Xin đừng lặng im trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em

Kỳ cuối: Ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em: Hãy quyết liệt vì tương lai!

Cập nhật, 07:22, Thứ Bảy, 20/01/2018 (GMT+7)

Xâm hại tình dục (XHTD) không chỉ là nỗi đau của trẻ em, của gia đình mà còn là sự báo động về đạo đức xã hội.

Các em có quyền phát biểu ý kiến và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến mình.
Các em có quyền phát biểu ý kiến và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến mình.

Trẻ em là những “chồi non” tương lai của đất nước, các em có quyền được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện. Giáo dục giới tính từ sớm cho trẻ biết bảo vệ mình, quan tâm chăm sóc con cái là những việc làm cấp thiết.

Bên cạnh, xây dựng “hàng rào pháp lý” vững chắc, những mức án đủ mạnh để kéo giảm tội phạm XHTD trẻ em; ở tầm xa hơn là xây dựng một xã hội tử tế, nghĩa tình, phát triển bền vững, thịnh vượng.

Những việc cần làm ngay

Tuổi dậy thì của trẻ em hiện nay diễn ra ngày càng sớm, cùng với đó các em có xu hướng tình cảm với bạn khác giới cũng sớm hơn, chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng diễn ra phổ biến.

Do đó, việc giáo dục giới tính cho trẻ phù hợp theo độ tuổi là điều rất cần thiết. Giáo dục giới tính không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà đã đến lúc chúng ta phải “dạy cho hươu biết chạy đúng đường”.

Hầu hết những vụ XHTD xảy ra khi trẻ ở nhà một mình hoặc gửi người thân quen, các em không được người thân gần gũi, sẻ chia những điều tế nhị cần biết, nên dễ bị kẻ xấu xâm hại.

Ngoài ra, những tác động tiêu cực từ môi trường sống như rượu bia, phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy tràn lan trên Internet… cũng là nguyên nhân làm gia tăng loại tội phạm này. Nhiều vụ việc, đối tượng phạm tội XHTD trẻ em nhưng chưa hiểu được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Em Nguyễn Minh Thùy- học sinh Trường THCS Hựu Thành A (Trà Ôn) kể: “Bạn tâm sự với con thường bị cha dượng sờ mó, hun hít thật là kỳ nhưng mẹ bạn lại nói rằng cha thương mới làm thế. Con muốn giúp bạn tố cáo kẻ xâm hại bạn thì phải làm sao? Ai là người bảo vệ chúng cháu?”

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh- Lý Thị Kiệp đưa ra lời khuyên: Một khi các bé gái bị xâm hại thì các em nên kể với ba mẹ, người thân thật sự đáng tin cậy, báo với hội phụ nữ, công an, cán bộ chăm sóc bảo vệ trẻ em tại địa phương… về đối tượng xâm hại mình.

Ngoài ra, nếu bị xâm hại, bạo hành, các em gọi liền số đường dây nóng dễ nhớ 111 để được hỗ trợ. Gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ và chăm sóc con trẻ.

Việc tố cáo tội phạm, khuyên nhủ để con kể lại câu chuyện đó cho mình nghe là việc mà cha mẹ bắt buộc phải làm. Các em sẽ yên tâm hơn và sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần hơn.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ- Chi hội trưởng Chi hội luật sư của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh- cho rằng cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ cũng như giáo dục trẻ tránh nguy cơ XHTD. Bên cạnh việc được nuôi dưỡng, trẻ cần được lắng nghe để chia sẻ những mối quan tâm trong cuộc sống.

Em Nguyễn Hồng Nhung- học sinh lớp 4- Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Vĩnh Long) cho biết: “Con được ba mẹ bày cho cách bảo vệ thân thể mình để phòng tránh bị XHTD, không cho ai đụng vào chỗ đồ lót, con biết 5 báo động nhìn, nói, sờ, ôm, một mình để tự bảo vệ thân thể của mình. Con không đi chơi với người lạ, không đi vào chỗ tối, chỗ vắng”

Chuyên gia tâm lý khuyên rằng, trước hết, cha mẹ phải giáo dục cho trẻ biết rằng cơ thể mình là tài sản vô giá không ai được phép đụng vào. Khi phát hiện ai xâm hại, trẻ phải báo cho cha mẹ biết. Theo các chuyên gia tâm lý, trong việc ngăn ngừa và phòng chống XHTD trẻ em, ba mẹ cần biết cách chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu con trẻ

 

Xây dựng xã hội tử tế

Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, phần lớn trường hợp XHTD trẻ em do người trẻ em quen biết gây nên, có thể là người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng hoặc những người có mối quan hệ gần gũi với trẻ.

Bà Jacqueline Langton- chuyên gia tâm lý người Úc của Trường ĐH RMIT tại Việt Nam- nói: “Khi hỗ trợ, giáo dục gia đình và trẻ em, tôi dần hiểu ra thực tế về nạn XHTD trẻ em mà Việt Nam đang đối mặt.

Dường như có một sự chấp nhận nhất định trên khía cạnh văn hóa truyền thống đối với những hành vi mang tính xâm hại”. Bà bức xúc: “Ví dụ, việc búng “chim” và vạch quần xem “chim” bé trai nơi công cộng được rất nhiều người cho là bình thường. Có người còn cho rằng họ làm vậy để được may mắn hay để kiểm tra giới tính của trẻ”.

Nhằm phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra cho xã hội, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, theo đó cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về XHTD trẻ em và hậu quả của nó.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc tuyên truyền cần được lồng ghép vào trong sinh hoạt của ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể...

Khi bị XHTD, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ hiện nay tình trạng XHTD trẻ em xảy ra nhiều và có diễn biến phức tạp là do sự lỏng lẻo trong quy định pháp luật và thiếu chế tài xử lý. Ví dụ như hành vi “dâm ô” vẫn còn chưa được cụ thể và phân loại thành các mức độ khác nhau, nên đã gây khó khăn trong việc xử lý hình sự và thủ tục tố tụng.

Những hành vi “dâm ô” quấy rối tình dục, mang tính “thể chất” tác động trực tiếp vào cơ thể của nạn nhân có thể không để lại dấu vết trên cơ thể nhưng để lại tổn thương sâu sắc về tinh thần với nạn nhân.

Một bé gái ở Cà Mau đã tự tử sau khi tố cáo tội phạm mà cơ quan chức năng chậm xử lý hành vi của kẻ xâm hại. Vụ việc được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật vụ việc này. Đồng thời xem xét trách nhiệm của Công an tỉnh Cà Mau trong quá trình điều tra và quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong 2 ngày 18- 19/1/2018, TAND tỉnh Cà Mau đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị can Hữu Bê (57 tuổi, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau) về tội “Dâm ô trẻ em”.

Đề xuất “thiến hóa học” đối với tội phạm ấu dâm được nhiều người quan tâm và ủng hộ. Bởi về mặt sinh lý học thì việc “ái nhi” (tức có cảm xúc tính dục với trẻ em) giống như một loại bệnh lý mà chỉ cần có môi trường, hoàn cảnh thuận lợi là sẽ dẫn đến việc thực hiện hành vi.

Cùng với hoàn thiện hệ thống luật pháp, cần phải xây dựng hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Xã hội càng phát triển văn minh, con người càng phải tử tế, nghĩa tình.

Đây là giải pháp lâu dài để bảo vệ, giáo dục trẻ em và xây dựng đất nước. Cả xã hội chung tay hành động nói không với XHTD trẻ em; giải quyết, xử lý nghiêm minh các vấn đề xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ em, để mỗi em được trưởng thành trong môi trường an toàn, lành mạnh.

TS Phạm Thị Thúy- giảng viên Học viện Hành chính quốc gia- cho rằng điều quan trọng là phải làm sao hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân và gia đình.

Việc xâm hại trẻ em để lại hậu quả ghê gớm đối với nạn nhân nhưng chưa phụ huynh nào nghĩ đến việc phải điều trị, hỗ trợ tâm lý cho các em. Nhiều phụ huynh cứ bắt trẻ nhớ và kể lại câu chuyện bị xâm hại.

Vô tình phụ huynh đã gieo tâm lý lo lắng cho trẻ. Trẻ sẽ nhìn nhận mọi việc theo thái độ bất an, nhìn đâu cũng thấy không an toàn. “Có nhiều vụ xâm hại khiến trẻ nghĩ quẩn và tìm đến cái chết, vì sao như vậy? Đó chính là do người thân, cơ quan báo chí, các đơn vị điều tra hỏi đi hỏi lại vụ việc bị xâm hại quá nhiều, trong khi kẻ xâm hại vẫn còn trong bóng tối khiến trẻ mất niềm tin và nghĩ quẩn.” - TS Phạm Thị Thúy nhận định

 Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN