Sổ tay

Bạo lực học đường- chuyện chưa bao giờ cũ

Cập nhật, 14:25, Thứ Tư, 03/04/2019 (GMT+7)

Sự việc nữ sinh Y. phải nhập viện tâm thần sau khi bị bạn đánh hội đồng, lột đồ và quay clip xảy ra ở Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi- Hưng Yên) vào ngày 23/3, là một câu chuyện không hề mới trong những năm gần đây. 

Tuy nhiên, nó như một tiếng chuông “báo cháy” cháy lòng dạ những người làm cha mẹ, thầy cô, xã hội đang nơm nớp lo cho con em mình “đi học có bị bạo lực không?”, lo cho đạo đức của một số người trẻ - lấy nhục mạ nhân phẩm người khác làm niềm vui,…

Đáng nói hơn, đây không phải lần đầu tiên nữ sinh này bị đánh và cũng không chỉ Y. mà còn nhiều bạn khác cũng bị nhóm nữ này hành hung. Phải chăng việc áp dụng những nội quy, quy chế còn quá nhẹ? Chúng ta cho cơ hội để các em sửa lỗi nhưng nếu cho cơ hội vẫn không sửa được thì làm thế nào?

Sự việc làm tôi nhớ về ngôi trường cấp III của mình, 3 năm học ở đây, tôi có chứng kiến một vụ học sinh nữ đánh nhau. Lúc đó, các bạn nam nhảy vào can ngăn, kéo 2 bạn nữ ra, trong lúc chúng tôi đi báo thầy giám thị. Sau đó, người chủ động đánh bạn đã bị kỷ luật đình chỉ học 1 năm, người bị đánh đã đánh lại thì bị kỷ luật quét sân trường một thời gian.

Cô hiệu trưởng nhấn mạnh quy định với chúng tôi vào lúc chào cờ: Học sinh đánh bạn 1 lần bị kỷ luật nhưng nếu đánh bạn lần thứ 2 thì buộc thôi học vĩnh viễn. Lý do cô đưa ra là: chúng tôi đã cho cơ hội nhưng những em đó không biết trân trọng, chúng tôi không đào tạo được nữa! Không thể để ảnh hưởng học sinh khác.

Ngày đó, chúng tôi chỉ biết “run sợ” trước những quy định và không ai dám có hành động khiêu khích hay đánh nhau. Bây giờ nhìn lại, tôi cảm thấy trân trọng những quyết định của cô!

Thực chất, bạo lực học đường đã có từ thời… mẫu giáo. Các bé đi học vẫn hay bị bạn đánh, cắn! Dĩ nhiên, chuyện “con nít” hung dữ là chuyện bình thường nhưng cái bình thường ấy mà không ngăn chặn thì nhiều năm lớn dần lên sẽ trở nên bất thường!

Một cô giáo mầm non kể về cậu học trò mới 5 tuổi rưỡi là “chuyên gia ăn hiếp bạn” thậm chí bé này còn rủ thêm một bạn bự con nữa cùng phe để đánh bạn. Mỗi lần bị cô giáo phát hiện đánh bạn, cô la rầy, phạt úp mặt vô tường thì “bé lại khóc dậy làng dậy xóm” và không chấp nhận hình phạt.

Cô đem chuyện nói với phụ huynh, nhờ phụ huynh kết hợp thì chỉ nhận được nụ cười và câu nói thờ ơ “vậy hả”. Thực tế, một vài phụ huynh xem chuyện con mình đánh bạn là chuyện thường chỉ cần “đừng để ai ăn hiếp con”.

Cho các em cơ hội làm lại là đương nhiên nhưng tha thứ tới đâu? Mấy lần? Mức độ nào là chuyện đáng phải bàn. Đừng để việc dễ dãi với những người này là nỗi lo âu cho những người khác. Tính kỷ luật có thể khô cứng nhưng trong cuộc sống kỷ luật là điều luôn cần có.

VĨNH PHÚC