Giữ hồn cho nghề mộc truyền thống

Cập nhật, 05:54, Thứ Tư, 13/02/2019 (GMT+7)

Không chỉ yêu nghề, nhiều người đeo đuổi nghề mộc còn mong muốn giữ cho nghề không bị mai một.  Chính sự khéo léo và đam mê ấy đã “hô biến” những thớ gỗ thô sơ thành những chiếc bàn, chiếc ghế sắc sảo, những đồ chơi thiếu nhi nhỏ xinh hay những chiếc ghe, xuồng đậm chất sông nước miền Tây.

Nhiều thợ mộc gắn bó với nghề bằng tình yêu và đam mê.
Nhiều thợ mộc gắn bó với nghề bằng tình yêu và đam mê.

Duyên với nghề mộc

Nhiều thợ mộc chia sẻ rằng đến với nghề như một cái duyên, làm bạn với gỗ từ ngày này qua tháng nọ, rồi mê lúc nào không hay. Và một trong những lý do giúp họ bám nghề là tình yêu với gỗ, không dễ buông tay khi gặp khó.

Gần 30 năm gắn bó với nghề mộc, chú Phan Đình Nghĩa- vừa là thợ mộc vừa là Giám đốc Hợp tác xã Đa ngành Tân Hội (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) cho hay: “Gia đình tôi 3 đời làm nghề này rồi, từ 14 tuổi tôi cũng đã tập tành theo nghề. Lúc đầu làm cũng vì mưu sinh nhưng sau này mê lúc nào không hay. Ngày nào mà không đụng tới gỗ là tôi cảm thấy thiếu thiếu, không chịu nổi”.

Theo chú Nghĩa, muốn theo nghề này, muốn tạo ra sản phẩm đẹp, bên cạnh năng khiếu, sự tỉ mỉ, còn phải biết tìm tòi, sáng tạo để làm ra sản phẩm mới. Có như vậy, thị trường mới không quên mình.

Cũng theo nghề hơn 20 năm, anh Nguyễn Tấn Bửu (Đồng Tháp)- thành viên của hợp tác xã- bày tỏ: “Trước đây, tôi cũng chỉ học lóm nghề rồi tự mày mò, học hỏi thêm. Có lúc đồ gỗ bị đồ nhôm, đồ sắt lấn, tưởng phải bỏ nghề nhưng tôi nghĩ nghề này như cái duyên gắn bó với mình nên ráng đeo. Và chính vì có tình yêu nghề mới giúp tôi theo nghề đến nay”.

Cũng với niềm đam mê nghề “thợ mộc”, anh Nguyễn Văn Sol- Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Tây Long (xã Phước Hậu- Long Hồ) không chỉ muốn làm ra những sản phẩm gỗ dễ thương cho trẻ nhỏ, tạo ra quà lưu niệm đặc trưng của Vĩnh Long mà anh Sol còn ấp ủ hy vọng: “Tới đây ở nước ngoài cũng sẽ thấy sản phẩm “made in Vĩnh Long”.

Anh Sol chia sẻ: “Giữa một thị trường đồ chơi đa dạng nhưng để tìm được những món đồ chơi an toàn, mang tính giáo dục cho trẻ thì không phải dễ tìm.

Chính vì vậy mà tôi muốn tạo ra những sản phẩm dành cho trẻ vừa chơi an toàn, vừa giúp trẻ vận động và có thể kích thích trí tưởng tượng, tìm tòi, khám phá sáng tạo…

Hiện nay sản phẩm đồ chơi gỗ Meo Meo cũng đã được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng. Bên cạnh đó, một số điểm du lịch cũng đặt hàng để phục vụ khách du lịch”- anh Sol phấn khởi- “Có khách nước ngoài đã đặt hàng, hiện công ty đang hoàn tất thủ tục cần thiết để xuất khẩu.

Để đa dạng sản phẩm, tôi cũng nghiên cứu làm thêm sản phẩm từ tre để tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương. Thời gian tới, tôi cũng sẽ đầu tư thêm nhà xưởng, công nghệ sản xuất để sản phẩm đi xa hơn”.

Để giữ nghề, nhiều người đã nối nghiệp gia đình và tìm cách để phát triển. Như chú Lê Minh Tú- chủ cơ sở đóng ghe xuồng Tài Lộc (xã Đồng Phú- Long Hồ)- với 30 năm nghề.

Xuồng, ghe mô hình được nhà hàng, khách sạn ưa thích.
Xuồng, ghe mô hình được nhà hàng, khách sạn ưa thích.

Chú cho biết: “Nghề đóng tàu, xuồng thịnh nhất là từ năm 2000- 2010, sau đó thì chựng lại do xe cộ, đường sá mở ra nhiều.

Nên để duy trì được nghề, từ chỗ chỉ đóng những chiếc ghe xuồng truyền thống, tôi đã chuyển sang đóng những chiếc ghe, xuồng mô hình để bán cho các nơi trưng bày, tưởng “làm chơi” ai dè “ăn thiệt” và được rất nhiều khách hàng ở trong, ngoài nước yêu thích và đặt mua đều đặn. Hiện sản phẩm tàu, xuồng trưng bày đã xuất sang được Ấn Độ, Mỹ, Australia,...

Lưu giữ nét truyền thống

Chính nhờ sự khéo léo, sự cần cù, tỉ mỉ của người thợ, mà những khối gỗ thô sơ, sần sùi đã được “hóa phép” trở thành những sản phẩm sắc sảo và có giá trị cao.

Với nhiều người, giữ nghề, phát triển nghề còn được xem là trách nhiệm để nghề không bị mai một, đồng thời, lưu giữ nét riêng, độc đáo của nghề mộc miền Tây.

Chú Tú cho hay: “Tôi từng trăn trở, lo lắng nghề sẽ bị mai một dần nên tôi nghĩ phải làm cái gì đó mới nhưng phải dựa trên cơ sở vốn có của mình.

Đồ chơi gỗ Meo Meo đa dạng mẫu mã, đã có đầu ra ổn định.
Đồ chơi gỗ Meo Meo đa dạng mẫu mã, đã có đầu ra ổn định.

Nghĩ vậy nên tôi nghiên cứu làm ra xuồng mô hình. Bởi hiện nay nhiều loại xuồng đã vắng mặt dần như xuồng độc mộc, xuồng cui, xuồng cắt lái, xuồng 5 lá Cần Thơ... nên tôi rất muốn lưu giữ lại nghề, nhất là giữ bản sắc riêng, đặc trưng của văn hóa sông nước miền Tây”.

Tuy có đầu ra ổn định, thị trường ưa chuộng, đơn đặt hàng làm không xuể nhưng các cơ sở, các thợ mộc vẫn không tự mãn mà luôn phấn đấu, không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề và làm ra những sản phẩm đẹp hơn, sắc sảo hơn, tinh tế hơn.

Chú Nghĩa bày tỏ: “Nhiều khi cũng nản bởi đồ gỗ không thịnh như trước kia nhưng tôi tự nhủ, phải giữ nghề truyền thống. Vì thế, tôi chuyển từ thủ công sang đầu tư thêm máy móc thiết bị, để sản phẩm làm ra tinh tế, nổi bật hơn.

Nhờ vậy mà thị trường vẫn chuộng, khách hàng vẫn tin tưởng. Dần dần tôi vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề đến tận hôm nay”.

Nhờ ham học hỏi, có óc sáng tạo, giờ nghề đóng ghe xuồng không còn là nghề mang tính thời vụ mà đã sản xuất quanh năm. Hay đồ chơi gỗ Meo Meo đậm chất miền Tây cũng đã lên kệ nhiều cửa hàng, siêu thị và được nhiều người ưa chuộng. Các sản phẩm đồ gỗ cũng được nhiều người đón nhận bởi thiết kế đa dạng, sắc sảo, tinh tế hơn.

Bằng tình yêu và nhiệt huyết, nhiều thợ mộc vững tay nghề đã góp phần lưu giữ được nét đẹp của làng nghề ở miền Tây sông nước, làm đa dạng thêm ngành nghề truyền thống của Vĩnh Long.

Chú Lê Minh Tú

Khách hàng hiện nay khó tính hơn so với trước kia, đòi hỏi sản phẩm làm ra phải sắc sảo hơn, độc đáo hơn nên cũng phải thay đổi cách làm cho phù hợp hơn.

Cách đóng tàu bây giờ khác nhiều so với cách làm truyền thống trước kia, phải tuân thủ theo thiết kế bản vẽ. Công đoạn thực hiện đòi hỏi sự chính xác cao, “có ý” mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, phải giữ uy tín với khách hàng, có như vậy nghề mới bền.

Hiện tôi cũng đang “nhắm” tới đối tượng khách du lịch, mong muốn sản phẩm của mình đến gần khách du lịch trong ngoài nước hơn. Còn gì thích thú bằng khi thấy khách du lịch ngồi trên ghe, xuồng của mình làm ra, vi vu trên sông nước miền Tây!

Bài, ảnh: THẢO LY