Tổ thiện nguyện "Chung một tấm lòng" xã Phú Thành

Cập nhật, 13:25, Thứ Hai, 12/03/2018 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, Tổ thiện nguyện “Chung một tấm lòng”  ở xã Phú Thành (Trà Ôn) đã chia sẻ, giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân nghèo. Nhiều trường hợp thoát qua cơn nguy khốn, nhờ được giúp đỡ tiền kịp thời để đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị bệnh.

Tổ thiện nguyện thăm, hỗ trợ thường xuyên chị em bà Bảy- Út Mười.
Tổ thiện nguyện thăm, hỗ trợ thường xuyên chị em bà Bảy- Út Mười.

Tổ thiện nguyện “Chung một tấm lòng” ở xã Phú Thành hiện có hơn 80 thành viên do bà Nguyễn Kim Hoàng (mọi người thường gọi là cô Sáu Tốt), 74 tuổi ở ấp Phú Xuân, làm tổ trưởng cùng với 3 tổ phó, 1 thư ký và 1 thủ quỹ.

Cách đây hơn 10 năm, lúc đầu thấy những gia đình trong xã có người bệnh nhưng không có tiền chạy chữa, cô Sáu Tốt vận động những người bạn, bà con, mỗi lần chừng 10- 20 người góp tiền giúp đỡ.

Tuy những đồng tiền nhỏ nhoi nhưng cũng giúp đỡ bệnh nhân nghèo vượt qua cơn khốn khó. Dần dần, thấy được việc làm có ý nghĩa thiết thực, nên càng ngày có nhiều người tham gia.

Tuy nhiên, cứ mỗi lần thấy được hoàn cảnh khốn khó mới đi vận động, gom góp tiền thì rất bị động và không kịp thời giúp đỡ bệnh nhân nghèo lúc nguy nan, từ đó mọi người bàn bạc thành lập quỹ thiện nguyện.

Mỗi tháng, mỗi thành viên đóng 20.000đ, do thủ quỹ giữ và mỗi khi có người nghèo bị bệnh thì xuất quỹ hỗ trợ.

Đến năm 2014, quỹ thiện nguyện đã có hơn 40 người đóng góp thường xuyên. Từ đó, các thành viên bàn bạc thành lập Tổ thiện nguyện “Chung một tấm lòng” và bầu bà Nguyễn Kim Hoàng làm tổ trưởng cùng sự hỗ trợ của các tổ phó và thư ký, thủ quỹ.

Cứ mỗi năm, Tổ thiện nguyện có thêm thành viên mới tham gia. Dần dần đến nay đã có hơn 80 thành viên với đủ thành phần, gồm người khá, người có thân nhân nước ngoài, người đủ ăn, người xuất gia, có những người mua bán nhỏ, bán vé số… cũng tham gia, trong đó cả một số công chức xã. Theo định kỳ mỗi người đóng 20.000 đ/tháng, nhưng có người cũng góp nhiều hơn.

Mỗi lần đi thăm, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, thấy hoàn cảnh khó khăn, các thành viên đi thăm tự lấy tiền cá nhân giúp đỡ thêm mỗi người 100.000đ, 200.000đ, thậm chí là 500.000đ.

Không những quỹ hỗ trợ lúc trị bệnh, những người nghèo bệnh tật, không có sức lao động và không người phụng dưỡng, được quỹ hỗ trợ thường xuyên hàng tháng như gạo, mì gói và tiền…

Không chỉ những gia đình bệnh nhân nghèo trong xã được hỗ trợ mà cả những người ở các xã lân cận cũng được hỗ trợ lúc nguy khốn.

Theo chân Tổ thiện nguyện “Chung một tấm lòng” đến thăm, hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, chúng tôi mới cảm nhận trọn vẹn việc làm hết sức ý nghĩa của các thành viên trong tổ.

Bà Nguyễn Thị Bảy ( ngụ ấp Phú Sung) đang bị bệnh ung thư không còn sức lao động, vậy mà hàng ngày phải chăm sóc người em là bà Nguyễn Thị Út Mười bị bệnh bại liệt từ nhỏ. Cả hai chị em đều lớn tuổi và không có chồng con, nương tựa nhau sống qua ngày.

Trước kia, lúc chưa bị bệnh, bà Bảy đi làm mướn nuôi em gái và một tay bà chăm sóc em gái như mẹ hiền. Nay bà Bảy bị ung thư bàng quang nên không còn sức lao động, hai chị em giờ chỉ sống bằng nguồn giúp đỡ của những người hảo tâm.

Với hoàn cảnh đặc biệt này, Tổ thiện nguyện xuất quỹ hàng tháng mua gạo giúp đỡ, cùng một ít tiền để hai chị em bà Bảy sống qua ngày.

“Hai chị em tôi lớn tuổi lại bệnh tật, không người nương tựa, chỉ trông nhờ vào lòng thương của bà con chòm xóm, nhưng đâu thể ai giúp đỡ thường kỳ được.

Nhờ các cô, các anh, chị trong Tổ thiện nguyện, các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm được phần nào cho hai chị em tôi sống qua ngày, nếu không thì chẳng biết ra sao. Chị em tôi vô cùng biết ơn mọi người đã giúp đỡ”- Bà Bảy chie sẻ trong nước mắt.

Ngoài quỹ hỗ trợ, các thành viên còn vận động con cháu ở nước ngoài giúp thêm.
Ngoài quỹ hỗ trợ, các thành viên còn vận động con cháu ở nước ngoài giúp thêm.

Chị Đồng Thị Tuyết Nga (ngụ ấp Phú Lợi) chân tình: “Mình đi theo cô Sáu, thăm thấy nhiều nhà khổ quá. Mình thấy mình có may mắn là mình được tốt đẹp hơn người ta, nên cứ đi theo cô Sáu làm từ thiện.

Khi giúp đỡ được người khó khăn mình cũng thấy nhẹ lòng. Bên cạnh đó còn rủ thêm những người bạn, người thân cùng tham gia.

Mình có đứa con ở nước ngoài, khi thấy hoàn cảnh ngặt nghèo liền điện thoại báo nó gửi tiền về giúp đỡ thêm. Khi cô Sáu thành lập Tổ thiện nguyện mình sẵn sàng hỗ trợ và tham gia làm thủ quỹ cho tổ”.

Bà Nguyễn Kim Hoàng- tổ trưởng tổ thiện nguyện Chung một tấm lòng cũng bộc bạch: “Hồi đó mới vận động cũng hai ba chục người, hễ nghe nói bệnh hoạn ở đâu cũng cùng đi thăm. Dần dần ngày càng có nhiều người tham gia Tổ thiện nguyện.

Đến nay cũng được 80 người tham gia. Số tiền đóng góp hàng tháng không nhiều, nhưng nhiều nhỏ góp lại thành to.

Quỹ từ thiện của Tổ thiện nguyện không chỉ giúp bà con trong xã mà khi biết được những người có hoàn cảnh khó khăn ở nơi xa cũng tổ chức đến thăm, giúp đỡ.  

Tổ thiện nguyện đi thăm hỗ trợ bệnh nhân nghèo ở bất cứ nơi đâu, có thể.
Tổ thiện nguyện đi thăm hỗ trợ bệnh nhân nghèo ở bất cứ nơi đâu, có thể.

Điều đặc biệt, chi phí đi thăm bệnh do những người đi tự bỏ tiền ra hùn vào, chứ không sử dụng tiền quỹ. Ai rảnh thì đi, mỗi lần đi thăm bệnh cũng có 5- 7 người, ai cũng chung một tấm lòng thiện nguyện”.

Chia sẻ về việc làm của Tổ thiện nguyện, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành- Hồ Nhật Thế cho biết: “Thấy cô Sáu cùng nhiều người trong tổ làm việc rất có ý nghĩa nên tôi cũng tham gia đóng góp hàng tháng, rồi có mấy anh em trong Đảng ủy, UBND xã cũng tham gia.

Việc làm thiện nguyện của Cô Sáu Tốt và các cô trong nhóm dần lan tỏa khắp địa phương và xã lân cận (Lục Sĩ Thành).

Dù kinh tế gia đình của các thành viên trong tổ không mấy dư dả, nhưng luôn đồng hành chia sẻ cùng bệnh nhân nghèo. Tấm lòng cao đẹp của Tổ thiện nguyện “Chung một tấm lòng” chính là nét đẹp đời thường đáng trân trọng”.

Bài, ảnh: BÁ HÙNG