Dự án SUUP: Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam- hướng đến phát triển bền vững

Cập nhật, 08:11, Chủ Nhật, 10/03/2019 (GMT+7)

Hội thảo đánh giá tiến độ, hỗ trợ kỹ thuật dự án Mở rộng nâng cấp đô thị (ĐT) Việt Nam (SUUP) vừa được tổ chức tại Vĩnh Long cuối tháng 2/2019, nhân chuyến công tác hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Ngân hàng Thế giới. Tại hội thảo, nhóm tư vấn dự án đã giới thiệu về phát triển xanh cho các ĐT dự án.

Một góc TP Vĩnh Long với không gian xanh.
Một góc TP Vĩnh Long với không gian xanh.

Cơ sở hạ tầng xanh

Theo nhóm tư vấn, phát triển xanh bao gồm quản lý không gian xanh, trong đó bảo tồn chức năng của hệ sinh thái tự nhiên và đem lại các lợi ích cho hệ sinh thái, bao gồm cả con người. Phát triển xanh cần cơ sở hạ tầng xanh và các kết nối xanh là cần thiết để bảo tồn các trung tâm xanh.

Cơ sở hạ tầng xanh là một cách tiếp cận quản lý nguồn nước nhằm bảo vệ, phục hồi hoặc tái tạo chu trình nước tự nhiên. Cở sở hạ tầng xanh hiệu quả, kinh tế và nâng cao an toàn cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này có nghĩa là trồng cây và khôi phục lại vùng đất ngập nước, thay vì xây dựng một nhà máy xử lý nước mới tốn kém.

Theo đó, các yếu tố thiết kế xanh cụ thể là: định tuyến lại các ống thoát nước trên mái nhà để dẫn nước mưa vào thùng, bể chứa hoặc các khu vực thấm; thảm thực vật trên cạn hấp thụ nước từ mái nhà, vỉa hè và đường phố qua cây và đất;

những mái nhà màu xanh giúp làm mát và cách nhiệt các tòa nhà, giảm sử dụng năng lượng; thu và trữ nước mưa sử dụng sau này, làm chậm và giảm khối lượng dòng chảy, giảm nhu cầu về nguồn cung cấp nước.

Bên cạnh, các bề mặt đường thấm cho phép nước ngấm xuống mặt đất… Cơ sở hạ tầng xanh nhằm giảm lũ lụt cục bộ và bảo vệ vùng đồng bằng ven sông, thu nước mưa để sử dụng tại chỗ, bổ sung nguồn nước ngầm, giảm thiệt hại dòng chảy và môi trường sống từ dòng chảy tốc độ cao, bảo tồn nước bằng cách tái chế và xây dựng cơ sở hạ tầng nước thoát, giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng…

Theo đó, nhóm tư vấn đề xuất giải pháp thu gom nước mưa từ mái nhà cho các hộ gia đình; làm hàng rào để trồng cây thấp làm bụi rậm; tạo các vùng trũng thấp như ao hồ nhỏ trong khu vực để điều tiết nước tràn bề mặt; có mảnh đất để trồng cây, cỏ và hoa dọc theo mép ngoài của vỉa hè; tạo mương thoát nước bằng sỏi nhỏ ở dưới đáy phía trong vỉa hè; kè mềm trên mặt nước. Trong đó, có thể thay thế kè đá bằng cách sử dụng sọt đất với thảm thực vật.

Riêng TP Vĩnh Long, khu vực ngập lụt trong các lưu vực của sông Kinh Cụt và sông cầu Lầu không giảm do thiếu các công trình kiểm soát. Tính toán thoát nước với tần suất thiết kế 10% chỉ đáp ứng thoát nước cho nông nghiệp với thoát nước ĐT theo tiêu chuẩn Việt Nam. 

Theo đó, khuyến nghị cổng trọng lực một chiều nên được lắp tại cửa ra từ kinh vào sông chính. Các khu vực và độ sâu lũ cụ thể cần được xác định trước và sau khi phục hồi hệ thống.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo bà Hoàng Thị Hoa- chuyên gia ĐT cao cấp, Chủ nhiệm Dự án, nhiều ĐT của Việt Nam đang bị bê tông hóa, thậm chí có những chương trình được đặt tên như vậy. Trong khi, chúng ta có thể chọn những phương án khác rẻ hơn, xanh hơn bởi về lâu lài, bê tông hóa sẽ cho thấy rất nhiều vấn đề, như vấn đề về môi trường.

“Các tư vấn quốc tế đã trình bày về lịch sử phát triển của những đất nước cũng đi từ bê tông hóa, sau đó thì thành phố nóng lên như thế nào, lúc đó phải đập phá ra sao và quay trở lại làm con kinh giữa lòng thành phố. Trong khi, chúng ta đang sống trên một khối vàng, đừng biến vàng đó thành bê tông”- bà Hoàng Thị Hoa nói vậy và cho rằng tư vấn đã trình bày về phát triển xanh, ngoài việc tổng hợp thì một lần nữa, sẽ cùng các ĐT dự án kiểm tra các thiết kế, đảm bảo các nguyên tắc, đảm bảo xanh, bền vững, không nuối tiếc trong tương lai.

Bà Hoàng Thị Hoa đề nghị tư vấn tập trung ngay vào hỗ trợ các ĐT dự án đối với những công trình xây ngay lập tức trong vòng 18 tháng, sau đó tập trung tiếp vào những công trình còn lại.

Hạng mục cải tạo sông Kinh Cụt giúp thành phố xóa “điểm đen” ô nhiễm, trả về dòng sông xanh.
Hạng mục cải tạo sông Kinh Cụt giúp thành phố xóa “điểm đen” ô nhiễm, trả về dòng sông xanh.

Dự án SUUP có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ cho 7 ĐT (gồm TP Tân An, TP Bến Tre, TP Vĩnh Long, TP Long Xuyên, TP Sóc Trăng, TP Bạc Liêu và TP Vị Thanh) thuộc 7 tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện các mục tiêu phát triển ĐT, phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay.

Các hạng mục đầu tư sẽ giúp cho trên 515.000 người được hưởng lợi trực tiếp và trên 1,04 triệu người được hưởng lợi gián tiếp từ dự án. Là một trong 7 ĐT tham gia dự án, đến nay, Tiểu dự án TP Vĩnh Long cơ bản thực hiện đúng tiến độ. Dự kiến trong tháng 3 này sẽ phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục của dự án.

Về giải phóng mặt bằng, đã thông báo thu hồi đất đường Bờ Kênh (Phường 3) và đường ranh Phường 2- Phường 9. Cùng với đó, đang tiến hành đo đạc, cắm mốc các hạng mục cải tạo sông Cầu Lầu; Kinh Cụt, đường Võ Văn Kiệt và dự kiến sẽ bố trí dân vào Khu tái định cư Phường 4.

Đồng thời, thành phố đang tích cực triển khai đầu tư dự án Khu tái định cư Khóm 3 (Phường 9). Dự kiến trong quý II/2019, sẽ hoàn thành cung cấp lô nền cho các hộ gia đình di dời trong giai đoạn 1.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU