Tri ân người có công

Cập nhật, 04:30, Thứ Năm, 26/07/2018 (GMT+7)

Giữ gìn, trân quý đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nghĩa tình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, động viên, thể hiện trách nhiệm và tình cảm biết ơn sâu sắc đối với thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

“Bữa cơm nghĩa tình, ấm áp yêu thương” cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Diễn (xã Thạnh Quới- Long Hồ).
“Bữa cơm nghĩa tình, ấm áp yêu thương” cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Diễn (xã Thạnh Quới- Long Hồ).

Mẹ không đơn độc

Qua các đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý, đến nay, Vĩnh Long có 2.784 mẹ Việt Nam anh hùng. Không có nỗi đau nào lớn hơn, đau hơn nỗi đau của những người mẹ đã mất chồng, mất con. 

Đây là sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước ta đối với người phụ nữ Việt Nam trong quá trình bảo vệ Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ý thức được điều đó, trong những năm qua, phong trào phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng đã được đông đảo các cơ quan, tổ chức và nhân dân Vĩnh Long tích cực tham gia, mong mỏi phần nào bù đắp những mất mát, đau thương của các mẹ.

Đại diện Báo Vĩnh Long thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khéo (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm).
Đại diện Báo Vĩnh Long thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khéo (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm).

Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khéo (84 tuổi, ấp Rạch Ngây, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) đang sống cùng con trai thứ ba- Đinh Văn Diệp và các cháu.

Chồng mẹ là liệt sĩ Đinh Văn Chẩn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và con trai thứ tư- Đinh Văn Nghiệp hy sinh tại mặt trận Campuchia.

Chú Diệp chia sẻ rằng, ba và em trai hy sinh, song mẹ không cô đơn bởi bây giờ mẹ còn có thêm nhiều người con, cháu khác- là các cán bộ, công nhân viên, bạn trẻ ở Báo Vĩnh Long- đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc mẹ. Theo chú Diệp, mỗi lần các con đến thăm, mẹ vui lắm, đó cũng là động lực cho mẹ sống vui hơn!

Những ngày giữa tháng 7 này, tuổi trẻ Vĩnh Long lại rộn ràng với hoạt động ý nghĩa, tổ chức “Bữa cơm nghĩa tình ấm áp yêu thương” trong chuỗi hoạt động Đền ơn đáp nghĩa.

Các đoàn viên cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, quây quần cùng ăn cơm với mẹ, để nghe mẹ kể về những năm tháng chiến tranh gian khổ mà hào hùng, về một thời mẹ đã cống hiến tuổi xuân, chồng con cho sự nghiệp giải phóng dân tộc...

Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Hạnh (xã Loan Mỹ- Tam Bình) không khỏi xúc động và rất vui khi có nhiều bạn trẻ ở Huyện Đoàn Tam Bình đến nhà cùng dọn dẹp, nấu ăn và quây quần ăn cơm với mẹ. Mẹ cười hiền: “Mẹ vui quá, hôm nay mẹ có các con về, mẹ ăn cơm thấy ngon lắm”.

Tri ân người có công

71 năm qua, hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tế nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, gia đình chính sách.

Vừa là vợ liệt sĩ, vừa là thương binh hạng 4/4, và là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, mặc dù không con cái nhưng nhiều năm nay bà Mai Thị Đào (xã Tân Hạnh- Long Hồ) vẫn thấy ấm lòng vì luôn nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, bà còn được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa ấm áp nghĩa tình thay cho căn nhà cũ kỹ, xuống cấp. Còn ông Võ Văn Liên (con liệt sĩ Võ Văn Đây, xã Trà Côn- Trà Ôn) xúc động: “Tui cũng lớn tuổi, con cái cũng còn khó khăn nên căn nhà xuống cấp quá mà chưa có khả năng cất lại. Nhờ xã quan tâm vận động Công ty Xổ số kiến thiết Vĩnh Long xây nhà mới, tui mừng lắm”.

Đồng đội chia vui, mừng cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong (xã Song Phú- Tam Bình) vừa được tặng nhà tình nghĩa.
Đồng đội chia vui, mừng cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong (xã Song Phú- Tam Bình) vừa được tặng nhà tình nghĩa.

Đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, chính quyền, đoàn thể mà là của toàn xã hội. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- Phan Thị Mỹ Hạnh, năm 2017, tỉnh huy động được trên 8,2 tỷ đồng cho quỹ Đền ơn đáp nghĩa và xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ vốn sản xuất cho người có công, gia đình chính sách.

Đồng thời, tỉnh đã giải quyết dứt điểm hồ sơ liệt sĩ tồn đọng từ năm 1995 cho đến nay. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng tiến hành số hóa, quản lý toàn bộ hồ sơ người có công trên phần mềm hoàn chỉnh; triển khai mô hình sinh kế cho gia đình chính sách lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa 138 căn nhà cho cựu chiến binh.

Cùng với đời sống vật chất thì đời sống tinh thần, sức khỏe người có công được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hàng năm, hoạt động khám phân loại thương tật cho thương binh được thực hiện, từ đó có kế hoạch trợ giúp cụ thể cho các thương binh, như hỗ trợ sử dụng chân tay giả, góp phần giúp thương binh thuận tiện trong sinh hoạt, lao động hàng ngày.

Chế độ điều dưỡng, nghỉ dưỡng của các đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ. Chính nghĩa cử tri ân đã vun đắp lòng tin, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh máu xương vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc.

Tháng 7- thêm một lần để nhắc mỗi người ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình với những người đã hy sinh cho Tổ quốc. 

Tháng 7 tri ân đầy nghĩa tình!

Nhân buổi họp mặt cùng 45 đại biểu là người có công của tỉnh Vĩnh Long tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao việc tỉnh Vĩnh Long thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng trong những năm qua. Phó Chủ tịch nước mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy, thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới; phấn đấu để 100% người có công tỉnh Vĩnh Long có đời sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân trong tỉnh.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN