Chị Nương nhân ái

Cập nhật, 06:26, Thứ Năm, 29/08/2019 (GMT+7)

Vừa nhanh tay thực hiện các động tác đan giỏ ny lông một cách thuần thục, vừa ca hát rất ngẫu hứng, yêu đời, chúng tôi không thể tin rằng trước mắt mình là một người khiếm thị. Anh tên Nguyễn Thanh Tùng (44 tuổi, ngụ ấp An Thới, xã Tân An Thạnh- Bình Tân).

Chị Nương đang dạy nghề cho học viên.
Chị Nương đang dạy nghề cho học viên.

Anh Tùng xúc động kể: “Có được niềm lạc quan yêu đời này là nhờ sự động viên của chị Nương. Tôi luôn biết ơn chị và luôn biết vươn lên trong cuộc sống, không làm nặng thêm gánh nặng gia đình, xã hội”.

Cách nay 10 năm, trong một lần bơm cát ở một công trình san lấp, đường ống bị vỡ bất ngờ mang theo lượng cát bơm quá lớn phủ kín anh Tùng, nhất là đôi mắt.

Dù đã được nhanh chóng đưa đi cứu chữa nhưng tất cả đã muộn màng. Tai nạn ấy đã cướp đi đôi mắt của anh. Sau đó, anh sống khép kín trong ngôi nhà nhỏ của mình.

Tháng 9/2017, cuộc đời anh đã rẽ sang một hướng đi lạc quan khi chị Nguyễn Thiên Kim Nương tìm đến động viên anh học nghề đan đát và anh đã có được cuộc sống hôm nay khi mỗi ngày đan được 3 sản phẩm với giá 20.000 đ/sản phẩm.

Chị Kim Nương (57 tuổi) hiện là Chủ tịch Hội Người mù huyện Bình Tân, kể về cuộc đời mình: “Cách nay 16 năm, trong một tai nạn lao động, tôi đã bị mất trên 95% thị lực và sống trong bóng đêm.

Nhiều lúc tôi nghĩ quẩn định kết thúc cuộc đời bất hạnh của mình nhưng nhờ người thân, gia đình, bạn bè khuyên lơn nên tôi đã vượt qua”.

Năm 2013, chị Nương được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội Người mù huyện Bình Tân. Mỗi ngày chị được người bạn đời hiện là cựu chiến binh chở đến nơi làm việc cách nhà trên 7km, chiều lại đón về. Buổi trưa chị ở lại cơ quan để dùng những bữa cơm đạm bạc nhưng đầy tình người.

Tháng 7/2017, chị đã phối hợp với các Mạnh thường quân mở lớp đan đát sản phẩm tiểu thủ công nghiệp bằng nguyên liệu lục bình và dây ny lông cho 12 học viên khiếm thị.

Mỗi học viên được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đ/ngày; 600.000đ tiền xe đi lại trong khóa học (20 ngày); được cung cấp nguyên liệu để gia công và được Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Quyết Thắng (ở Tam Bình) bao tiêu sản phẩm.

Mỗi hội viên hiện có thu nhập bình quân 60.000 đ/ngày, có người giỏi tay nghề thu nhập đến 80.000đ. Số tiền tuy nhỏ nhưng thật có ý nghĩa với người khuyết tật.

Không những vậy, chị Nương còn thường xuyên đến động viên 92 hội viên luôn biết vươn lên trong cuộc sống- nhất là trẻ em không may khiếm khuyết nhưng không đầu hàng số phận nghiệt ngã. Cạnh đó, chị còn thường xuyên đi vận động gây quỹ giúp đỡ người khiếm thị trong và ngoài huyện.

Để có thêm niềm vui và nghị lực sống cho các hội viên, chị Nương đã thành lập nhóm văn nghệ người khiếm thị; đưa 14 người bị đục thủy tinh thể đi phẫu thuật tại TP Hồ Chí Minh;

vận động hội viên tự học chữ Braille dành cho người khiếm thị, thăm hỏi động viên kịp thời các hoàn cảnh hội viên khó khăn vào các dịp lễ, tết, Ngày truyền thống Người cao tuổi, Ngày Vì người khuyết tật..., đứng ra vay vốn cho 3 trường hợp hội viên khó khăn để phát triển sản xuất...

Điều đáng quý ở vị nữ Chủ tịch Hội Người mù- Nguyễn Thiên Kim Nương là còn vận động 2 người con trai hiện đang lao động hợp tác tại Nhật Bản cùng đồng hành trên bước đường nhân ái của mình. Họ thường xuyên gửi tiền, quà giúp các hoàn cảnh hội viên đặc biệt khó khăn- nhất là vào các dịp lễ, tết.

Chia tay với chúng tôi, chị cười rất tươi như bất hạnh chưa từng đến với mình. Chị còn dặn dò: “Cố gắng tìm nhiều Mạnh thường quân để giúp đỡ hội viên chúng tôi nghe. Lần sau, chúng tôi sẽ chiêu đãi mấy anh chị một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn độc đáo. Đâu phải bóng tối là dấu chấm hết của cuộc đời”.

Bài, ảnh: SONG ANH