Vì sức khỏe, cùng giảm thiểu chất thải nhựa!

Cập nhật, 13:54, Thứ Năm, 22/08/2019 (GMT+7)

“Các đơn vị trực thuộc ngành y giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy để hạn chế rác thải nhựa trong ngành y tế”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra lời kêu gọi trên tại hội nghị trực tuyến triển khai chỉ thị của Bộ Y tế về hạn chế rác thải nhựa trong y tế với 63 điểm cầu do Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức vào ngày 16/8/2019.

Tại 63 điểm cầu các tỉnh cũng diễn ra ký kết giữa lãnh đạo sở y tế và các bệnh viện, các đơn vị y tế trực thuộc.
Tại 63 điểm cầu các tỉnh cũng diễn ra ký kết giữa lãnh đạo sở y tế và các bệnh viện, các đơn vị y tế trực thuộc.

Chất thải nhựa chiếm đa phần

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngành y tế như bơm kim tiêm, dụng cụ thiết bị dùng trong phẫu thuật, xét nghiệm (găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm)... góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt là những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học.

Song, điều này đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và rất nhiều.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.

Chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế- xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân của các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa.

Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Hiện, cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân thường đi kèm theo 1- 2 người nhà, cho nên lượng rác thải từ bệnh nhân và người nhà cùng với rác thải liên quan đến y tế rất lớn.

Theo báo cáo từ một số bệnh viện, khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày.

Trong khi đó, việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải nhựa là một quá trình và cũng mới chỉ bước đầu được thực hiện tại một số cơ sở y tế.

Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

Rác thải nhựa không chỉ là bơm kim tiêm, các bao bì, lọ nhựa đựng thuốc, dịch truyền mà còn là túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng thức ăn…
Rác thải nhựa không chỉ là bơm kim tiêm, các bao bì, lọ nhựa đựng thuốc, dịch truyền mà còn là túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần để đựng thức ăn…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc Bộ Y tế triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Để phong trào lan tỏa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn ngành y tế triển khai tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, phấn đấu đến năm 2021 các nhà thuốc, các cơ sở y tế hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy; đến năm 2025 chấm dứt hoàn toàn, vượt qua chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ phát động.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành chỉ thị giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và bước đầu thu được kết quả tích cực.

Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng sinh thái môi trường, phát triển bền vững và sức khỏe con người, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh- thành trên cả nước tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…

Các cơ sở y tế rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế.

Đồng thời tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện Chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế dừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần có thể thay thế được ngay từ hôm nay.

Đồng thời, phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa; đồng thời đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa để đánh giá bệnh viện xanh- sạch- đẹp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, lượng chất thải rắn phát sinh từ các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó 10% là chất thải y tế nguy hại. Con số rác thải tiếp tục tăng lên tại nhiều địa phương, do có sự gia tăng số lượng cơ sở y tế các giường bệnh. Trong số đó, có một số loại nhựa sử dụng trong y tế thuộc diện khó phân hủy, nếu không được kiểm soát sẽ gây hại cho môi trường, tác động tới sức khỏe con người, làm thiệt hại 3- 5% GDP của toàn quốc.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN