Soi mình vào gương Bác qua từng câu chuyện kể

Cập nhật, 14:21, Thứ Ba, 07/11/2017 (GMT+7)

 

Trong giảng dạy, cô Hương luôn chắt lọc lồng ghép tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vào bài học để học sinh dễ tiếp thu.
Trong giảng dạy, cô Hương luôn chắt lọc lồng ghép tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vào bài học để học sinh dễ tiếp thu.

Qua những câu chuyện kể về Bác Hồ, thầy trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn những nội dung phù hợp để áp dụng vào trong giảng dạy, học tập và cả đời sống hàng ngày.

Nhờ việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ được rèn luyện thường xuyên mà đã có sự chuyển biến tích cực trong mỗi cán bộ, giáo viên (GV) và học sinh (HS).

Qua từng câu chuyện kể

Đến Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vào giờ chào cờ đầu tuần, thật thú vị khi trường lồng ghép thi kể chuyện về “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là một trong những hoạt động đầy ý nghĩa nhằm tuyên truyền sâu rộng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ấn tượng nhất là khi nghe em Lê Ngọc Hân (lớp 11/1) kể về mẩu chuyện “Đôi dép cao su của Bác Hồ”.

Nhiều người đã bị cuốn hút trước sự tự tin, đỉnh đạt cùng chất giọng trầm ấm của em. Điều này đã giúp Hân đạt giải nhất, nhưng đáng quý hơn là qua câu chuyện đã lắng đọng lại trong suy nghĩ mỗi người đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác cùng những vần thơ “Đôi dép cao su/ Đôi dép Bác Hồ/ Bác đi khắp nẻo quê nhà/ Bác ơi!”.

Từ bài học quý này, Hân cũng như nhiều bạn khác trong lớp đều đã biết tiết kiệm hơn, như: “Quần áo, giày dép nếu còn dùng được thì tụi em không mua mới. Khi rời khỏi lớp thì tắt điện, máy quạt và khóa vòi nước khi không sử dụng. Đây là việc thiết thực mà chúng em có thể làm. Tiết kiệm từ những việc nhỏ thì mới làm nên việc lớn”- Hân chia sẻ.

Với chất giọng “đặc sệt” theo lối kể chuyện, em Võ Hồng Thy đã thu hút mọi người theo dõi suốt câu chuyện “Chú ngã có đau không?” Qua đó, mọi người rút ra bài học về tình yêu thương của Bác dành cho mọi người và tính cẩn thận trong mọi việc.

Là lớp trưởng Lớp 11 Anh văn 1, em luôn vận động các bạn cùng nhau giúp đỡ bạn bè, để dành tập sách giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Trong học tập thì chăm chú nghe thầy cô giảng dạy, làm bài tập cẩn thận.

Chăm bồi nhân cách học sinh qua gương Bác

Thầy Dương Minh Tuấn- Bí thư Đoàn trường, GV môn Giáo dục công dân- cho biết: Mỗi năm cứ đến đợt thi, ai cũng muốn được nghe các em kể chuyện. Nhiều câu chuyện hay, có ý nghĩa được các em kể, mang tính giáo dục cao. Từ đó, đã giúp mọi người rút ra được nhiều bài học thiết thực, phù hợp với bản thân.

“Hân và Thy cũng là những nhân tố tích cực, năng động, có tinh thần đoàn kết, tập hợp đoàn viên tham gia tốt các phong trào do trường phát động. Trong học tập, các em luôn nỗ lực đạt thành tích cao và là học sinh giỏi vượt cấp lớp 11”- thầy Dương Minh Tuấn nhận định.

Cô Huỳnh Thị Mỹ Hương- GV môn Văn cho rằng: “Học và làm theo Bác là quá trình rèn luyện để thay đổi nhận thức- ý thức- hành động của mỗi người.

Do đó, trong giảng dạy, tôi luôn quan tâm chăm bồi nhân cách các em mà tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác chính là tấm gương sáng để hướng các em đến lối sống giản dị, trung thực, yêu thương mọi người”.

Việc giáo dục, rèn luyện HS noi gương Bác được cô Hương và nhiều GV khác thực hiện mọi lúc, mọi nơi thông qua các tiết dạy, những buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa... để đi sâu vào tiềm thức các em.

Thầy Dương Minh Tuấn cũng đã lồng ghép việc giáo dục đạo đức các em thông qua những bài học về đạo đức của Bác và khi dạy về các chủ trương chính sách, thầy cũng tìm những nội dung phù hợp mà khéo léo lồng ghép về tư tưởng của Bác.

Thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ trường- cho biết: Việc học tập và làm theo Bác đã từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự giác và tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, GV, HS.

Về phía nhà trường, luôn động viên GV tự học, tự bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy giai đoạn hiện nay, nhất là sưu tầm tài liệu phục vụ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Đối với HS, điều quan trọng là làm công tác tư tưởng, đánh thức đam mê của các em, tạo điều kiện tốt nhất để các em vượt qua thử thách, đạt thành tích cao trong học tập cũng rèn luyện nhân cách để các em trở thành người hữu ích.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển (1992- 2017), Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày một khẳng định vị thế, trở thành nơi được lựa chọn hàng đầu cho HS sau THCS trong tỉnh.

 

Trường được tặng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2012, được công nhận trường chuẩn quốc gia lần 2 năm 2016. Năm học 2016- 2017, trường có 99,4% học sinh khá giỏi, có 9 HS giỏi cấp quốc gia, thi nghiên cứu khoa học- kỹ thuật cấp toàn quốc đạt 3 giải đặc biệt.


  • Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI