Hiểm họa từ khói thuốc lá gây tổn hại sức khỏe

Cập nhật, 05:42, Thứ Tư, 12/09/2018 (GMT+7)

Các bậc phụ huynh đều đã biết về tác hại của thuốc lá lên người trực tiếp hút. Vậy trẻ có bị ảnh hưởng gì khi hít phải khói thuốc thụ động do người lớn hút không?

Nếu là người yêu thương con, yêu thương trẻ em, người lớn hãy đừng hút thuốc để trẻ không phải hít khói độc.
Nếu là người yêu thương con, yêu thương trẻ em, người lớn hãy đừng hút thuốc để trẻ không phải hít khói độc.

Cha hút, con hít

Chị Phan Hồng Nhung (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) cảm thấy lo lắng khi con gái nhỏ chị mới có hơn 4 tuổi cứ bị khò khè, viêm mũi họng liên miên.

Bệnh cứ tái đi tái lại, con cứ sốt, ho, khò khè, đêm ngủ thở khó, chị cứ nghĩ do môi trường nhà trẻ nên con thường xuyên bị bệnh.

Song, khi đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ nói con chị bị viêm tai mũi họng mãn tính và hỏi ở nhà có người hút thuốc không. Chị trả lời có ba và ông nội bé hút.

Chị Nhung thở dài: “Tôi khuyên chồng bỏ thuốc lá mà không được, ảnh chỉ bớt hút lại thôi. Mỗi lần ảnh hút là ra ngoài sân hút không hà, chứ tôi không cho ảnh hút trong nhà. Còn ông nội thì hút thường hơn, có khi ngồi giữ cháu cũng hút, mà dâu con tôi hổng dám nói”.

Cũng có con thường xuyên mắc bệnh hô hấp, chị Trương Ngọc Trúc (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Chồng chị bị ghiền thuốc lá, khuyên hoài hổng được chị đành mặc kệ.

Ảnh nói phải hút thuốc ảnh mới tỉnh táo làm việc, có khi đưa rước con, con ngồi trước xe ảnh cũng thản nhiên hút, khiến con bị hít trọn khói thuốc. Con bệnh do hít thuốc của ba vậy nè. Ảnh có thương con thì ảnh phải bỏ thuốc”.

Theo các chuyên gia hô hấp, trẻ em gia đình có người hút thuốc lá, đặc biệt là những người tiếp xúc với trẻ càng hút thuốc thì ảnh hưởng đến trẻ càng nhiều.

Người ta thấy ở những đứa trẻ có ba mẹ hút thuốc lá nguy cơ trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới như: viêm phế quản và viêm phổi.

Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc.

Thêm vào đó, con của những người hút thuốc lá bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con người không hút thuốc.

Ngoài ra trẻ có thể mắc bệnh đường hô hấp khác như: viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, cúm hơn những đứa trẻ không hít phải khói thuốc lá.

Thương con, xin đừng hút thuốc

Những người hút thuốc lá nên biết rằng, người hút thuốc hấp thu khoảng 15% khói thuốc lá, còn lại thải ra môi trường xung quanh và những người khác phải hít thở thứ khói độc hại đó.

Ở nơi công cộng thì rất nhiều người phì phà thuốc lá bất chấp sự khó chịu của người xung quanh- những người phải hút thuốc thụ động.

Thật đau lòng khi thấy hình ảnh em bé ngồi trong lòng người lớn chơi đùa, còn người lớn vẫn thản nhiên hút thuốc.

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã tiến hành nghiên cứu về tác động của khói thuốc lá đối với người hút thuốc thụ động và chứng minh tác hại của nó. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị hội chứng đột tử khi ngủ (SIDS) nếu bị tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp.

Khói thuốc có thể gây ra các triệu chứng khác bao gồm nghẹt mũi, đau đầu, đau họng, kích ứng mắt và khàn giọng ở trẻ em.

Trẻ em bị hen suyễn đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Khói thuốc lá còn có thể gây ra các vấn đề về sự phát triển các cơ quan chức năng trong cơ thể trẻ cũng như các bệnh như: phát triển phổi kém (phổi không phát triển đầy đủ), ung thư phổi, bệnh tim và đục thủy tinh thể.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc còn có thể gây tổn hại tới hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận và kỹ năng nhận thức ở trẻ như suy giảm chức năng nhận thức của não,

giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt gấp 3 lần, chỉ số IQ của trẻ tiếp xúc với khói thuốc thấp hơn những đứa trẻ cùng tuổi không tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Trẻ sẽ có kết quả học tập yếu kém hơn đặc biệt là khả năng đọc và làm toán. Điều này vô cùng nguy hại đối với sự phát triển tương lai của trẻ, cũng như tương lai của đất nước.

Đặc biệt, người mẹ hít phải khói thuốc lá nhiều trong thời gian mang thai dễ bị sẩy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, con sinh ra thường nhẹ ký, kém thông minh.

Khói thuốc lá gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe, tâm trí, sự phát triển cho trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu là người yêu thương con, yêu thương trẻ em, người lớn hãy đừng hút để cho trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước- được phát triển trong một môi trường sống trong lành.

Các chuyên gia ước tính rằng, mỗi năm, Việt Nam có 150.000- 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản, hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc.

Những trẻ dưới 1 tuổi có ba hoặc mẹ hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi trẻ có ba mẹ không hút thuốc.

Bài, ảnh: MAI ANH