm cảm và căng thẳng tâm lý ở trẻ.

Theo TS. Hồ Thị Thu Hằng- bác sĩ chuyên Khoa Sản- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Khi trẻ dậy thì sớm, nếu vệ sinh không đúng cách thì vùng kín dễ bị sưng tấy, viêm nhiễm âm hộ, một số trường hợp viêm nhiễm kéo dài, có nguy cơ nhiễm trùng vùng tử cung, buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ sau này.

Đặc biệt, bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình. Điều này làm tăng nguy cơ mang thai ở tuổi vị thành niên và để lại nhiều hệ lụy cho trẻ như bỏ học, thất nghiệp…

Độ tuổi được cho là dậy thì sớm là bé trai dưới 9 tuổi, bé gái dưới 8 tuổi. Phụ huynh cần chú ý những dấu hiệu dậy thì của trẻ như tuyến mồ hôi, tuyến vú, bộ phận sinh dục. Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai, gấp 5 lần. Thường gặp ở thành thị hơn nông thôn.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Quý- Trưởng Khoa Thận, Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, điều trị dậy thì sớm là cả một quá trình dài hạn và muốn điều trị phải làm tâm lý cho chính cha mẹ bé, để họ hiểu dậy thì là một quá trình tất yếu.

Một giải pháp tối ưu hiện nay là chích thuốc- loại thuốc có tác dụng làm chậm lại quá trình dậy thì- chờ cho đến lúc bé đủ tuổi dậy thì “đúng quy trình”.

Song, cần đặc biệt lưu ý là chỉ khi xác định được bé rơi vào nhóm dậy thì sớm trung ương, ở mức độ tiến triển nhanh hoặc rối loạn tâm lý xã hội đáng kể ở trẻ mới sử dụng loại thuốc làm chậm quá trình dậy thì này, chứ không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị.

Ngoài ra, quyết định điều trị còn tùy thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng. Thực tế hiện nay không ít trường hợp chính gia đình của các bé quyết định không can thiệp điều trị mà muốn để trẻ phát triển “thuận tự nhiên”.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, là gia đình, nhà trường, xã hội hãy trang bị cho bé các kiến thức về giới tính. Hãy dành thời gian bên trẻ, thủ thỉ với trẻ đâu là những giới hạn mà những người xung quanh được phép và không được đụng chạm vào các bộ phận cơ thể của mình. Đó mới là điều giúp ích cho trẻ tốt nhất, thay vì cứ để cho trẻ phát triển một cách tự nhiên.

Hiện nay dậy thì được chia làm 2 nhóm chính gồm dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại vi. Trong đó, dậy thì sớm trung ương phát sinh do sự bài tiết quá mức hormon sinh dục từ trên não (hạ đồi- tuyến yên). Đây là nhóm thường gặp nhất, có nguyên nhân đa số là vô căn, tức không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm, đặc biệt ở bé gái. Còn đối với dậy thì sớm ngoại vi ít phổ biến hơn và thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận...

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG