Còn khỏe là còn làm từ thiện

Cập nhật, 05:24, Thứ Ba, 29/10/2019 (GMT+7)

Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nhiều người cao tuổi ở Vĩnh Long vẫn không thôi những bước chân thiện nguyện, đi khắp nẻo đường với phương châm “lá lành đùm lá rách”.

Không chỉ là những nhà hảo tâm, các cô chú còn làm cầu nối vận động các nhà hảo tâm khác đến với những hoàn cảnh khó khăn, thắp thêm niềm tin vào tương lai cho những học trò nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Rạng- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh trao giấy khen cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu- người có nhiều đóng góp cho công tác hội năm 2019.
Ông Phan Thanh Rạng- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh trao giấy khen cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu- người có nhiều đóng góp cho công tác hội năm 2019.

Bước vào tuổi 80, những bước chân bắt đầu run rẩy nhưng ông Phan Thanh Rạng (bác Hai Rạng)- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long vẫn đến với những hộ nạn nhân da cam khó khăn.

Và hình như đi đến hộ da cam nào, chúng tôi cũng đều nghe họ nhắc đến bác Hai Rạng thân thiết như người nhà.

Nhiều năm nay, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long đã luôn đồng hành, vận động xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau, nhờ đó nạn nhân da cam có thêm những nụ cười.

Xen vào những câu chuyện làm ăn của gia đình mình, anh Lê Hiếu Nghĩa- người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin ở xã Phước Hậu (Long Hồ) luôn có hình ảnh của bác Hai Rạng.

“Bác Hai tới lui thăm hỏi, động viên vợ chồng tui cố gắng làm ăn”- anh Nghĩa nói.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Vĩnh Long Phan Thanh Rạng cho biết: “Phần lớn các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh hết sức khó khăn, do hầu hết những người bị nhiễm đều bệnh tật, không lao động được nên tôi còn sức còn đi tới các hộ để động viên, coi hội mình sẽ giúp được gì, rồi vận động giúp vốn cho hộ còn lao động được, cho nhà cửa,…”.

Vậy là khi nào còn khỏe, còn đi xe ôm được là bác Hai Rạng lại đi Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, cứ nơi nào có hộ nạn nhân chất độc da cam khó khăn là có bác.

Ở tuổi 73, cô Quách Thanh Vân (Phường 4- TP Vĩnh Long) nói với chúng tôi chắc sẽ phải giảm đi làm từ thiện vì sức khỏe đã yếu hơn rồi.

Đó là cái lần cô Vân té xe trên đường đi làm từ thiện ở Long Hồ về. Nhưng bẵng đi đôi ba tháng, lại thấy cô xuất hiện trong chương trình trao nhà cho người khuyết tật.

Cô thong thả lội qua những bờ mẫu đến từng hộ người khuyết tật nghèo, trên tay không quên ôm phần quà cô đã chuẩn bị.

Mỗi hoàn cảnh khó khăn mà cô Vân được các hội đoàn thể, cá nhân giới thiệu, đều được cô đi khảo sát tận nơi, dù có xa xôi như xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), xã Quới Thiện, cù lao Dài (Vũng Liêm),…

Cô Quách Thanh Vân trao quà cho hộ khó khăn.
Cô Quách Thanh Vân trao quà cho hộ khó khăn.

Cô Vân cười: “Dường như làm từ thiện riết ghiền, cứ khỏe lên một chút là lại đi, nghe ai khổ quá mình lại không chịu được”.

Trong lần đi công tác huyện Tam Bình, trong kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi lại gặp cô. Cô Vân đã xuống với đoàn nấu cơm từ thiện cho học sinh khó khăn từ 2 hôm trước.

Với tính cẩn thận và chỉn chu trong công việc, cô Vân luôn nhận được sự tin tưởng từ các nhà hảo tâm mà cô vận động, sự yêu thương của các bạn đoàn viên, thanh niên đang hết lòng hỗ trợ cô.

Anh Đặng Hải Đăng- Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- nói: “Cô Vân gọi là Đoàn thanh niên chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ hết sức mình”.

Giải thưởng KOVA năm 2019 vừa công bố danh sách các cá nhân, tổ chức đạt giải. Vĩnh Long có 1 cá nhân vinh dự nhận giải thưởng ở hạng mục “Sống đẹp”, đó là bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu- người sáng lập Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu (80 tuổi, Phường 4- TP Vĩnh Long).

Sau 15 năm thành lập, cơ sở quản lý hơn 1.100 trẻ em khuyết tật, khám và điều trị hơn 100 triệu lượt cho các trẻ. Bà Út Điểu nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Long, nghỉ hưu từ đầu năm 2004.

Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu chính là căn nhà của bà. Nhiều năm nay, đây là nơi điều trị, tập luyện miễn phí cho các cháu từ khắp nơi tìm đến.

Chẳng những ba mẹ các cháu không tốn một đồng chi phí trị bệnh nào mà “một năm đôi ba bận” còn được cho gạo, tặng quà. Gần đây, bà Út còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ máy móc tập vật lý trị liệu cho Trạm Y tế xã Ngãi Tứ (Tam Bình). Đang sử dụng máy kéo lưng ở Trạm Y tế xã Ngãi Tứ, cô Hồ Thị Phương 61 tuổi, khoe: “Hơn tháng nay nhờ có phòng tập này mà tôi đỡ đau lưng dữ lắm”.

Cô Phương bị thoái hóa khớp gây đau nhức nhưng thường chỉ dùng thuốc giảm đau là chính. Từ khi có phòng tập này, cô thường xuyên qua chiếu đèn, kéo lưng, bấm huyệt nên ăn ngon, ngủ ngon và khỏe khoắn hơn.

Còn rất nhiều tấm gương người cao tuổi mà hễ còn khỏe là còn làm từ thiện. Các ông bà, cô chú là tấm gương sáng cho bao con cháu noi theo với cuộc sống vì mọi người, bởi những bước chân không mỏi đi khắp các vùng miền, cứ còn khỏe là còn làm từ thiện!

Bài, ảnh: CAO HUYỀN