Bình Tân giải quyết việc làm nông thôn

Cập nhật, 05:01, Thứ Tư, 03/04/2019 (GMT+7)

Bình Tân là huyện nông nghiệp với 87% dân số thuộc khu vực nông thôn. Cơ cấu lao động có chiều hướng chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp; do đó, tạo việc làm thường xuyên và tiếp tục nâng cao thu nhập ổn định ở nông thôn được xem là nhiệm vụ quan trọng.

Học nấu ăn ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân.
Học nấu ăn ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân.

Còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, huyện Bình Tân luôn quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương. Với những khó khăn cơ bản là huyện thuần nông, Bình Tân đặc biệt quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn tạo việc làm bằng nhiều giải pháp.

Các chính sách về lao động việc làm được ban hành kịp thời, đặc biệt là việc điều chỉnh một số chế độ chính sách đối với người học nghề, như nâng mức hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề đã tạo điều kiện tốt cho người lao động nông thôn, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo dễ dàng có điều kiện tham gia hơn trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bình Tân, thực sự những năm qua công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện chưa hiệu quả.

Ông cho biết: Lực lượng lao động nhiều, chiếm trên 69% nhưng trình độ thấp, lao động chưa qua đào tạo chiếm phần lớn. Do lao động không có chuyên môn kỹ thuật nên hầu hết làm nông nghiệp và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp.

Tình hình chung là tâm lý xem nhẹ việc học nghề, chưa có ý chí nỗ lực, phấn đấu cao. Số lao động nông thôn làm các việc khác ngoài nông nghiệp còn khiêm tốn cả về số lượng và thời gian làm việc, nên tình trạng nông nhàn là điều không thể tránh khỏi.

Nguyên nhân, phần lớn lực lượng lao động trẻ nhận thức về học nghề còn rất hạn chế, có xu hướng đi làm việc ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp để có thu nhập ngay, chấp nhận thu nhập thấp và không ổn định chớ không muốn học nghề.

Do đó, hiện lao động địa phương đa số người lớn tuổi, nên việc tổ chức đào tạo các ngành nghề mũi nhọn theo định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương gặp nhiều khó khăn lớn.

Ông Đặng Văn Toàn giải thích thêm: Do đặc thù Bình Tân là huyện nông nghiệp chuyên sản xuất lúa màu, trong đó diện tích trồng khoai lang rất lớn, nhu cầu lao động cho lĩnh vực trồng khoai lang rất nhiều, nên tiền công cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến người lao động Bình Tân không mặn mà với học nghề.

Đẩy mạnh các giải pháp

Huyện ủy Bình Tân xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là góp phần giảm nghèo bền vững, là nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, Huyện ủy đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tư vấn hướng nghiệp về học nghề và việc làm bằng nhiều hình thức khác nhau.

Huyện chú trọng vào đối tượng học sinh phổ thông nghỉ học, bỏ học, đối tượng thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, lao động thuộc gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo.

Mục đích giúp các đối tượng này tham gia học nghề có việc làm phù hợp năng lực bản thân và điều kiện gia đình. Ngoài ra, huyện thiết lập hệ thống cung- cầu, dự báo thị trường lao động, từ đó có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp.

Ông Đặng Văn Toàn cho rằng, cần tiếp tục vận dụng tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo chủ trương của tỉnh, để mở ra cơ hội việc làm ở lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Theo đó, các đối tượng thuộc gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, các hộ nghèo, cận nghèo, được tiếp cận nguồn vốn vay cho các thị trường lao động như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Trước đây, số tiền hàng trăm triệu đồng cho một lao động đến làm việc ở Nhật Bản là điều kiện bất khả thi đối với các hộ nghèo, cận nghèo, giờ đây không còn là điều đáng lo nữa khi các đối tượng này được vay vốn hoàn toàn cho các chi phí.

Còn trường hợp nếu có khó khăn với số tiền vài ba chục triệu đồng ban đầu khi chưa được ngân hàng giải ngân, thì sẽ được công ty đối tác ứng trước, nếu các đối tượng xuất khẩu lao động có xác nhận bảo lãnh của chính quyền địa phương.

Trường hợp của bạn Đặng Thị Cẩm Tiên (25 tuổi), sau khi tốt nghiệp ĐH Cửu Long đã quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản năm 2017, với chi phí thủ tục khoảng 160 triệu đồng. Việc làm ổn định, hàng tháng bạn Cẩm Tiên gửi về gia đình khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Tiếp đó, theo lời khuyên của Tiên, người anh trai là Đặng Bảo Khương sau khi tốt nghiệp ĐH Luật, đăng ký đi nghĩa vụ ngành công an xong cũng lên đường đi du học Nhật Bản.

Cho tới nay, các anh em họ trong gia đình bạn Cẩm Tiên đã có đến 7 người hiện đang du học và xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Cùng với chính sách hỗ trợ vay vốn và chính sách thông thoáng từ Chính phủ Nhật Bản đối với lao động Việt Nam, đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều bạn trẻ nông thôn có cơ hội việc làm tốt, cải thiện kinh tế gia đình một cách căn cơ.

Từ cách làm trên, trong năm 2018, huyện Bình Tân đã vượt chỉ tiêu về xuất khẩu lao động (115 người/100 người theo chỉ tiêu tỉnh giao). Đó cũng là cơ sở, trong năm 2019, Bình Tân được tỉnh giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động đến 130 lao động.

Thời gian tới, Bình Tân tiếp tục tăng cường triển khai toàn diện các chính sách, đề án về dạy nghề, thực hiện lồng ghép và đồng bộ các chương trình hành động vào các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Qua đó, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiêp, nông thôn.

Huyện Bình Tân có diện tích đất là 15.300ha, là huyện nông nghiệp với 87% dân số ở nông thôn. Số người trong độ tuổi lao động là 65.953 người, chiếm trên 69% dân số, số lao động làm việc trong các ngành kinh tế là 58.487 người. Cơ cấu lao động có chiều hướng dịch chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong đó; khu vực nông nghiệp là: 59,41%; khu vực phi nông nghiệp là: 40,59%.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG