Nước sạch về với người nghèo

Cập nhật, 06:33, Thứ Năm, 15/11/2018 (GMT+7)

Nước sạch là một nhu cầu thiết yếu. Thế nhưng qua khảo sát thực tế ở các địa phương, vẫn còn nhiều hộ gia đình sử dụng nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Lương Phan Cừ- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (phải) đến thăm gia đình chú Lê Văn Mỹ (ấp An Phước, xã Trung An- Vũng Liêm) vừa được kéo nước sạch đến nhà.
Ông Lương Phan Cừ- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (phải) đến thăm gia đình chú Lê Văn Mỹ (ấp An Phước, xã Trung An- Vũng Liêm) vừa được kéo nước sạch đến nhà.

Bằng những tấm lòng thiện nguyện, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp người khuyết tật nghèo, cận nghèo có nguồn nước sạch sử dụng.

Trước thực trạng còn nhiều hộ người khuyết tật nghèo, cận nghèo chưa có nhà vệ sinh và sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, thời gian qua, Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch cho bà con.

Khởi động từ tháng 1/2018, dự án mang nước sạch cho người khuyết tật nghèo, cận nghèo và hộ gia đình người nghèo trong tỉnh do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động Tổ chức VNH Foundation đã hỗ trợ cho 155 hộ. Trong đó, huyện Vũng Liêm: 50 hộ, huyện Tam Bình: 43 hộ và 62 hộ ở huyện Trà Ôn.

Đối với những người có điều kiện đủ đầy, có nước sạch là chuyện dễ dàng, gần gũi ngay trước mắt. Nhưng, đối với những mảnh đời khó khăn- nhất là những hộ nghèo, trong gia đình có người khuyết tật- thì chuyện ăn, chuyện mặc còn phải lo toan.

Căn nhà trống trước, trống sau, mưa còn dột thì chuyện kéo nước sạch vô đến nhà ở giữa đồng ruộng mênh mông là một điều vô cùng lớn lao.

Khi nghe tin được hỗ trợ nước sạch, chị Bùi Thị Ngọc Xuyến (xã Tân Phú- Tam Bình) đã “mừng rơn, cứ đứng ngồi không yên, trông từng ngày một”.

Chị tâm sự: “Đó giờ xài nước bơm dưới sông lên không hà, mà sông giờ bị ô nhiễm lắm. Mùa mưa thì trữ nước mưa xài. Giờ có nước sạch rồi mừng dữ lắm”.

Nhà của chú Lê Văn Mỹ (ấp An Phước, xã Trung An- Vũng Liêm) nằm trên con đường đất cạnh những mảnh ruộng vừa thu hoạch xong.

Không có đất đai canh tác, vợ chồng chú sống dựa vào số tiền ai mướn gì thì làm nấy. Con trai lớn đi làm ở Đồng Nai, con trai út thì sinh ra cho đến bây giờ hơn 20 tuổi vẫn khờ khạo không biết gì.

Vừa xả vòi nước mới “khoe” với chúng tôi, chú Mỹ cười tươi rói: “Kéo nước sạch vô tới nhà như kỳ tích vậy hà.

Từ đường lớn dẫn vô tới ruộng này gần 1 cây số, nếu không được hỗ trợ thì chắc còn lâu dữ lắm tui mới có tiền làm”. Con kênh trước nhà đục mò vì bầy vịt cả trăm con bơi lội giữa đám lục bình.

Chú Mỹ xúc động: “Hồi đó xài nước dưới kinh này nè, xách lên lóng phèn, xài hàng ngày, nấu cơm cũng xài nước này.

Vừa bầy vịt nó bơi, vừa thuốc hóa học ở trong ruộng chảy ra mà cũng mắt nhắm mắt mở xài. Bởi vậy có nước sạch, tui mang ơn lắm, ăn uống hay làm gì cũng an toàn hơn”.

Cũng là niềm vui lớn của gia đình khi được hỗ trợ cất nhà, có nước sạch và nhà vệ sinh, bà Trần Thị Thu Vân (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) an tâm hơn, cũng đỡ vất vả hơn trong việc chăm sóc con trai bị tai nạn lao động, chấn thương não và cột sống hơn 10 năm qua.

Tại buổi lễ khánh thành và nghiệm thu dự án ở xã Trung An (Vũng Liêm), ông Lương Phan Cừ- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã nói: “Người nghèo- đặc biệt là gia đình có người khuyết tật, trẻ mồ côi- là một trong những người khó khăn nhất, cần mọi người chung tay giúp đỡ.

Đồng hồ, van mở, khóa nước,… nó nhỏ lắm, nhưng với người nghèo thì nó to vô cùng”.

Ông Lương Phan Cừ kể, một cụ già hơn 80 tuổi, khi được hỗ trợ nước sạch đã xúc động nói với ông: “Tưởng rằng tôi ra đi không được dùng nước sạch thì bây giờ nhờ có dự án nên mới có nước sạch dùng”.

“Nước sạch là sức khỏe, nước sạch là phát triển, nước sạch là hạnh phúc. Nếu chúng ta không có nước sạch, thì bệnh tật triền miên, lại nghèo đói. Hy vọng sự lan tỏa này sẽ giúp đỡ nhiều người nghèo hơn, không để ai phải ở lại đằng sau.

Cố gắng giúp những mảnh đời khó khăn cùng tiến để làm sao có một xã hội tốt đẹp hơn”- Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam- chia sẻ.

Theo bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh: Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 267 hộ nghèo được hỗ trợ nước sạch, xây dựng gần 1.000 công trình vệ sinh. Những dự án này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho các hộ gia đình khó khăn, nhất là các hộ nghèo có người khuyết tật có phương tiện sinh hoạt tốt hơn, góp phần chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Những dự án này cũng là thực hiện tiêu chí môi trường, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: QUYÊN- THÚY