Sinh viên Vĩnh Long trên con đường hội nhập và phát triển

Cập nhật, 13:31, Thứ Tư, 09/01/2019 (GMT+7)

Không chỉ năng động trong các phong trào tình nguyện làm đẹp quê hương, nhiều sinh viên Vĩnh Long đã khẳng định mình. Các bạn sinh viên đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng”, “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương thật sự là những ngôi sao sáng, những thanh niên dám nghĩ, dám làm vượt qua những khó khăn dần chinh phục ước mơ. 

Các bạn tự tin khẳng định mình qua kết quả học tập, qua những hội thi; hơn thế nữa, các bạn còn tự tin hội nhập với bạn bè quốc tế.

Lúc sinh thời, Bác Hồ xem sinh viên là lực lượng “rường cột” của nước nhà. Nghe theo lời Bác dạy, các thế hệ sinh viên Việt Nam đang cố gắng, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức sống; học để biết, học để làm, học để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Kỳ 1: Vượt qua những ranh giới và viết tiếp ước mơ

Bạn có thể mồ côi, có thể con nhà khó khăn, ở vùng sâu,… nhưng không vì thế mà bạn từ bỏ ước mơ của mình. Mỗi vấp ngã, mỗi khó khăn sẽ cho ta những bài học kinh nghiệm để trưởng thành hơn, tự tin hơn.

Dù bận rộn với việc học, việc làm thêm, Thảo Nguyên luôn tích cực tổ chức và tham gia các phong trào Đoàn, hội.
Dù bận rộn với việc học, việc làm thêm, Thảo Nguyên luôn tích cực tổ chức và tham gia các phong trào Đoàn, hội.

Đó là những gì mà tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với 2 trong 4 bạn sinh viên đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng” của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam năm 2018: Nguyễn Hoàng Thảo Nguyên- sinh viên ngành dịch vụ thú y Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long và Nguyễn Minh Đạt- sinh viên ngành kỹ thuật điện công nghiệp, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Chuyện về cô bé mồ côi từng thất nghiệp

Nguyễn Hoàng Thảo Nguyên là sinh viên năm 3 của Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long. Trong bản thành tích có rất nhiều bằng khen, cô sinh viên làm tôi chú ý nhất bởi học lực xuất sắc và các giải thưởng nhất, nhì, ba… cho các môn bóng đá, điền kinh.

Và càng ngưỡng mộ Thảo Nguyên hơn khi biết em là cô bé mồ côi, hoàn cảnh rất khó khăn phải làm thêm trang trải cho việc học. Thảo Nguyên mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ. Em lên 4 tuổi, mẹ em cũng qua đời, em sống cùng ông bà ngoại.

Nay thì ông ngoại cũng ra đi. Thảo Nguyên và bà ngoại nương tựa lẫn nhau, cháu đi làm thêm, bà bán vé số. Thảo Nguyên ít khi kể về những khó khăn và sự nỗ lực của mình- chỉ nhẹ nhàng nói khi được hỏi han: “Có những lúc không đủ cơm ăn...”.

Cô gái bé nhỏ đã nhiều lần nuốt nước mắt vào lòng vì thèm tình thương cha mẹ, rồi tự hứa với bản thân mình phải học thật giỏi, phải tiết kiệm, phải siêng năng chăm chỉ,… vì bà ngoại.

Ngay từ thời là học sinh, Thảo Nguyên đã biết đi làm thêm trang trải việc học. Lớn lên vào ĐH, CĐ, Thảo Nguyên cũng cố gắng làm thêm, chi tiêu tiết kiệm và tìm học bổng để có tiền đi học.

Không giống như những nữ sinh viên khác, Thảo Nguyên có vẻ rắn rỏi và trưởng thành hơn. Thảo Nguyên không ngần ngại cho biết: “Em đã có tốt nghiệp ngành sư phạm vật lý, Trường ĐH Đồng Tháp nhưng ra trường hơn năm mà không xin được chỗ dạy”.

Và trong thời gian thất nghiệp đó, em làm thêm ở một cửa hàng thuốc thú y. Thảo Nguyên được bà chủ tư vấn ngành này và Nguyên chọn học hệ CĐ vì “không nhất thiết là ĐH, em muốn làm ở các nông trại thì CĐ là đủ điều kiện rồi”- Thảo Nguyên chia sẻ thêm- “Học CĐ lại tiết kiệm được 1 năm”.

Nói về câu chuyện thất nghiệp của mình, Thảo Nguyên khẳng định không hối hận: “Em rất thích ngành sư phạm, tuy nhiên khi không xin việc được thì em cũng không thấy hối tiếc vì đã chọn học ngành này”.

Thảo Nguyên cho rằng, mỗi ngành học có những điểm hay riêng và nhờ đã kinh qua chương trình ĐH nên khi bước chân vào CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, Thảo Nguyên tiếp thu nhanh hơn và bằng chứng là kết quả học tập năm học vừa qua đạt loại xuất sắc.

Dù bận rộn với việc học, việc làm thêm, Thảo Nguyên vẫn tham gia tích cực các phong trào đoàn hội, em là Ủy viên Thường vụ Đoàn Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long.

Mùa hè xanh đi qua là những lần Thảo Nguyên rong ruổi trên các nẻo đường quê làm công trình tình nguyện; hơn 5 lần hiến máu tình nguyện và hăng hái tham gia rất nhiều các hoạt động tình nguyện khác. Không chỉ có vậy, Thảo Nguyên còn chơi tốt nhiều môn thể thao và mang thành tích về cho trường.

Hơn 6 năm là sinh viên, Thảo Nguyên luôn cố gắng chi tiêu bằng tiền làm thêm, học bổng của mình: “Em không muốn việc học của mình làm gánh nặng cho bà ngoại, năm nay ngoại đã 76 tuổi rồi”- Thảo Nguyên chia sẻ.

Thảo Nguyên đang viết tiếp ước mơ của cuộc đời mình, trước mắt là: “Làm việc cho một trang trại nào đó để tích lũy kinh nghiệm và giấc mơ xa hơn về một trang trại của riêng mình”.

Và chàng sinh viên kỹ thuật giỏi tiếng Anh

Bạn Nguyễn Minh Đạt gây ấn tượng cho tôi cách đây 4 năm, khi bạn mới rời Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và quyết định chọn học ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Trong khi lúc đó, Đạt còn trúng tuyển một trường ĐH danh tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Ngay đầu năm học thứ 2 ĐH, Đạt đã được chọn là “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu cấp tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 6 trường ĐH- CĐ có tổ chức hội sinh viên với hơn 200 chi hội và gần 9.500 hội viên trên tổng số hơn 10.500 sinh viên. Nổi bật trong năm 2017- 2018 có: sinh viên Nguyễn Tấn Toàn- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- Huy chương vàng kỳ thi tay nghề ASEAN; Nguyễn Thị Hồng Cúc- Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, giải nhì hội thi thủ lĩnh sinh viên; Phan Tấn Khải- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đạt giải 3 cuộc thi Học sinh- sinh viên toàn quốc khởi nghiệp lần thứ nhất;…

So với những ngày đầu nhập học, Đạt đã trưởng thành hơn rất nhiều từ cách giao tiếp đến việc làm.

Đạt sung sướng kể về Khóa học mùa Xuân tại Trường ĐH Giáo dục và Công nghệ Hàn Quốc: “Đoàn có 80 sinh viên đến từ 11 nước tham gia đợt học tập này; trong đó, trường em có 2 sinh viên được đi và được 2 trường hỗ trợ nên không tốn bất kỳ chi phí gì”. 

Để tham gia chương trình, sinh viên không chỉ có học lực giỏi mà còn cần khả năng nghe, nói bằng tiếng Anh lưu loát, vì ngôn ngữ giao tiếp giữa các thành viên trong đoàn, với giảng viên Hàn Quốc hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đạt say mê với những công nghệ mới của nước bạn và còn “tiếc vì chương trình học ngắn”. Kết quả của khóa học này, Đạt được xếp loại xuất sắc với điểm 90,4/100 (tương đương 3,64/4 theo thang điểm học tín chỉ hiện nay).

Chúng tôi ngạc nhiên với thành tích học tập của sinh viên tỉnh, càng ngưỡng mộ hơn trình độ tiếng Anh mà Đạt tiết lộ: chỉ học ở trung tâm ngoại ngữ của trường và tự học ở nhà.

Tuy nhiên, Đạt lại chưa có một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế “vì lệ phí thi cao quá”. Đạt là con trai lớn trong một gia đình cận nghèo ở xã Lộc Hòa (Long Hồ), cha mẹ làm nông nghiệp thu nhập “gói ghém chỉ đủ nuôi 2 con đi học”.

Đạt tự hào khi nói về cha mẹ mình- luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con đi học: “Cha hay nói nhịn ăn, nhịn mặc nhưng không thể cho con nhịn học được”.

Ngoài việc học, Đạt còn là thành viên CLB sáng tạo khoa học kỹ thuật làm robot tự động của sinh viên trường. Đạt thường xuyên thi đấu lập trình đua xe tự động MCR, thi đấu Robot Sumo với sinh viên đến từ các trường bạn và hướng dẫn các bạn sinh viên khóa mới nghiên cứu lập trình đua xe tự động.

Là Ủy viên BCH Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên BCH Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Đạt luôn nêu gương, năng động trong các phong trào. Đạt giải thích: “Mình không làm thì không thể vận động các bạn làm theo được, nói phải đi đôi với làm”.

 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngân- Chủ tịch Hội Sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long nhận xét: Thảo Nguyên là một sinh viên có học lực xuất sắc và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên phân công.

Điều đặc biệt, rất trân trọng ở Thảo Nguyên là nghị lực vượt qua khó khăn, thách thức để làm tròn mọi vai trò của mình. Để tạo điều kiện cho Thảo Nguyên, ngoài học bổng học tập, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long còn tạo điều kiện cho em nhận được nhiều sự hỗ trợ khác.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: CAO HUYỀN