Báo động ly hôn ở gia đình trẻ

Cập nhật, 21:53, Thứ Năm, 14/12/2017 (GMT+7)

Chuyện yêu đương, cưới nhau và… ra tòa (ly dị) trở nên phổ biến, nhất là trong giai đoạn xã hội hiện nay đang đề cao tính cá nhân của mỗi người.

Song, điều đáng báo động là ở Việt Nam, cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 21- 30. Trong đó, 70% số vụ ly hôn khi kết hôn 1- 7 năm và hầu hết đã có con…

   Một gia đình hạnh phúc là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của trẻ em.  Ảnh minh họa
Một gia đình hạnh phúc là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của trẻ em. Ảnh minh họa

Vừa cưới đã muốn ly hôn

Nhiều người thân, bạn bè của H.D. (26 tuổi) cảm thấy bất ngờ khi biết tin D. và chồng ly hôn chỉ sau 4 tháng cưới. Đám cưới của D. rình rang trước lời chúc phúc của mọi người.

Và album cưới đẹp lung linh, lãng mạn được chụp ở đảo ngọc Phú Quốc của D. vẫn còn trên Facebook của nhóm chụp ảnh, vẫn còn nhận được “like, comment xuýt xoa trước bộ ảnh cưới quá đẹp. Cô dâu, chú rể rất đẹp đôi”.

“Từ lúc quen đến khi cưới chưa được nửa năm, yêu nhanh, cưới gấp rồi cũng… nhanh ly dị khi cả hai quá khác nhau về quan điểm sống. Hắn ham vui, làm xong là đi đá banh, cà phê, nhậu. Về nhà thì… mê game, có khi chơi tới 1- 2 giờ sáng”- D. thở dài.

Chẳng bao lâu, những cuộc “khẩu chiến” không ai nhường ai thường xuyên xảy ra. Cha mẹ hai bên khuyên, phân tích thiệt hơn. Song, vợ chồng D. vẫn quyết định chia tay sớm trước khi có con để tránh sự ràng buộc.

Kết hôn được 1 năm, có với nhau bé trai, song chị Q.A. (31 tuổi) nhận ra hôn nhân không phải “màu hồng”.

Đôi mắt ngấn nước, chị tâm sự: “Xót xa lắm em ơi. Anh không chỉ vì bạn bè cà kê sớm khuya, mà tính phong lưu của anh khiến tim chị chết lặng. Chị khuyên anh bớt nhậu dành thời gian cho gia đình, chơi với con thì ảnh nạt ngang, nói chuyện cộc cằn. Ngày qua ngày, khiến tim chị chai sạn…”

Chị kể: “Vài lần anh say, anh đánh chị. Thằng bé hơn 2 tuổi hoảng sợ chứng kiến cảnh ba đánh mẹ. Con khóc, sợ cả ba”.

Chị suy nghĩ rất kỹ, mới quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này khi chưa tròn 3 năm. Chị có công việc ổn định, tự tin mình chủ động, xây dựng cuộc sống mới. Mẹ con an vui bên nhau mà không có người chồng, người cha bên cạnh.

Cuộc sống tất bật hiện nay khiến khá nhiều người lại tập trung cho công việc mà ít thời gian dành cho gia đình. Thậm chí, có những món đồ công nghệ, mạng xã hội làm “kẻ cắp thời gian” khiến các cặp vợ chồng lạnh nhạt hơn, chỉ lo tìm vui trong thế giới ảo.

Họ có thể dành thời gian vui với điện thoại, chát chít với bạn ảo mà không thể cùng trò chuyện, tìm tiếng nói chung. Chính công việc và những cám dỗ đó kéo vợ chồng tách xa nhau. Tổ ấm trở thành tổ lạnh dẫn đến tư tưởng “ông ăn chả, bà ăn nem”.

Làm sao để quản lý tiền bạc chung? Mâu thuẫn bên nội, bên ngoại, làm sao dung hòa? Chuyện nuôi dạy con cái bất đồng… Đấy cũng là những vấn đề khiến hôn nhân đi vào ngõ cụt, nhất là khi các cặp vợ chồng thiếu kỹ năng sống chung, hòa hợp.

Con cái ảnh hưởng như thế nào khi cha mẹ ly hôn?

Theo ông Lê Thanh Tuấn- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, 2 nguyên nhân chủ yếu khiến đa số những cặp vợ chồng trẻ quyết định ly hôn là do bất đồng quan điểm sống và ngoại tình.

Họ thường sống vội, yêu vội, cưới vội mà không tìm hiểu nhau kỹ trước khi quyết định kết hôn. Do vậy, khi sống chung, họ lại “vỡ mộng” về nhau, về những tính cách khác biệt dẫn đến xung đột và thất vọng về nhau. Rồi những mối quan hệ nam nữ bất chính cũng dẫn đến ly hôn.

Bên cạnh đó, việc bạo hành, vấn đề về kinh tế cũng là nguyên nhân đẩy hôn nhân đi đến bờ vực thẳm.

Dễ dàng đến với nhau rồi cũng dễ dàng chia tay, nhưng mất mát lớn nhất của những người bước ra cuộc hôn nhân không trọn vẹn này không phải là vợ chồng mà là con trẻ.

Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình thiếu cha hoặc mẹ sẽ rất thiệt thòi trong việc được chăm sóc, nuôi dạy và phát triển tâm sinh lý như những trẻ khác. Những đứa con đó có thể trở thành đối tượng khi ba mẹ tranh chấp quyền nuôi con.

Các em sẽ thấy mặc cảm và có sự phát triển không bình thường về mặt tâm lý, dễ sa sút trong học tập, tình cảm sau này. Đáng lo ngại hơn, một số trẻ không được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, thậm chí bất cần. Các em dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo...

Việc ly hôn là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng, nhưng việc nuôi dạy con cái thì vẫn phải có sự phối hợp của 2 người. Khi con cái chứng kiến cha mẹ ly hôn trong sự thân thiện, ít tranh cãi và vẫn cảm nhận được tình thương từ cha mẹ thì sẽ hạn chế phần nào sự ảnh hưởng này.

Để có giải pháp tốt nhất làm giảm bớt thực trạng ly hôn trong giới trẻ, ông Lê Thanh Tuấn cho rằng, khi quyết định kết hôn thì bạn trẻ phải tìm hiểu cho thật kỹ, phải suy nghĩ về gia đình thực sự và ý thức được những khó khăn trong đời sống vợ chồng.

Vợ chồng phải chung thủy và luôn nghĩ đến tương lai con trẻ. Các cặp đôi phải tôn trọng nhau để biết hy sinh, biết lắng nghe cùng giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân dễ dàng hơn.

Nếu chưa tìm được tiếng nói chung thì các bạn nên mạnh dạn tìm người thân, đồng nghiệp, bạn bè hay chuyên gia tư vấn để tìm lời khuyên bổ ích, làm dịu đi mâu thuẫn. “Đừng để trong lòng, đừng nghĩ mình đúng bởi lúc đó cái tôi lấn át, để mâu thuẫn gia đình không được giải quyết sẽ dễ dẫn đến ly hôn”- ông Lê Thanh Tuấn chia sẻ

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải:

 

Nếu như 100 người đàn ông, 100 người phụ nữ có 100 khiếm khuyết, thiếu sót khác nhau thì ta chọn việc chung sống với khuyết điểm mà bạn đã quen, hay là bạn phá nó đi để làm lại, làm quen những khuyết điểm mới. Sự bình tĩnh cần thiết, suy xét khoảng thời gian bên nhau cũng đủ để người ta nhìn lại cái tốt của nhau, nghĩ về quyền lợi con trẻ để giảm bớt cái tôi, cái nóng nảy dẫn đến quyết định sai lầm.

 

Bài, ảnh: MAI ANH