Khẩn trương khắc phục sạt lở

Cập nhật, 20:15, Thứ Hai, 21/05/2018 (GMT+7)

Theo nhận định của các nhà khoa học, thời gian gần đây, nguồn nước trên sông, rạch thuộc khu vực ĐBSCL có nhiều biến động dẫn đến sạt lở bờ sông, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân.

Nguyên nhân do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm dòng chảy thay đổi; do các đập thủy điện thượng nguồn xây dựng ngăn nước, hạn chế phù sa bồi đắp ở vùng hạ nguồn... Nếu khu vực ĐBSCL không có giải pháp khắc phục sẽ gây tác hại nghiêm trọng trong tương lai.

 Đóng cừ tràm, dừa, hạn chế sạt lở ở Cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
Đóng cừ tràm, dừa, hạn chế sạt lở ở Cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

Hiểm họa chực chờ

Đi qua những khu vực sạt lở nặng tại các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, chúng tôi không thể hình dung nổi những nơi từng là khu vực buôn bán sầm uất, đông đúc dân cư, hay những đoạn đường giao thông trải nhựa, thẳng tắp, giờ trở thành hoang vắng, nham nhở bởi thủy thần đã “ăn” mất một góc phố, góc chợ, một đoạn đường, như vụ sạt lở ở phường An Thới (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), hay ở xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)...

 Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhận định: ĐBSCL đang đứng trước tác động lớn của BĐKH từ hiện tượng tự nhiên; sự thay đổi dòng chảy, biến động nguồn nước ở phía thượng nguồn do hệ thống đập thủy điện tác động đến vùng châu thổ sông Cửu Long, nhất là ảnh hưởng nguồn nước sản xuất và sạt lở bờ sông...

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân nội tại do quá trình phát triển kinh tế, khai thác khoáng sản đã tác động đến ĐBSCL, gây sạt lở bờ sông và có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hơn trong thời gian tới nếu chúng ta không có giải pháp kềm chế. Những tác động đó làm biến đổi dòng chảy, gây ra sạt lở, sụp lún đất tại khu vực bờ sông, bờ kênh, bờ biển, ảnh hưởng đến sinh kế, sản xuất của người dân...

An Giang là một trong những địa phương đầu nguồn của khu vực ĐBSCL, hằng năm chịu nhiều tác động của dòng chảy, BĐKH ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, sạt lở đất trên địa bàn.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: các đập thủy điện và các công trình ngăn dòng chảy chính ở thượng nguồn sông Mekong đã gây ra hiện tượng “nước đói phù sa”, đất đai không được bồi đắp và bổ sung dinh dưỡng, gây bạc màu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm, an ninh nguồn nước của vùng bị đe dọa.

Đặc biệt, sự thiếu hụt phù sa, bùn cát làm cho tình hình sạt lở diễn biến nhanh hơn, trầm trọng và phức tạp hơn; nguồn nước tiếp tục bị suy giảm cả về chất lẫn lưu lượng, dòng chảy sẽ thay đổi không theo quy luật tự nhiên dẫn đến khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng hơn...

Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Hiện nay, An Giang có tổng số 51 đoạn sông với tổng chiều dài 162.550m có nguy cơ sạt lở. Trong đó có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ.

Ở TP Cần Thơ, từ năm 2010 đến nay đã xuất hiện 159 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở trên 6km, làm 66 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. Ngoài ra, TP Cần Thơ còn có trên 106 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52,7 km.

Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng. Đặc biệt, các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… có nguy cơ sạt lở cao, gây thiệt hại về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch.

Do đó, người dân sinh sống tại các khu vực trên đang cần các giải pháp ứng phó, hạn chế sạt lở, tác động của BĐKH mà Chính phủ, ngành chức năng các tỉnh thành khu vực ĐBSCL là đơn vị kết nối thực hiện.

Chủ động ứng phó

Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800 km, trong đó có trên 500 vị trí sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 500 km.

Đặc biệt, ĐBSCL đang có 42 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 150 km cần xử lý cấp bách với tổng số vốn thực hiện gần 7.000 tỉ đồng, trong đó chỉ có 17 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm được xây dựng dự án và đã có nguồn vốn đầu tư thực hiện. Còn lại 25 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở 11 tỉnh, thành với tổng kinh phí cần phải có để phòng chống, khắc phục trên 3.500 tỉ đồng nhưng chưa tìm được nguồn vốn đầu tư.

Lãnh đạo các tỉnh, thành tại khu vực ĐBSCL cho rằng, trong thời điểm này nếu không có các công trình phòng, chống ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm thì sạt lở xảy ra nhanh và nghiêm trọng hơn.

Bởi, có nhiều vị trí sạt lở diễn ra rất nhanh, có thể trong 1 đêm mất thêm 1m đất chiều rộng và dài cả trăm mét. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL rất cần sự hỗ trợ của Trung ương về vốn để thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình phòng chống và khắc phục sạt lở.

Nhiều năm qua, ở TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”, với các giải pháp chủ yếu như: củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định, đồng thời chỉnh trang đô thị thực hiện liên tục đến năm 2025 và xa hơn nữa.

Đề án phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 80% hộ dân sống ven sông vào chỗ ở ổn định, đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh, an toàn, ứng phó BĐKH tại các con sông, kênh, rạch.

Đề án có hàng chục công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở trong giai đoạn đến năm 2030 trên sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố, với tổng chiều dài trên 56km, tổng kinh phí dự toán thực hiện trên 2.030 tỉ đồng. Trong đó có những công trình thực hiện từ nguồn vốn ODA, kinh phí tài trợ của tổ chức quốc tế cho ứng phó BĐKH...

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với các dự án đã có kế hoạch đầu tư thực hiện, các sở, ngành chức năng sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Đối với các điểm sạt lở mới ngoài kế hoạch đầu tư xây dựng công trình kiên cố, chính quyền địa phương khắc phục trước mắt và báo cáo thành phố để có kế hoạch đầu tư khắc phục lâu dài bằng các công trình kè kiên cố, kè sinh học.

Tuy nhiên, địa phương rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, của Chính phủ để thực hiện đề án trên, khắc phục các điểm sạt lở mới, góp phần ổn định bờ sông, tạo nơi ở mới an toàn cho người dân vùng sạt lở, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới thích ứng với BĐKH...”.

Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)