Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ "Biến rác thành tiền"

Cập nhật, 13:16, Thứ Ba, 11/12/2018 (GMT+7)

Mô hình “Biến rác thành tiền giúp bệnh nhân nghèo” là một trong những hoạt động thiết thực mang tính nhân văn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mang Thít nói chung và là điểm nổi bật của phụ nữ trên địa bàn xã Long Mỹ nói riêng.

Với cách thức khá giản đơn nhưng mang lại hiệu quả thiết thực vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo điều kiện cho các chị em thêm đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn, việc “Biến rác thành tiền giúp bệnh nhân nghèo” thu hút đông đảo hội viên tham gia. 

Phụ nữ Mang Thít phân loại rác bán ve chai lấy tiền giúp bệnh nhân nghèo.
Phụ nữ Mang Thít phân loại rác bán ve chai lấy tiền giúp bệnh nhân nghèo.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các hội phụ nữ cơ sở trên địa bàn huyện Mang Thít thành lập mới 2 tổ “biến rác thành tiền” ở xã Chánh Hội, Mỹ An với 14 chị tham gia; nâng tổng số đến nay huyện Mang Thít có 4 mô hình biến rác thành tiền ở thị trấn Cái Nhum và các xã Long Mỹ, Chánh Hội, Mỹ An và kết quả thực hiện mô hình đến nay thu được với số tiền 8.260.000đ, lũy kế thu được 20.624.000đ.

Qua đó, các chị tổ chức thăm 9 bệnh nhân nghèo với 8.430.000đ, lũy kế đến nay đã giúp 13 bệnh nhân với 11.732.000đ.

Ban đầu vận động có nhiều chị em cảm thấy ngại khi mỗi lần đi họp lại mang theo đùm rác. Nhiều chị em còn nói thôi quyên góp bằng tiền cho tiện, xách đi ngại lắm.

Nhưng sau một thời gian thuyết phục thì nhiều hội viên cũng nắm được tinh thần. Đây là thực hiện một mô hình ý nghĩa, không chỉ có giá trị nhân văn giúp đỡ nhau mà còn có ý nghĩa trong việc xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.

Số tiền sau khi bán “ve chai”, các chị bỏ ống heo đất để giúp bệnh nhân nghèo.
Số tiền sau khi bán “ve chai”, các chị bỏ ống heo đất để giúp bệnh nhân nghèo.

Có nhiều chị cùng chung tâm trạng: “Lúc đầu xách rác đi họp, chị em chúng tôi còn hơi ngại nhưng bây giờ trở thành niềm vui chung. Mỗi lần họp có rất đông chị em tụm lại phân loại rác, cân đo và hồi hộp xem số tiền nhận lại để bỏ vào heo đất.

Cảm giác đó khiến ai cũng vui vẻ và hào hứng tham gia mô hình nhiều hơn”. Từ khi được tuyên truyền tham gia mô hình “Biến rác thành tiền giúp bệnh nhân nghèo”, các chị em xã Long Mỹ đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

Mỗi lần đi họp, các hội viên phụ nữ tại xã Long Mỹ lại vui vẻ “tay xách nách mang” theo những túi rác phế liệu đi ủng hộ.

Không phải vì họ không có tiền mà họ muốn nhân rộng mô hình này với 2 ý nghĩa: Bảo vệ môi trường và giúp đỡ hội viên khó khăn những lúc đau ốm.

Mô hình được triển khai thực hiện trên toàn xã, hiện tại được gần 600 hộ hội viên toàn xã hưởng ứng, đạt tỷ lệ 65,27%.

Phụ nữ Mang Thít trao tiền từ mô hình “Biến rác thành tiền” giúp bệnh nhân nghèo ở xã Long Mỹ.
Phụ nữ Mang Thít trao tiền từ mô hình “Biến rác thành tiền” giúp bệnh nhân nghèo ở xã Long Mỹ.

Theo báo cáo tháng đầu thực hiện, Hội LHPN đã xử lý tốt trên 200kg rác thải thu về gần 3 triệu đồng, hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn bệnh tật.

Mô hình biến rác thành tiền đã mang lại hiệu quả thiết thực, Hội LHPN các xã- thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên cách phân loại rác và xử lý rác.

Theo đó, các loại rác có thể tái chế được như: chai nhựa, bao bì... thu gom riêng để bán phế liệu. Từ đó, vận động hội viên hàng tháng, quý khi tổ chức sinh hoạt chi- tổ hội, hội viên sẽ mang rác phế liệu đến điểm sinh hoạt và cán bộ chi- tổ hội liên hệ người đến thu mua phế liệu.

Mặt khác, Hội LHPN tổ chức mỗi chi hội có ít nhất 4 điểm thu gom (nhà chi hội trưởng của ấp) để giúp các hội viên không đi họp gửi tới hoặc một số gia đình có công việc lớn, số lượng ve chai nhiều thì chủ hộ tự bán rồi tự nguyện quyên góp.

Toàn bộ số tiền sau mỗi lần bán phế liệu sẽ cho vào heo đất và ghi cụ thể vào sổ theo dõi một cách minh bạch.

Hàng tháng, nếu hội viên nào bị ốm đau thì Hội LHPN sẽ đập heo đất ra và lấy tiền đó đi thăm bệnh. Về “tính vật chất” thì mô hình này không có nhiều và việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả trong xử lý rác, góp phần cải thiện môi trường ngày càng tốt hơn.

Thông qua mô hình còn góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và học tập tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thực hiện hiệu quả mô hình sẽ hạn chế rác thải ra môi trường, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa thực hành tiết kiệm giúp bệnh nhân nghèo. Đặc biệt, với việc làm thiết thực này, các chị góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm nghèo địa phương, xây dựng địa phương ngày càng phát triển văn minh.

Bài, ảnh: TƯỜNG LINH