Cho em vững bước đến trường

Cập nhật, 16:38, Thứ Sáu, 12/01/2018 (GMT+7)

 

Em Phan Thị Ngọc Tươi (ngồi giữa) cùng các bạn có hoàn cảnh đặc biệt đang cố gắng vượt qua nghịch cảnh.
Em Phan Thị Ngọc Tươi (ngồi giữa) cùng các bạn có hoàn cảnh đặc biệt đang cố gắng vượt qua nghịch cảnh.

Các em học sinh đang được tiếp một phần sức lực trên con đường học vấn với học bổng do Tổ chức Dillon- Hoa Kỳ tài trợ. Và chúng tôi đã gặp gỡ, nhận thấy các em học sinh đã lạc quan hơn trước số phận, quyết không chùn bước.

Nụ cười tươi đã nở bừng trở lại trên khuôn mặt bé nhỏ và thân hình gầy gò của các em.

Cái nghèo trên đôi vai trẻ nhỏ

Dù đang học lớp 7 Trường THCS thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) nhưng em Phan Thị Ngọc Tươi vẫn hết sức nhỏ bé. Mẹ ở nhà nuôi con, cha gồng gánh đi làm thuê ở lò gạch. 200.000đ mỗi ngày cha mang về không lo đủ bữa cơm cho cả nhà thì làm sao đủ cho 4 đứa con được gắn bó với “con chữ”.

Rồi anh chị lớn quyết định bỏ học, người cắt lúa mướn, người làm công nhân, để 2 em thơ được cắp sách đến trường.

Tươi bẽn lẽn nói rằng: “Em thích làm đầu bếp để nấu ăn ngon cho cả nhà”. Đối với trẻ em, ước mơ luôn bắt nguồn từ những gì gần gũi nhất: bữa cơm ở căn nhà đông nhân khẩu ấy lâu rồi không được miêu tả bằng từ “ngon” mà chỉ bằng từ “có”.

Em Nguyễn Thị Đan Tâm- lớp 10/6, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) thì muốn trở thành nữ công an, để giúp ổn định xã hội. Sau khi cha mẹ chia tay, 3 đứa con sống cùng mẹ. Nhưng bệnh “hay quên” của mẹ em ngày một nghiêm trọng.

Những ngày mẹ lặn lội lên TP Hồ Chí Minh làm người giúp việc, cứ bị lạc đường phải nhờ đến sự giúp đỡ mới về tới nhà chủ. Đôi bàn tay mẹ không thể tiếp tục nuôi các con, chị Hai đành bỏ dở việc học đi làm phương xa, trở thành “người trụ cột” gia đình. Tâm chia sẻ: “Em thương mẹ với chị Hai lắm.

Chị khuyên em đừng bỏ học. Học được thì chị ráng lo cho em vô ĐH”. Gánh nặng trên đôi vai dường như chỉ làm cho các em thêm mạnh mẽ. Hơn ai hết, các em hiểu rõ “con chữ” sẽ giúp mình vượt lên hoàn cảnh.

Bệnh tật không ngăn nổi đam mê kiến thức

Có những em bé lớn lên từng ngày cùng căn bệnh quái ác. Cũng còn may là số phận nghiệt ngã không thể ngăn cản bước chân các em đến trường.

Em Trần Thị Mỹ K.- lớp 8, Trường THCS thị trấn Cái Nhum- luôn lạc quan học tập dù mắc bệnh nan y- hồng cầu không tạo máu. Tháng nào cha và em cũng đi TP Hồ Chí Minh “vô máu”, tốn hơn 2 triệu đồng/lần.

Sức khỏe em không ổn định nên mẹ đành ở nhà. Một mình cha đi làm vừa nuôi cả nhà vừa chữa bệnh cho em. Thân hình mỏng manh, làn da có phần xanh xao nhưng nét rạng rỡ trên gương mặt em chưa bao giờ tan biến.

Lạc quan “sống” của em bắt nguồn từ chữ “quen”. “Mẹ phát hiện bệnh của em từ lúc em mới hơn 1 tuổi. Hồi nhỏ, em khóc nhiều lắm. Ngày nào đi vô máu về là tối mẹ con ôm nhau khóc. Giờ quen rồi, mẹ với em không khóc nữa”- K. chia sẻ.

Lưng bàn tay em hằn dấu xanh tím của kim truyền máu. Một chữ “quen” của em thật xót xa. Em kiên cường sống và cố gắng học- luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi 8 năm qua. Ánh mắt em rất trong, em mong sau này mình sẽ làm một kỹ sư xây dựng.

Cũng như K., khát vọng sống và học của em Hồ Tấn Ph.- lớp 10, Trường THPT Phạm Hùng (Long Hồ) vượt lên trên căn bệnh ung thư máu. Cả nhà Ph. sống trong bệnh tật và nghèo khó.

Ông ngoại em là thương binh, phải điều trị ở bệnh viện. Bà ngoại bị tiểu đường, kiên trì đi bán từng tờ vé số.

Mẹ dù bệnh vẫn ngày ngày đi làm tạp vụ. Còn em, khi học tiểu học thì phát hiện bệnh. Gần đây, bệnh nhiều hơn, mỗi tháng em đã phải đi TP Hồ Chí Minh tăng lên 2 lần thay vì 1 lần/tháng như trước đây.

Nghị lực của em được minh chứng qua 11 năm liền, em đều học rất giỏi. Nói về em, ông Nguyễn Đức Hồng (chuyên viên Phòng GD- ĐT huyện Mang Thít) tấm tắc khen: “Ph. học giỏi lắm, ngoan hiền nữa. Nhưng những ngày gần tới kỳ truyền máu là Ph. xanh xao, yếu xìu. Thương lắm”.

Con đường học vấn của các em gặp rất nhiều chông gai vì gia cảnh khó khăn, vì bệnh tật quái ác nhưng chưa bao giờ các em nghĩ đến bỏ học. Sự học với các em là niềm say mê, là động lực để vững bước trong cuộc sống này.

 Bài, ảnh: TUYẾT NGA