Chuyện học hành của trẻ em Khmer ở Phù Ly

Cập nhật, 05:31, Thứ Tư, 06/09/2017 (GMT+7)

Khi nhắc đến chuyện giáo dục của địa phương, Bí thư ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh) Thạch Valey đon đả kể một loạt những gia đình có con cái học hành đến nơi đến chốn. Ý thức được việc học là đích đến của một tương lai tốt đẹp hơn, đồng bào dân tộc Khmer ngày càng quan tâm đến giáo dục, chẳng ngại khó khăn lo cho thế hệ tương lai được làm chủ tri thức.

Ông Sơn Lành (phải) cùng ông Valey bàn bạc công tác chuẩn bị Đại hội Chi hội Cựu chiến binh ấp Phù Ly 1.
Ông Sơn Lành (phải) cùng ông Valey bàn bạc công tác chuẩn bị Đại hội Chi hội Cựu chiến binh ấp Phù Ly 1.

Vượt khó cho con được đến trường

Chúng tôi trễ hẹn cùng ông Valey đến thăm bà con trong ấp Phù Ly vì… đường không thể đi. Con đường nhỏ dẫn vào nhà ông vừa được mở rộng và còn đen bóng, ngai ngái mùi nhựa mới.

Khi đánh một vòng xa tìm được nhà, chúng tôi lại có thêm một điều ngạc nhiên vì mảnh đất đối diện nhà ông mọc lên một tòa nhà cao lớn. Ông tự hào khoe: “Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của xã tui đang xây dựng đó”.

Khi đến nhà ông Valey, cũng vừa gặp ông Sơn Lành (54 tuổi)- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Phù Ly 1- được giới thiệu đây cũng là gia đình hiếu học của địa phương. Ông Sơn Lành từng đi chiến trường K năm 1987, trở về năm 1989.

Ông có con lớn: Sơn Thị Thúy An (27 tuổi) tốt nghiệp CĐ Sư phạm tiểu học đang dạy ở Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, con út Sơn Thị Đa Qui học ngành dược ở ĐH Tây Đô.

Lập gia đình chỉ có 5 công đất, sau thời gian cùng vợ phấn đấu, làm thêm nghề cho thuê bàn ghế, nay vợ chồng ông sang được 19 công ruộng, 3 công vườn trồng bưởi Năm Roi.

Chỉ buồn là khi các con cũng đã học hành đến nơi đến chốn, ruộng vườn cũng bề bề, đã có thể an tâm vui hưởng cuộc sống thì vợ ông Sơn Lành bị bệnh và mất hơn năm nay.

Men theo con đường đan quanh co, ông Valey cùng chúng tôi đến thăm gia đình ông Thạch Phô Thanh (65 tuổi). 40 năm trước, ông Phô Thanh rời quê hương Trà Vinh đến Phù Ly lập nghiệp, lấy vợ sinh con và gắn bó luôn với mảnh đất này.

Hồi ở tuổi 30, nhà ông còn nằm chênh vênh giữa ruộng và gia đình chỉ có 3 công đất. Tuy nhiên, khi các con của ông được học hành, có việc làm ổn định thì ông đã dành dụm mua thêm 2 công vườn, 4 công đất và xây dựng một căn nhà khang trang trên con đường giao thông thuận tiện.

Ông có 4 cô con gái: Thạch Val Đi (36 tuổi), Thạch Val Đươl (34 tuổi), Thạch Val Ni Ka (32 tuổi) đều dạy ở trường mầm non (2 người dạy ở Trường Mầm non Hoa Sen, 1 người dạy ở Trường Mầm non Sen Hồng) và con gái út Thạch Val Đào học dược, tốt nghiệp thì về làm việc ở hiệu thuốc.

Từng làm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của ấp Phù Ly 2 và có nhiều năm công tác ở Hội Khuyến học xã, ông Phô Thanh cho biết: “Theo thời gian, nhận thức của đồng bào đã có sự thay đổi. Nhiều gia đình chăm lo cho con học đến ĐH.

Đó cũng một phần nhờ sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước. Gia đình nào quá khó khăn thì con cái cũng được đi học bổ túc”.

Mê học dù nhà nghèo

Ông Sơn Bé (trái) trò chuyện cùng phóng viên chuyện học hành của các con mình.
Ông Sơn Bé (trái) trò chuyện cùng phóng viên chuyện học hành của các con mình.

Câu chuyện học hành dẫn dắt chúng tôi đến thăm nhà ông Sơn Bé (59 tuổi), có thể gọi đây là một gia đình hiếu học và trí thức “toàn diện”, vì có 4 người con được học hành cao và thành đạt. Nhà có 5 đảng viên, đang góp tri thức cống hiến xây dựng quê hương.

Con trai lớn Sơn Hoàng Duy, vợ là giáo viên dạy Trường THPT TX Bình Minh. Đứa con trai thứ 2, Sơn Quốc Minh công tác ở Trạm Y tế xã Thuận An. Con kế Sơn Quốc Ánh là kỹ sư xây dựng và con gái Út dạy ở trường mầm non.

Nói về nguyên nhân kiên trì cho 4 người con được đến trường trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn đến không có cái ghế ngồi, ông Bé cười tươi cho biết: “Hồi nhỏ, thấy người ta ăn mặc chỉnh tề đi làm việc, tui mê lắm.

Người ta nói đồng bào dân tộc còn nghèo thì học làm gì, tui thì không nghĩ vậy. Làm gì cũng phải cho nó học văn hóa mới được, có học hành đỡ lắm. Ngày xưa, tui học hết lớp 9, còn bà nhà học tới lớp 11 đó”.

Ông Bé kể: “Nhà toàn nông dân nghèo nhưng lại mê học. Nhờ mình có văn hóa nên rất được xem trọng. Năm 1983, tui vừa làm kế toán tập đoàn vừa làm phó ban công an ấp rồi tổ tự quản”.

Vợ chồng đồng lòng cho con đi học nên bằng mọi cách phải xoay xở, trồng trọt, chăn nuôi, được bao nhiêu tiền gom hết bấy nhiêu dúi cho con, nhất là con cả Sơn Hoàng Duy học ĐH ở TP Hồ Chí Minh đến 5 năm.

Ông Bé bồi hồi nhớ lại: “Lúc con ra trường, không có quần áo chỉn chu mà mặc, tốt nghiệp về công tác ở UBND xã Đông Bình hơn 4 năm, rồi phấn đấu đến khi làm Phó Chủ tịch xã phụ trách nông nghiệp, giờ đang là Trưởng Phòng Dân tộc TX Bình Minh”.

Xác định đúng hướng cho con cái đi học, có cái nghề, hiện tại khi cuộc sống của 4 người con đã ổn định, vợ chồng ông cùng chăm sóc đứa cháu nội kháu khỉnh, lo cho khu vườn trồng 250 gốc bưởi Năm Roi xen dừa, 5 công đất ruộng thì cho mướn 1 năm 20 giạ lúa.

Về thăm phum sóc ở Bình Minh giờ đây có rất nhiều chuyện vui, từ đường sá ngày càng mở rộng đến nhà cửa khang trang.

Niềm vui lớn hơn khi mà chính quyền địa phương đã tạo nhiều việc làm cho bà con đồng bào Khmer; đặc biệt là nhận thức về chuyện học hành, lo cho tương lai của con em ngày càng được quan tâm hơn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY