Chuyện về "ông Ba cầu đường"

Cập nhật, 10:21, Thứ Ba, 26/09/2017 (GMT+7)

Dù đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Trần Văn Tỏ (Ba Tỏ)- Chi hội trưởng Chữ thập đỏ, Chi hội trưởng Khuyến học ấp Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) vẫn hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp, nhiệt tình làm công tác từ thiện. Ông được mọi người gọi với cái tên thân thương là “ông Ba cầu đường”. 

Nhờ sự vận động hỗ trợ của ông Ba Tỏ mà gia đình chị Thúy được an cư.
Nhờ sự vận động hỗ trợ của ông Ba Tỏ mà gia đình chị Thúy được an cư.

“Không còn cầu để xây”

Qua cầu ngang Phước Định nối liền ấp Phước Định 1 và Phước Định 2, chúng tôi ghé nhà bà Trương Thị Kiểu.

Bà Kiểu cho biết: Hàng ngày, người dân qua lại cây cầu này rất đông, nhưng trước đây nó nhỏ xíu, bề ngang chỉ 8 tấc và rất thấp, không có lan can. Qua cầu mà “chỏi giò” trật là lật xuống sông liền, ghê lắm! Sau đó do bị ghe tải tông vào nên cầu bị hư nặng.

Trước tình cảnh trên, ông Ba Tỏ đã đứng ra vận động các doanh nghiệp, các hộ nuôi cá và người dân địa phương đóng góp theo kiểu “của ít lòng nhiều”, ai có bao nhiêu thì hỗ trợ bấy nhiêu.

Ông Ba Tỏ cho biết, rồi nhờ sự hỗ trợ, góp sức của nhiều người mà cây cầu này được xây mới chỉ tốn 33,5 triệu đồng.

Bà Kiểu kể, lúc đó nhiều hộ cho cá ăn không hết, còn gia đình bà thì lo nấu cơm, những người khác thì phụ khiêng vật tư, trộn hồ... mỗi người một việc góp sức xây cầu.

Mấy chục năm nay, ông Ba Tỏ vẫn đi vận động xây cầu, còn đường sá chỗ nào rách rưới thì “vá” lại hết. Bà Kiểu thấy ông Ba Tỏ làm nhiều việc có lợi cho dân nên “tui cho con trai mình theo ông làm từ thiện”.

Hôm chúng tôi đến, ông vừa mới xin hơn 100 bao xi măng để sửa đường đan. Trước đó, ông mới vừa sửa xong tuyến đường trong ấp nhờ vận động được người hỗ trợ tiền, người cho vật liệu, phụ giúp ngày công...

Khi chúng tôi hỏi trước giờ đã xây bao nhiêu công trình thì ông cười tươi: “Cầu, đường thì nhiều lắm, nhớ hổng nổi, cũng nhờ được nhiều người ủng hộ mới làm nên chuyện”.

Ông Trương Văn Hải- cán bộ Mặt trận ấp Phước Định 2- cho biết, hồi xưa ấp này cầu nhiều nên đi khá vất vả, cũng nhờ ông Ba Tỏ đứng ra vận động mà dân mình đỡ lắm.

Hiện, các cây cầu nhỏ bắc ngang rạch cũng đã được thay thế bằng tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn nên bà con an tâm sản xuất, khỏi lo chuyện nước nôi, đi lại cũng thoải mái hơn.

Theo ông Trần Minh Cảnh- Bí thư Đảng ủy xã, người dân thường gọi ông Ba Tỏ là “ông Ba cầu đường” vì có bao nhiêu cầu, đường bị hư, xuống cấp là ông đi vận động xây, sửa.

Đặc biệt là bắc cầu riết rồi… không còn cầu để bắc. Thấy người cao tuổi đau ốm, ông Ba Tỏ tự vác cả chục ký gạo trên vai đem cho. Nhiều người nói: Nhờ làm từ thiện nên trời phú cho ông sức khỏe tốt, con cháu ông cũng chăm ngoan, học giỏi. 

“Mình làm và cùng hưởng với bà con”

Là nông dân, quanh năm gắn bó với ruộng vườn nhưng thấy ở quê nhà đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt là từ trước giải phóng, xã nhà toàn cầu ván, cầu khỉ rất khó đi.

Thế là ông Ba Tỏ đi vận động bà con cùng đóng góp xây cầu cho “bự” và bê tông hóa các tuyến đường cho dễ đi.

Còn chuyện làm nông, tưới tiêu thì “khỏi phải lo” vì cống bộng hư hao thì ông xin về thay sửa. Thấy hộ nào khó khăn thì ông Ba Tỏ vận động cho gạo, tặng tập vở cho học sinh nghèo đến trường.

Còn ai ở nhà cửa tạm bợ thì ông vận động hỗ trợ cất mới để giúp họ an cư. Người nghèo khi nhắm mắt lìa đời cũng được ông lo cho cái hòm tươm tất.

Chị Trần Thị Ngọc Thúy (ấp Phước Định 2) tiếp chúng tôi với nụ cười thật tươi và cho biết, căn nhà này là niềm mơ ước bấy lâu của gia đình chị.

Trước đây, vợ chồng chị sống trong căn chòi nhỏ xíu, xập xệ, trời mưa thì dột nát. Biết hoàn cảnh chị, ông Ba Tỏ đã động viên mẹ chồng chị cho vợ chồng chị cái nền nhà.

Nhờ vậy, vợ chồng chị được an cư trong căn nhà đạt chuẩn “3 cứng” hơn 50m2, trị giá 50 triệu đồng. Trong đó, ông Ba Tỏ vận động 30 triệu đồng, còn lại do gia đình đôi bên đóng góp, giúp công xây.

Giờ có nhà mới ở, chồng chị Thúy an tâm đi làm hồ, còn chị nhận sửa quần áo và lo cho 2 con ăn học. “Dân ở đây ai cũng rành ông Ba Tỏ vì ông rất tốt bụng, giúp dân rất nhiều.

Cũng nhờ có “tiếng nói” của ông Ba Tỏ mà vợ chồng tui mới có nhà để ở, mừng không kể xiết”- chị Thúy nói.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Phước Trần Minh Cảnh cho biết, trong cất nhà đại đoàn kết cho người nghèo, khi địa phương vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ 24 triệu đồng, thì ông Ba Tỏ tiếp tục đứng ra phụ công và đi vận động thêm. Nhờ vậy mà nhiều hộ được an cư trong căn nhà tốt hơn.

Còn ông Ba Tỏ thì cười tươi: “Việc gì làm được thì tui cứ làm, tuổi già thì mình lo theo già, cái gì giúp được cho dân mình thì giúp. Mình làm mình hưởng, mình cùng hưởng với bà con”.

Ông Ba Tỏ được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” cùng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND và các cấp hội vì có thành tích đóng góp cho các phong trào an sinh tại địa phương.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI