BHYT- "cứu cánh" cho người bệnh

Cập nhật, 05:04, Thứ Ba, 20/08/2019 (GMT+7)

Những lợi ích của BHYT mang lại cho người sử dụng là điều dễ thấy. BHYT đã và đang là “cứu cánh” cho những bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Có bệnh nhân ở Vũng Liêm đã được quỹ BHYT chi trả gần 13 tỷ đồng trong vòng 2,5 năm qua.

Việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến.
Việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến.

Đây là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp.

Điểm tựa BHYT

Tấm thẻ BHYT thực sự là chiếc “phao cứu sinh” của tất cả các bệnh nhân không may vướng vào những căn bệnh mãn tính, phải làm thân “tầm gửi” ở bệnh viện suốt cả đời.

Nhiều bệnh nhân bị suy thận nặng, phải lọc máu, điều trị suốt đời đã chia sẻ rằng: Nếu không được quỹ BHYT chi trả một phần lớn chi phí, nhiều người trong số họ đã phải rời bỏ cuộc sống.

Bị suy thận mãn cách đây hơn 2 năm, cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần, em Ngô Thị Hồng Nghi (Vũng Liêm) phải nhập viện để chạy thận nhân tạo. Bà Nguyễn Thị Quýt- mẹ em- cho biết: “Chi phí điều trị chạy thận mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Tính ra mỗi năm, tui phải có 60 triệu đồng để điều trị cho con. Nhờ có thẻ BHYT mà con tui được chi trả 100% chi phí điều trị bệnh nên con mới duy trì sự sống tới giờ”.

Tại đơn vị Thận của Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, bệnh nhân đa phần là những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mắc suy thận độ 3, độ 4.

Để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi ca lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chi phí này đã vượt quá xa điều kiện kinh tế của gia đình họ. Nếu không có chính sách BHYT thì không ít người sẽ không đủ khả năng điều trị, để rồi chấp nhận phó mặc cho số phận.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nhiều bệnh nhân khi đến đây khám đều là những người có tham gia BHYT. Dường như mọi người đã nhận thức được giá trị mà BHYT mang lại.

Nếu như trước đây, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã “chới với” với chi phí khám chữa bệnh, thì giờ họ đã có thể yên tâm, nhờ có BHYT hỗ trợ.

Vợ chồng ông Lê Văn Đức và bà Lê Thị Hạnh (Mang Thít) mang trong người nhiều bệnh tật, nhất là ông Đức- phải thường xuyên nhập viện để điều trị bệnh tắc nghẽn đường hô hấp, do bệnh cứ tái đi tái lại.

Mỗi đợt điều trị của ông Đức thường phải kéo dài từ 4-5 tuần, tính ra mỗi lần nhập viện tốn khoảng mười mấy triệu đồng.

Trong khi đó, gia đình ông Đức rất khó khăn, không có ruộng vườn, con cái phải đi làm thuê làm mướn, nhưng cũng chỉ đủ để sống đắp đổi qua ngày. Nhờ chính quyền địa phương xét cấp cho vợ chồng ông thẻ BHYT theo diện hộ nghèo mà 2 người không phải lo chi phí trong những lần khám chữa bệnh.

BHYT- “cứu cánh” cho người bệnh

Anh P.H.N (sinh năm 1984, Vũng Liêm) mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền (là bệnh khó chữa và có chi phí tiền thuốc khá cao) và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).

Anh thuộc nhóm khó khăn, được cấp thẻ BHYT theo diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Anh đã được quỹ BHYT chi trả gần 13 tỷ đồng trong vòng 2,5 năm qua.

Trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo, phải chi trả số tiền lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.

Người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh đúng tuyến, được quỹ BHYT cho trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

Bệnh nhân không có thẻ BHYT khi khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh.

Nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố, thì việc tham gia BHYT là một lựa chọn sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám chữa bệnh đối với từng người dân.

Theo ông Phạm Minh Dương- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, trên địa bàn tỉnh có trên 54.000 đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT. 

Xác định BHYT là chính sách lớn góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tiến đến công bằng trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian qua, Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp nâng độ bao phủ BHYT trong dân.

Ngành BHXH phối hợp với ngành y tế cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, ngành y tế nâng chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh làm sao tránh gây phiền hà.

Qua đó, tạo mọi thuận lợi điều kiện người dân được khám điều trị hiệu quả. BHYT không chỉ là cứu cánh cho bệnh nhân nghèo, mà còn là sự chia sẻ của cả cộng đồng trong thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Theo số liệu của BHXH tỉnh Vĩnh Long, tính đến ngày 31/7/2019, toàn tỉnh có 887.082 người tham gia BHYT, tăng 5,5%, tương ứng 60.735 đối tượng, so với cùng kỳ. Đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân 84,33%. Trong năm, đã có 3.302.145 lượt người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT; quỹ BHYT của tỉnh đã chi trên 1.000 tỷ đồng cho người tham gia khám chữa bệnh BHYT.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN