Nâng cao ý thức phòng cháy, "bỏ túi" kỹ năng thoát hiểm

Cập nhật, 05:38, Thứ Năm, 12/04/2018 (GMT+7)

Hỏa hoạn luôn ập đến bất ngờ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Làm thế nào để an toàn vượt qua đám cháy và đáng nói hơn là phòng cháy sao cho hiệu quả… là các vấn đề “thời sự” hiện nay khi mà các vụ cháy đang “nóng”.

Mỗi người cần nâng cao ý thức phòng cháy, bỏ túi kỹ năng thoát hiểm… Ảnh chụp Chung cư Phường 4- TP Vĩnh Long.Ảnh: THẢO LY
Mỗi người cần nâng cao ý thức phòng cháy, bỏ túi kỹ năng thoát hiểm… Ảnh chụp Chung cư Phường 4- TP Vĩnh Long.Ảnh: THẢO LY

“Nóng” chuyện cháy

Thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Long cho thấy, trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, địa phương đã xảy ra 4 vụ cháy nổ, làm 1 người chết, thiệt hại tài sản trên 7 tỷ đồng. Các vụ cháy xảy ra nhiều nhất tại TP Vĩnh Long.

Mùng 3 tết, “bà hỏa” đã ghé thăm một tiệm sửa xe trên đường Đinh Tiên Hoàng, Phường 8 (TP Vĩnh Long).

Do bên trong tiệm chứa nhiều dầu nhớt và chất dễ cháy, ngọn lửa đã thiêu rụi căn tiệm, gây ảnh hưởng nhiều nhà lân cận. Mùng 8 tết, shop Thời trang Tửng (Phường 2- TP Vĩnh Long) bốc cháy, tuy không thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi một lượng lớn quần áo.

Thời điểm xảy ra cháy, cửa hàng đang đóng kín cửa, người dân xung quanh chỉ phát hiện đám cháy khi ngửi thấy mùi khét và khói phát ra từ cửa hàng.

Không riêng Vĩnh Long, chưa khi nào các vụ cháy lại xảy ra liên tục như trong thời gian gần đây. Từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ làm 33 người chết, 66 người bị thương.

Rúng động nhất là vụ cháy chung cư Carina Plaza (Quận 8- TP Hồ Chí Minh) ngày 23/3 làm 13 người tử vong, hơn 90 người bị thương, 17 ô tô và hơn 340 xe máy bị thiêu rụi, hư hỏng.

Những thiệt hại kinh hoàng này khiến nhiều người lo lắng về an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư.

Nhiều người dân đang sống ở chung cư các thành phố lớn thậm chí còn tập trung kêu cứu bằng cách giơ băng rôn, đòi đối thoại với chủ đầu tư vì những bất cập có nguy cơ gây mất an toàn tại nơi sinh sống.

Liên tiếp sau đó là các vụ cháy xảy ra ở chợ Quang (Thanh Trì- Hà Nội) ngày 31/3, chung cư ParcSpring ngày 1/4,… Bên cạnh, các vụ cháy xảy ra ở các nước ngoài như cháy trung tâm thương mại ở Nga, cháy chung cư ở Thái Lan… cũng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, khiến người người nơm nớp lo sợ, đặc biệt là người dân sống ở đô thị.

Chị Lê Thùy An ở đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4- TP Vĩnh Long) nói: “Gần đây thấy các vụ cháy xảy ra nhiều. Mình ở thành phố nhà cửa san sát nhau cũng thấy lo. Bên cạnh tăng cường phòng cháy trong nhà, rất mong hàng xóm cũng cẩn thận”.

Đừng lơ là để cháy!

Đã hơn 1 năm nhưng người dân ở đường 8 Tháng 3 (Phường 5- TP Vĩnh Long) vẫn chưa quên vụ cháy xảy ra vào sáng 15/2/2017 tại 2 căn nhà ông Trần Văn Công và ông Trần Văn Trường.

Để phòng cháy, cần ngắt các thiết bị tiêu thụ điện khi đi ngủ, nghỉ làm việc... Ảnh: NGHI ANH
Để phòng cháy, cần ngắt các thiết bị tiêu thụ điện khi đi ngủ, nghỉ làm việc... Ảnh: NGHI ANH

Vụ cháy thiêu hủy gần như toàn bộ 2 căn nhà, rất may không thiệt hại về người. Nguyên nhân do ông Công nấu nước tắm con rồi đi làm, quên tắt bếp nên lửa bắt sang số củi chất xung quanh phát cháy, sau đó lan sang nhà ông Trường và bùng phát thành đám cháy lớn…

Tại TP Hồ Chí Minh, vụ hỏa hoạn ngày 1/4/2018 tại chung cư ParcSpring (đường Nguyễn Duy Trinh, Quận 2) vẫn còn khiến nhiều người bất ngờ. Vụ cháy xảy ra ở căn hộ đã lâu không có người ở nhưng vì sạc điện thoại cắm lâu ngày nên phát hỏa bén vào chồng sách, tấm nệm...

Rất may, vụ cháy nhanh chóng được kiểm soát nên không lan rộng. Trước đó, sạc dự phòng cũng khiến ngôi nhà của một người phụ nữ ở Nghệ An bị cháy, một người đàn ông ở Hòa Bình bị nứt toác tay…

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các vụ cháy. Trong đó, có nguyên nhân từ sự bất cẩn, chủ quan của con người.

Tại các hộ gia đình, việc đun nấu rồi quên; không tắt điện trước khi rời khỏi nhà… là những nguyên nhân gây ra cháy thường gặp thời gian qua (hơn 70% gây ra các vụ cháy là do chập điện).

Song, thảm họa từ các đám cháy đã xảy ra cho thấy kỹ năng “tự cứu” của người dân còn rất thấp. Bởi thực tế, không phải ai cũng biết xử trí khi cháy, càng không thành thạo các kỹ năng để thoát thân.

Chưa kể, “tới đó hoảng rồi, đâu còn bình tĩnh mà biết xử lý như lấy khăn nhúng nước, tránh khói hay tìm đường thoát hiểm…”

Bình tĩnh, sáng suốt để tự cứu lấy mình trước, đó là lời khuyên của hầu hết các chuyên gia, nếu chẳng may có xảy ra sự cố cháy nổ.

Bên cạnh, để tránh “bà hỏa” ghé thăm, hạn chế thiệt hại thì bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động trang bị kiến thức phòng cháy và “bỏ túi” kỹ năng thoát hiểm.

Chẳng hạn, để tránh cháy do điện, mọi người cần thiết kế lắp đặt hệ thống điện tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt với môi trường nhiệt độ cao; thường xuyên kiểm tra, khắc phục những sơ hở của hệ thống điện; ngắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khi đi ngủ, nghỉ làm việc…

Trong trường hợp có cháy, cần bình tĩnh quan sát lửa ở đâu, ảnh hưởng tới mình không… Không cố gom tài sản, nếu thấy khói bốc lên từ phía dưới cửa thì không mở cửa; nếu không nhìn thấy khói, hãy đặt mu bàn tay vào cánh cửa- nóng thì không mở cửa.

Trường hợp lửa không đe dọa trực tiếp tới tính mạng thì nên đóng cửa ở trong phòng; sử dụng băng dính chống cháy, mền, khăn, vải, nhúng ướt chèn kín khe cửa, không để khói độc bay vào. Đặc biệt, cần nhanh chóng gọi điện thoại báo cho lực lượng chức năng 114...

Thiết nghĩ, cuộc chiến chống cháy nổ cần được thực hiện quyết liệt hơn. Trong đó, mỗi người cần nâng cao ý thức- tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Ông Phan Ngọc Rạng- Trưởng Ban Điều hành Khu phố Hoa Lan (Phường 8- TP Vĩnh Long)- cho biết, công tác phòng chống cháy nổ luôn được nhắc nhở thường xuyên, định kỳ. Khu phố có 5 ngã tư, mỗi ngã tư đều được trang bị kẻng và 2 bình chữa cháy. Ngoài việc góp tiền trang bị bình chữa cháy chung, nhiều hộ dân cũng trang bị thêm bình chữa hộ gia đình, đồng thời, tắt các thiết bị điện, khóa gas cẩn thận khi rời khỏi nhà, hạn chế ngọn lửa trần như không đốt nhang trong nhà…

NGHI ANH