Để sinh sống, làm ăn chan hòa với thời tiết

Cập nhật, 15:26, Thứ Tư, 13/09/2017 (GMT+7)

Hàng chục ngôi nhà tốc mái sau trận mưa kèm theo giông lốc chiều 10/9 tại một số xã- thị trấn ở huyện Trà Ôn. Bên cạnh khắc phục sự cố này, ngành chức năng và chính quyền các cấp đang triển khai kế hoạch chằng chống nhà cửa, gia cố lại đê kè, đắp đập phòng các yếu tố bất lợi khi mùa nước nổi và mưa bão.

 

Một đoạn sạt lở trên kinh Xáng bên bờ thuộc ấp An Thành (xã Lục Sĩ Thành) đã được kè gia cố.
Một đoạn sạt lở trên kinh Xáng bên bờ thuộc ấp An Thành (xã Lục Sĩ Thành) đã được kè gia cố.

Thiên tai phức tạp

Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn, theo thống kê ban đầu, sự cố giông lốc chiều 10/9 đã làm tốc mái hơn 60 căn nhà.

Trong đó thị trấn Trà Ôn khoảng 36 căn, xã Phú Thành 19 căn, còn lại ở Lục Sĩ Thành, Thiện Mỹ. Hầu hết nhà tốc mái thiệt hại từ 30- 70%, số ít căn sập hoàn toàn. Hiện ngành chức năng tỉnh và huyện tiếp tục khảo sát đánh giá thiệt hại và khắc phục.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành Hồ Nhật Thế cho biết: Ngoài nhà tốc mái đến giờ đã cơ bản khắc phục xong, xã cũng có hoa màu, cây ăn trái của bà con bị thiệt hại, chủ yếu trong đó là chuối nhưng hiện chưa thống kê hết.

Tương tự, Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành Trương Văn Chính cũng nói đã huy động khắc phục tại chỗ 3 căn (1 căn tốc mái, 2 căn bị ảnh hưởng do cây đổ ngã). Và một số diện tích cây ăn trái, rẫy của bà con bị ảnh hưởng vẫn đang được thống kê.

Nói thêm về vụ việc, ông Nguyễn Văn Tám cho biết: mưa rồi xảy ra giông lốc bất ngờ, đi theo luồng đã gây sập nhà hoặc tốc mái, làm thiệt hại hoa màu, cây ăn trái của bà con. “Diễn biến mưa giông đang rất phức tạp”- ông nhận định.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2017, huyện Trà Ôn xảy ra 15 trường hợp nhà cửa bị ảnh hưởng: 4 nhà sập hoàn toàn, 11 nhà tốc mái (thiệt hại 20-100%).

Thiệt hại do sạt lở bờ sông do ảnh hưởng của sóng, gió, dòng chảy trong thời điểm nói trên tại huyện ghi nhận còn có: tuyến bờ bao Tân Dinh (xã Vĩnh Xuân), Rạch Chiết (xã Tích Thiện), tuyến kinh Vĩnh Thới (xã Thuận Thới), tuyến sông Hậu (xã Lục Sĩ Thành).

Do thiên tai và không lường trước được, chỉ trong trận mưa mới đó, hàng chục căn nhà và hoa màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Mới nhất, theo ông Nguyễn Văn Tám, huyện ghi nhận hàng trăm mét đất có dấu hiệu sạt lở, ngoạm vào đường đan 2 bên bờ kinh Xáng (ấp Kinh Ngây, ấp An Thành, xã Lục Sĩ Thành) và đoạn tương tự trên tuyến sông Măng Thít thuộc địa bàn xã Tân Mỹ.

Nay một phần đã được ngành chức năng và địa phương kè đá khắc phục. Nhưng đây là công trình do cấp trên quản lý nên huyện đề xuất xin chủ trương và kinh phí để tiếp tục xử lý.

Để sống chan hòa với thời tiết?

Theo kế hoạch thực hiện công tác chằng chống nhà, đề phòng giông lốc xoáy trên địa bàn huyện Trà Ôn năm nay, ông Nguyễn Văn Tám cho biết: Theo rà soát mới nhất, toàn huyện có 819 hộ dân cần chằng chống nhà cửa, phòng giông lốc mùa mưa này.

Mỗi hộ sẽ được cấp 5kg kẽm để triển khai. Đến hiện tại, Phòng Nông nghiệp- PTNT đã chuyển vật liệu này đến các xã- thị trấn và chuyển tiếp đến người dân.

Hiện ít nhất 2 tuyến kinh nhỏ giao với kinh Xáng đoạn qua 2 ấp Kinh Ngây và ấp An Thành ở Lục Sĩ Thành đang bắt đầu triển khai đắp đập, đặt cống ngầm. Ông Trương Văn Chính cho biết, các công trình này sẽ giúp ngăn mặn, trữ ngọt và hòa vào tuyến đê bao toàn xã hiện nay, bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu của bà con vào mùa mưa lũ.

Tại Phú Thành, ông Hồ Nhật Thế nói xã tập trung các giải pháp để ứng phó với bất lợi thời tiết. Trong đó tập trung nâng cấp đê bao, chằng chống nhà cửa, vận động người dân rong mé cây tránh ảnh hưởng tuyến giao thông và đường điện... nhằm bảo vệ hoa màu cây ăn trái, nhà cửa, tính mạng và tài sản người dân.

Trò chuyện với ông Lê Văn Chiến- Trưởng ấp Kinh Ngây hôm 11/9 (21/7 âl), ông nói tới rằm tháng 8 này, tổ Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn ở ấp Kinh Ngây sẽ “xắn tay vào trực”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn Nguyễn Văn Tám cho biết tổ này là mô hình điểm để cùng chính quyền, bà con nắm thực tế, ứng phó với mưa bão, lũ lụt, hạn, xâm nhập mặn.

Còn theo ông Lê Văn Chiến, tổ chia làm 2 tổ nhỏ (4- 5 người mỗi tổ), do ông và Bí thư ấp- Bùi Văn Sủng đảm nhận. “Kết hợp với ông “trưởng cồn”, tổ tụi tui đến mùa thường sẽ ứng trực tầm 6 con nước (tức từ rằm tháng 8 âl đến cuối tháng 10 âl) để cùng bà con bảo vệ hoa màu cây trái, nhà cửa ở địa bàn”- ông Lê Văn Chiến cho biết.

Trà Ôn sông nước vây quanh, có sông Hậu và sông Măng Thít đi qua. Lại có cù lao, cồn bãi nên các yếu tố bất lợi mùa mưa bão, nước nổi, xâm nhập mặn,... có thể ảnh hưởng bất cứ lúc nào.

Từ thực tế có thể nói, ngoài các giải pháp, biện pháp mang tính chủ trương của Nhà nước và các cấp chính quyền thì chính bàn tay, ý thức người dân sẽ tạo lập nên sự chan hòa trong sinh sống, sản xuất với yếu tố bất thường, khắc nghiệt của thời tiết.

 

Từ thực tế phức tạp trong mùa mưa bão, giông lốc, nước nổi, hạn mặn,... có thể nói, ngoài các giải pháp, biện pháp mang tính chủ trương của Nhà nước và các cấp chính quyền thì chính bàn tay, ý thức người dân sẽ tạo lập nên sự chan hòa trong sinh sống, sản xuất với yếu tố bất thường, khắc nghiệt của thời tiết.

Bài, ảnh: MINH THÁI