Đừng tạo áp lực trong học tập cho con!

Cập nhật, 14:27, Thứ Sáu, 13/10/2017 (GMT+7)

Áp lực học hành, thi cử hay điểm số là điều mà cả học sinh hay phụ huynh đều không muốn. Song, biết vậy nhưng rồi ai cũng lại gồng mình trong vòng vây học tập của xã hội hiện đại.

Mong sao mỗi khi đến trường, các em đều có niềm vui trong học tập.
Mong sao mỗi khi đến trường, các em đều có niềm vui trong học tập.

Tôi thử tìm kiếm từ khóa “tự tử vì điểm kém” trên Google thì thấy có đến hơn 3 triệu kết quả, chỉ trong vòng 0.47 giây.

Khi áp lực đặt trên vai con trẻ thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường đến sức khỏe, tâm sinh lý và tinh thần của các em, nghiêm trọng có thể dẫn đến tự tử.

Giữa tháng 9 vừa qua, một học sinh lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh bị điểm 3 môn tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm.

Môn học mà em giỏi và tự tin nhất. Sau đó em bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, ba mẹ nghỉ việc ở nhà để trò chuyện, giải tỏa... nhưng cuối cùng em đã nhảy từ chung cư xuống đất và tử vong.

Nhiều ba mẹ cho rằng học để chuẩn bị cho tương lai, có học tốt thì mới thi vào một trường tốt và có một cuộc sống tốt về sau.

Đây cũng chính là lý do chủ yếu để phụ huynh đẩy con mình vào “vòng xoáy” học hành. Ba mẹ đã trao cho điểm số cái quyền lực quá lớn.

Từ khi con trẻ đi học, câu mà phụ huynh hay hỏi khi đón con là: “Hôm nay con được mấy điểm” thay vì hỏi “hôm nay con học được những gì?”

Một phụ huynh tâm sự: “Hồi tôi còn nhỏ, hễ đạt 8, 9, 10 điểm thì thôi; chứ rớt xuống 7 điểm là no đòn; rồi bị la rầy học dốt sẽ bị chăn bò, lượm ve chai nên lúc nào cũng căng sức học, học, học. Mà nhờ vậy mới có việc làm ổn định. Giờ có con, dù thấy tụi nhỏ học nhiều cũng tội nghiệp đó nhưng ai cũng học, con mình không học sẽ không theo kịp bạn bè”.

Em T.M.Đ. (lớp 7, Trường THCS Lê Quí Đôn) cho biết: “Điểm thấp nhất của con là 7,5 điểm môn Toán đó. Con buồn lắm luôn. Mà mỗi lần không được 9, 10 điểm thì ba mẹ cũng không vui, la con, hổng thèm nói chuyện với con”.

Đa số học sinh ngoài thời gian đến lớp, lại tất tả học thêm. Và, không thật khó khi thấy những hình ảnh học sinh từ bậc tiểu học đến trung học còn trong bộ đồng phục, trong tà áo dài mặt phờ phạc vì mệt mỏi tranh thủ ăn vội ổ bánh mì, tô hủ tiếu để nạp năng lượng tiếp tục vô lớp học thêm.

Có em chưa kịp ăn trưa hay ăn lót dạ buổi chiều thì đã đến lớp học. Rồi có phụ huynh đem cơm cho con ăn ngay tại trường sau giờ học để con… học thêm.

Các em không còn thời gian cho các hoạt động vui chơi mà mình thích; tập luyện môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Em L.H.K. (lớp 9) cho biết: “Hôm nào sớm nhất con về tới nhà cũng khoảng 8 giờ tối.

Vừa ăn cơm xong là ngồi vào bàn làm bài tập tới khuya mới xong. Sớm thì cũng phải 10 giờ mới đi ngủ. Đó là chưa kể tới mỗi kỳ thi thì lịch học lại dày thêm”.

Trong tà áo dài được vắt gọn như áo bà ba, em N.N.L.T. (lớp 12) tâm sự: “Học gần như cả ngày rồi, chiều em còn chạy sô học thêm Anh văn, Toán, Văn để chuẩn bị thi đại học nữa. Có bạn học Toán tới 2 thầy luôn. Về nhà, còn học bài, làm bài tập nữa. Học căng thẳng nên tụi em thường hay bị stress. Ba mẹ đâu có biết rằng tụi em đi học nguyên ngày rất mệt mỏi, cứ nhắc đi nhắc lại ráng học cho điểm cao, để vào ĐH”.

Ba mẹ nên tạo thời gian, điều kiện để trẻ em được chơi, vận động để phát triển tâm lý tốt như dạy con làm việc nhà, nấu ăn, học bơi, cho con đọc sách trang bị kỹ năng sống, đưa con đi làm công tác xã hội... Đây không phải là xem thường việc học của con mà để giảm áp lực học hành.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Phường 4- TP Vĩnh Long) không lo lắng khi ít thấy con gái học bài ở nhà, mà khi đi học về thì xem phim hoạt hình, phim tiếng Anh hoặc ngồi vẽ tranh. Gần 10 giờ tối là con đi ngủ tới 6 giờ sáng.

Song dù học vậy, con gái Bùi Nghi Dung của chị vẫn có kết quả học tốt, 12 năm liền là học sinh giỏi. Con gái thích vẽ, ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang nên con học cấp 2 là chị cho con học lớp vẽ.

Con học khá Anh văn và muốn thi vào chuyên Anh, chị cho con học thêm ở trung tâm để rèn kỹ năng nghe nói. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Nghi Dung đậu thủ khoa ngành Thiết kế thời trang, trong đó môn Tiếng Anh 10 điểm.

Nghi Dung chia sẻ: “Ba mẹ không gây áp lực cho em, chỉ động viên em học phải biết giữ gìn sức khỏe. Em học rất thoải mái, em hiểu bài tại lớp.Về nhà chỉ việc ôn lại, còn đi học thêm thì em chỉ học tiếng Anh, Toán và vẽ là do em muốn học thôi”.

Không phải đứa trẻ nào khi sinh ra cũng có khả năng đáp ứng được những mong mỏi học hành giỏi giang của ba mẹ. Đừng vì áp lực điểm số mà gây căng thẳng cho con. Hãy tạo tâm lý thoải mái để con có hứng thú học tập thay vì để các con xem học tập là một công việc nặng nề! Ba mẹ hãy cho con được sống thoải mái với khả năng của chính mình!

Các nhà tâm lý học đánh giá, áp lực học hành được đặt lên vai các em học sinh ngay từ lớp 1, lớp 2. Nhưng ở độ tuổi này, các em chưa thể nhận thức được sự cần thiết của việc giải tỏa áp lực (stress). 

 

Theo thời gian, nó sẽ tích tụ dần dẫn đến những thay đổi tâm lý khó lường trước. Nguyên nhân dẫn đến áp lực cho con trẻ không chỉ là do chương trình học đang quá tải; áp lực từ thầy cô là bài vở trên lớp mà các con phải hoàn thành và áp lực không kém phần quan trọng là từ gia đình. Nhiều ba mẹ kỳ vọng quá nhiều so với khả năng mà con mình có.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG