Góp sức xóa nỗi đau di chứng chiến tranh

Cập nhật, 11:50, Thứ Ba, 07/11/2017 (GMT+7)

 

Nhờ được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với bệnh binh nên cuộc sống của chú Cắc (thứ 4, từ phải sang) bớt khó khăn hơn.
Nhờ được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với bệnh binh nên cuộc sống của chú Cắc (thứ 4, từ phải sang) bớt khó khăn hơn.

Chiến tranh đi qua, người lính lại quay về với cuộc sống đời thường, nhưng cũng theo đó, những di chứng nặng nề ngày đêm hành hạ cơ thể. Vì thế, giải quyết chế độ chính sách với bệnh binh luôn được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm.

Đây cũng là nghĩa cử và trách nhiệm lớn đối với những người đã hy sinh một phần thân thể, sức khỏe và tuổi thanh xuân của mình để phụng sự cho Tổ quốc; đặc biệt là những quân nhân đã phục viên hoặc xuất ngũ bị bệnh nặng dẫn đến tâm thần.

 

Mắc tâm thần sau khi xuất ngũ, phục viên

Tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ giúp nước bạn Campuchia chống lại bọn diệt chủng Pol Pot, đến năm 1985, chú Huỳnh Văn Cắc (ấp Tích Khánh, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) xuất ngũ trở về địa phương.

Chí thú làm ăn mong phát triển kinh tế gia đình nhưng căn bệnh sốt rét rừng thường xuyên hành hạ nên sức khỏe của chú Cắc ngày càng yếu. Kinh tế cũng không mấy khá giả, vợ con bỏ đi nên mọi sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày đều do người thân hỗ trợ “được chút nào hay chút đó”.

Cùng hoàn cảnh như chú Cắc, sau 4 năm tham gia chiến trường Campuchia, phục viên không bao lâu thì chú Trần Văn Khích (ấp Đục Dông, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) phát bệnh tâm thần. 40 năm qua, vợ chú- cô Trần Thị Thủy- một mình quán xuyến việc gia đình.

Thăm, tặng quà gia đình bệnh binh Trần Văn Khích.
Thăm, tặng quà gia đình bệnh binh Trần Văn Khích.

“Lo sợ nhất là những khi bệnh tái phát thì ông nhà tui lại đập phá đồ đạc, có khi còn đánh cả vợ con. Có những lúc quẫn trí quá muốn bỏ đi nhưng nghĩ lại càng thương ổng hơn nên cố gắng chịu đựng”- cô Thủy tâm sự.

Từ khi được giám định bệnh binh và hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ bị bệnh nặng dẫn đến tâm thần, cuộc sống của gia đình chú Khích cũng vơi bớt khó khăn.

Còn trường hợp của chú Cắc thì do bệnh nặng, lại đơn chiếc nên việc lo hồ sơ, thủ tục để hưởng chế độ bệnh binh đều do anh ruột là chú Huỳnh Văn Hoàng lo toan. Chú Hoàng cho biết, khi hay tin Nhà nước ban hành quy định chế độ chính sách đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ mắc bệnh tâm thần, liền nhanh chóng bổ sung hồ sơ.

“Nhờ các ban ngành ở xã, huyện rồi tỉnh hướng dẫn tận tình nên thủ tục làm nhanh lắm. Mỗi tháng, em tui hưởng trợ cấp 2.184.000đ. Nhờ vậy nên bớt một phần gánh nặng”- chú Hoàng nói.

Kịp thời giải quyết chính sách với bệnh binh

Là một trong những tỉnh đầu tiên của Quân khu 9 thực hiện tốt chính sách đối với quân nhân xuất ngũ hoặc phục viên bị bệnh nặng dẫn đến tâm thần, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, bằng cả tấm lòng tri ân và tinh thần trách nhiệm
cao nhất.

Sau khi có Nghị định 31 của Chính phủ, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự đã tổ chức phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, cùng các địa phương tổ chức rà soát, lập hồ sơ, giám định sức khỏe và giải quyết chính sách cho các quân nhân.

Trung tá Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Ban Chính sách (Phòng Chính trị- Bộ Chỉ huy Quân sự)- cho biết: Việc tổ chức thẩm định, giám định thương tật đối với những bệnh binh này là vô cùng khó khăn.

Phải có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền, ngay cả người thân trong gia đình thường xuyên khuyên nhủ, thuyết phục thì họ mới chịu đến bệnh viện giám định bệnh trạng. Đối với những trường hợp bệnh nặng, sẽ phối hợp với Bệnh viên Quân y 175 đến tận nhà khám thì mới kịp thời giải quyết chính sách được.

Theo Đại tá Phạm Văn Bé Tư- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, đã chỉ đạo Phòng Chính trị và Ban Chính sách kết hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục rà soát lại để đảm bảo cho anh em được hưởng các chế độ phụ cấp hàng tháng theo quy định.

Hàng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà, giải quyết kịp thời khó khăn, giúp quân nhân an tâm sống và lao động.

Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng vũ trang, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh một phần thân thể, sức khỏe của mình trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, tỉnh đã giải quyết cho 40 trường hợp quân nhân xuất ngũ hoặc phục viên bệnh nặng dẫn đến tâm thần, trong đó 7 trường hợp có tỷ lệ thương tật trên 81%, 33 trường hợp có tỷ lệ thương tật 65%. Căn cứ vào tỷ lệ thương tật để giải quyết chế độ chính sách phù hợp. Theo đó, người nhận trợ cấp hàng tháng cao nhất là 4.994.000đ, thấp nhất là 2.184.000đ. Ngoài ra, những trường hợp này còn được hưởng chế độ BHYT và mai táng phí.


Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TRẦN ĐƯỢC