Lo âu, stress từ cuộc sống áp lực

Cập nhật, 13:36, Thứ Sáu, 19/10/2018 (GMT+7)

Chuyên gia về bệnh lý tâm thần kinh khẳng định trong cuộc sống nhiều bận rộn và áp lực hiện nay, nhiều bệnh lý tâm thần kinh nguy cơ xuất hiện và diễn tiến ở nhiều người nhưng đôi khi họ chưa để ý để có giải pháp điều trị phù hợp...

Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Phạm Văn Diên (bìa phải) thay mặt đơn vị kịp thời khen thưởng, động viên bệnh nhân phối hợp điều trị tốt.
Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Phạm Văn Diên (bìa phải) thay mặt đơn vị kịp thời khen thưởng, động viên bệnh nhân phối hợp điều trị tốt.

Áp lực cuộc sống, công việc gây stress

Chị Phương Nhã (30 tuổi) công tác ở một đơn vị kinh doanh, ngoài chuyên môn còn công việc của 2 tổ chức đoàn thể. Chị nói mỗi khi công việc đến “mùa” báo cáo là muốn stress luôn.

Chưa đi khám để có một kết quả cụ thể, nhưng có thể trường hợp đó là stress thật, do áp lực công việc và cuộc sống.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long- cho biết, theo phân loại bệnh, các cơ sở y tế chuyên khoa như đơn vị, điều trị trên 300 mặt bệnh tâm thần và tâm thần kinh. Trong đó có các bệnh thường gặp nhất là: tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, trầm cảm, động kinh, sang chấn do stress, đau đầu, mất ngủ...

Và các vấn đề về thần kinh ngoại biên, dây thần kinh số 5, số 7, di chứng tai biến... Theo bác sĩ Phạm Văn Diên, tất cả các mặt bệnh trên đều gặp trong cuộc sống hiện nay.

Chị Phương Nhã kể đôi khi vì suy nghĩ lo lắng tiến độ các công việc và dù rất mệt mỏi mà lại khó ngủ được. “Trong suy nghĩ cứ thấy âu âu lo lo!”- chị nói cảm giác. Theo lý thuyết các loại bệnh đã kể, có thể nói dạng của trường hợp trên là một loại bệnh về tâm thần kinh.

Theo bác sĩ Phạm Văn Diên, cũng chiếm phần đông là các trường hợp lo âu bồn chồn, mất ngủ, đau đầu hay sang chấn là người có tuổi lo bệnh tật và đến khám với dạng bệnh thần kinh.

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long 9 tháng của năm nay đã tiếp nhận hơn 25.700 lượt bệnh nhân (hơn 107% so kế hoạch năm) đến khám ngoại trú các bệnh tâm thần.

Phổ biến trong đó là đau đầu, mất ngủ, rối loạn lo âu, sang chấn do stress... Điều trị nội trú tổng số hơn 850 bệnh nhân (107% kế hoạch). Có thể thấy mới hết quý III, lượng bệnh đến khám và điều trị đã vượt xa so kế hoạch và dự báo sẽ còn tăng hơn.

Tổng số bệnh nhân cơ sở y tế trên phối hợp quản lý theo chương trình là 4.036 trường hợp, gồm tâm thần phân liệt (2.194 người) và động kinh (1.842 người).

Lần lượt chiếm cao hơn kế hoạch từ 10- 13%. Theo bác sĩ Phạm Văn Diên, các trường hợp được quản lý chặt, cấp thuốc đầy đủ nên tỷ lệ bệnh nhân tâm thần gây nguy hiểm cho cộng đồng thời gian qua giảm rất nhiều.

Loạn thần do rượu, “ngáo đá” càng nhiều

Thi thoảng báo chí đưa tin có thanh niên đột nhiên cầm dao dọa hoặc bắt ai đó làm con tin, cố thủ. Có lúc đọc thấy một phụ nữ bỗng dưng nhảy lên nóc ô tô hay đứng giữa đường nhảy múa. Nhìn đã biết và chính các trường hợp này sau đó thừa nhận ảo giác, “ngáo” do chất kích thích- nhất là ma túy đá.

Người nào đó gặp khó trong cuộc sống (công việc, tình cảm, tiền bạc...) có thể chia sẻ với người thân, gia đình, đồng nghiệp để có sự quan tâm giúp đỡ. Trường hợp có các dấu hiệu về tâm thần kinh, nên tới cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị phù hợp.

Ông Hoàng Nở gần 60 tuổi ở Trà Ôn từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long tới lần thứ 4 với chứng loạn thần do rượu.

Ngoài 4 lần trên, vợ ông- bà Vân- có hơn 10 lần đi lãnh thuốc cho ông uống. Làm thuê, ông Nở nói “tửu lượng” thường xuyên khoảng nửa lít rượu đế.

Theo bác sĩ, loạn thần do rượu xảy ra sau khi uống liên tục qua thời gian dài. Biểu hiện ngộ độc rượu là một dạng lâm sàng và chẩn đoán được.

Bác sĩ Bùi Anh Đông- Phó Khoa Điều trị nam Bệnh viện Tâm thần- cho biết, ước số người nghiện rượu đến điều trị nội trú khoảng 20% trên tổng số điều trị về tâm thần kinh.

“Hầu hết bệnh nhân điều trị 2- 3 lần trở lên. Sau lần đầu, đa số bệnh nhân hợp tác tốt với bệnh viện trong các lần sau vì có lẽ biết mình “thất hứa” về việc bỏ rượu”...

Bác sĩ Phạm Văn Diên cho hay, can thiệp đối với trường hợp loạn thần do rượu và các chất kích thích thường là giải quyết tình trạng cấp tính. Còn cai nghiện về lâu dài thì cần phối hợp giữa trị liệu với gia đình và cộng đồng.

Phòng các bệnh về tâm thần kinh nói chung, ngoài yếu tố đã nói còn có ở ý thức của người dân để hạn chế tiến triển bệnh. “Phòng bệnh cần đa dạng và phối hợp nhiều yếu tố”- bác sĩ Phạm Văn Diên khẳng định.

Với người làm việc trí óc, tư duy, cần tạo tinh thần thoải mái, sảng khoái, bố trí sắp xếp công việc hợp lý và giải quyết hiệu quả là sẽ giảm khả năng mắc stress.

Bất kể người nào cũng cần tránh áp lực, căng thẳng “đè” quá, trong gia đình lẫn công việc. Ngủ đủ giấc rất quan trọng.

Ăn uống đảm bảo dinh dưỡng kết hợp thường xuyên vận động, luyện tập thể dục để tăng đề kháng bảo vệ sức khỏe và phòng các bệnh. Với nam giới, hạn chế lạm dụng rượu bia, không dùng chất kích thích để hạn chế nguy cơ loạn thần...

Với các bệnh nhân tâm thần, mọi người trong cộng đồng cần phải giúp đỡ, không nên xa lánh, tạo điều kiện để họ được quản lý điều trị và có thể hòa nhập cộng đồng.

10 bệnh tâm thần có số lượng điều trị nội trú cao nhất:

Số TT

Tên bệnh

Số ca

Mã ICD-10

1

Tâm thần phân liệt

427

F20

2

Rối loạn thần và hành vi do sử dụng rượu

149

F10

3

Động kinh

78

G40

4

Rối loạn hành vi và nhân cách ở người trưởng thành

37

F68

5

Rối loạn thần cấp tính và thoáng qua

27

F23

6

Rối loạn lo âu

27

F41

7

Rối loạn lo âu và trầm cảm

19

F41.2

8

Rối loạn kiểu phân liệt

13

F21

9

Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác

11

F16

10

Bệnh Parkinson

8

G20

Bài, ảnh: MINH THÁI