Đi chùa "online", nên hay không?

Cập nhật, 19:34, Thứ Hai, 20/08/2018 (GMT+7)

Trong bối cảnh công nghệ số, những việc tưởng như phải tới tận nơi mới có thể làm được hóa ra lại không hoàn toàn như vậy. Ngay cả việc đi chùa vẫn có thể thực hiện trực tuyến bằng sự ra đời của trang web chuaonline.com.

 Ngôi chùa
Ngôi chùa "ảo" được thiết kế đẹp mắt và không khác với ngôi chùa thật

 Chùa “ảo” đẹp như chùa thật

 Chỉ cần gõ từ khóa "Chùa online", nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi lập tức một ngôi chùa xuất hiện với giao diện giống hệt như một ngôi chùa truyền thống. Website có đầy đủ các hình thức tâm linh cơ bản như: thắp hương, phòng cầu siêu, phòng hộ niệm - cầu an, phòng lễ giỗ ông bà cùng tủ sách về các bài kinh, lịch sử Phật giáo. Từ việc di chuyển lần lượt từng ban thờ đến nghi lễ thắp hương, đọc kinh đều chỉ bằng những thao tác kích chuột.

Không giống như chùa thật, lượng người truy cập để viếng thăm ngôi chùa "online" thường tranh thủ vào giờ nghỉ, đặc biệt vào những ngày tuần. Hầu hết du khách thập phương tới viếng chùa “ảo” là dân văn phòng, công sở. Đây là những người có quỹ thời gian eo hẹp, không có điều kiện đến chùa thường xuyên nhưng bằng việc ghé thăm ngôi chùa online, họ vẫn thể hiện được lòng thành kính tới đức Phật. Do vậy, mọi người vẫn nói vui với nhau rằng, dù ngôi chùa là ảo nhưng việc tiết kiệm thời gian là thật.

Chị Trần Nguyệt Ánh, (một cán bộ ngân hàng ở Hà Nội) chia sẻ, công việc của chị rất bận, đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên không có thời gian để đi chùa. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa ở cơ quan là chị lại đi chùa trực tuyến, thắp hương và chiêm bái Tam bảo. Dù chỉ là đi chùa trên mạng nhưng chị Nguyệt Ánh cũng thấy lòng thanh thản, nhất là khi ngôi chùa điện tử lại được thành lập bởi Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam. Điều đó làm chị yên tâm chiêm bái, thắp hương niệm Phật từ xa hoặc đọc các bài viết trên đó để hiểu thêm về triết lý nhân sinh, lẽ sống thiện ở đời.

Bên cạnh lợi ích của việc tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc thì đi chùa "online" còn được một số người cho rằng, cách đi chùa độc đáo này rất an toàn, tiện lợi vì không phải chen lấn xô đẩy hay bị kẻ gian móc túi. Đồng thời, tới với ngôi chùa "ảo", những quy định của nhà chùa như không đốt vàng mã hay thắp hương quá nhiều, đều được các tín đồ thực hiện theo đúng quy định.

“Phật tại tâm”

Dẫu vậy, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, đi chùa "online" chưa thỏa được lòng mong ước của những người yêu mến đạo Phật. Bởi dù tới với chùa thật có tốn thời gian và công sức, nhưng bù lại, người đi lễ cảm thấy được thanh thản và an ủi khi tới với nơi thờ tự. Bằng việc nghe một tiếng chuông chùa cũng đủ làm họ cảm thấy tĩnh tâm.  

Trước các ý kiến trái chiều, sư thầy Thích Thanh Nguyên, trụ trì chùa Linh Ứng (Hà Nội) cho rằng, đi chùa "online" là một trong những cơ hội để các Phật tử thành tâm hướng đến Phật khi chưa có điều kiện đi chùa. Đó cũng là một hình thức truyền bá tính hướng thiện đặc trưng của đạo phật tới nhiều người hơn nữa.

 Chùa
Chùa "online" cũng là một hình thức truyền bá tính hướng thiện cảu đạo Phật tới nhiều người

Hơn thế, theo sư thầy Thích Thanh Nguyên, “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa" hay "Phật tại tâm" đều là những phương tiện tu học mà các Phật tử lưu tuyền từ bao đời nay. Vậy nên, chùa "online" cũng là một hình thức truyền bá tính hướng thiện của đạo Phật tới nhiều người. Có lẽ, Đức Phật cũng không quở trách những Phật tử vì bận bịu công việc mà chưa có điều kiện đến chùa thường xuyên. Vì thế, chùa "online" sẽ là nhịp cầu kết nối những tấm lòng thuần thành hướng thiện.

Mặc dù vậy, sư thầy Thích Thanh Nguyên cũng không phủ nhận lợi ích của việc đi chùa trong thực tế. Tới với những ngôi chùa truyền thống, người hành lễ sẽ vừa vãn cảnh thiền môn, cảm nhận sự thanh tịnh, vừa để lắng nghe lời dạy của các nhà sư sẽ giúp mỗi người chiêm nghiệm sâu sắc hơn giáo lý từ bi - trí tuệ của Phật giáo.

Theo ANTD.VN