Hãy yêu thương và bảo vệ cơ thể con!

Cập nhật, 05:16, Thứ Năm, 31/08/2017 (GMT+7)

Đó là chủ đề của sự kiện truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức tại Trường Tiểu học Tân Quới A (xã Tân Quới- Bình Tân).

Ngoài những kiến thức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm XHTDTE, các tiểu phẩm kịch tương tác của học sinh và phụ huynh về các tình huống giả định; các phụ huynh, học sinh còn được tương tác hỏi, đáp về các tình huống thực tế, thật sự đã mang đến một không khí thoải mái, sôi nổi, hữu ích.

Các diễn giả tương tác hỏi- đáp với phụ huynh, học sinh tại buổi truyền thông.
Các diễn giả tương tác hỏi- đáp với phụ huynh, học sinh tại buổi truyền thông.

Tuyên truyền kiến thức về XHTDTE

Hơn 200 thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh đã có dịp ngồi nghe các diễn giả, cán bộ Hội LHPN Trung ương tuyên truyền, thuyết trình các nội dung về phòng, chống XHTDTE để trang bị kiến thức, kỹ năng giúp phụ huynh và trẻ em nhận diện các loại tội phạm xâm hại trẻ em, các cách xử lý khi gặp phải loại hình tội phạm này.

Buổi truyền thông gồm phần tuyên truyền nội dung phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (dấu hiệu nhận biết, pháp luật liên quan, các biện pháp can thiệp…);

phần tương tác với phụ huynh và học sinh về các tình huống thực tế (hỏi- đáp của luật sư hoặc đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh); phần trình diễn tiểu phẩm kịch tương tác của học sinh và phụ huynh về các tình huống giả định.

Với thông điệp “Hãy yêu thương và bảo vệ cơ thể con”, Hội LHPN Việt Nam mong muốn tất cả các bậc cha mẹ hãy quan tâm, yêu thương và bảo vệ cơ thể của các em đúng cách.

Cha mẹ cần có kiến thức đúng đắn để chăm sóc cơ thể các em về mặt thể chất, giáo dục cho các em ý thức phòng vệ về mặt tinh thần, giúp các em tôn trọng, bảo vệ cơ thể của mình.

Đối với nhà trường, cần có các giáo dục giới tính, giải đáp những thắc mắc, tò mò của tuổi mới lớn, giúp các em có môi trường lành mạnh, trong sáng, an toàn để phát triển.

Đối với cơ quan truyền thông và lực lượng công an, cần chung tay góp sức trong việc tuyên truyền, phát hiện và xử lý nghiêm minh vấn nạn XHTDTE.

Bà Nguyễn Thị Tuyết- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam- cho biết: XHTDTE để lại hậu quả khó lường cho bản thân trẻ, gia đình, cộng đồng. Đối với trẻ em, việc này gây ra tổn thương về thể chất, tinh thần nghiêm trọng, lâu dài, khó lành, các em có thể trở thành người bị đổ lỗi, có thể bị cộng đồng xa lánh.

Đối với gia đình và xã hội XHTDTE gây ra sự sợ hãi, mất lòng tin, gia tăng các tệ nạn xã hội, hủy hoại văn hóa truyền thống, vì vậy cả cộng đồng xã hội hãy cùng chung tay kiên quyết xử lý nghiêm và bài trừ triệt để tệ nạn này.

Tương tác, hỏi- đáp những tình huống thực tế

Phần tương tác hỏi- đáp của phụ huynh, học sinh với các diễn giả của chương trình về những tình huống cụ thể trong thực tế đã giúp các em giải tỏa được những khúc mắc, nỗi hoang mang, lo sợ, đem đến bầu không khí thoải mái, gần gũi để chia sẻ.

Em Trần Nguyễn Tâm Như (lớp 5- Trường Tiểu học Tân Quới A) nói: “Con đi với cha tới đây. Trong lớp, cô chọn con hôm nay đến trường dự buổi truyền thông XHTDTE.

Trước đây con cũng có đọc báo và biết được chút ít. Hôm nay sau khi nghe mấy cô nói về việc này, con biết được nhiều hơn về sự nguy hiểm và những cách phòng tránh như không tiếp xúc với người lạ, không la cà hàng xóm, khi gặp nguy hiểm phải la lên, tìm cách thoát ra khỏi chỗ đó, chạy tới chỗ đông người và cầu cứu những người tin cậy”.

Chị Bùi Thị Kim Hương (ấp Thành Sơn, xã Thành Trung) đã đặt câu hỏi: “Khi thấy con có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bị XHTD thì làm sao để con tin tưởng mà chia sẻ với mình?”

Các diễn giả trả lời rằng, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ và trò chuyện với con, tạo sự tin tưởng nơi con cái.

Khi thấy con có dấu hiệu bất thường thì phải hỏi thăm ngay, trấn an tâm lý và giải thích cho con hiểu đó không phải là lỗi của con, là một tai nạn và phải tố giác kẻ xấu để pháp luật trừng phạt.

Em Bùi Thị Thảo Sương (Trường THPT Tân Quới) hỏi: “Khi kẻ xấu giỏi che dấu, và khi nói với người lớn mà người lớn không tin thì phải làm sao?”

Các diễn giả đã trả lời em rằng, phải chia sẻ, kể rõ từng chi tiết với người tin tưởng nhất, kể lại những tình tiết, những biểu hiện, hành vi của kẻ xấu và hỏi ý kiến của người lớn để giải quyết vấn đề.

Thầy Lê Minh Tuấn- Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lược- đặt vấn đề: “Thời gian tới, sẽ mở rộng tăng cường hoạt động truyền thông phòng, chống XHTDTE vào các trường như thế nào?”

Câu trả lời rằng, hướng tới, Bộ GD-ĐT phối hợp với các ngành chức năng có kế hoạch lồng ghép chương trình giáo dục về giới, bình đẳng giới và phòng, chống XHTDTE vào các tiết học phù hợp; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt CLB để hướng dẫn cho các thầy cô giáo, học sinh cách nhận biết, phòng tránh và cách tự bảo vệ các em.

Và còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra và được trả lời thỏa đáng, cho thấy được buổi truyền thông đã thật sự tạo được hiệu ứng tích cực, không khí gần gũi, các em học sinh và cả phụ huynh đều thoải mái trút bỏ những e ngại để bày tỏ những thắc mắc, lo lắng, để nhận được những giải đáp, hướng dẫn cụ thể từ các chuyên gia.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cũng nhấn mạnh rằng, việc phòng, chống XHTDTE là một hành trình dài, gian nan nhưng nếu có sự chung tay của cả cộng đồng và sự hiểu biết đúng đắn của chính các em thì tin rằng tội ác sẽ bị đẩy lùi.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2012- 2016, cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại trẻ em, với 8.930 đối tượng, xâm hại 8.146 em. Thống kê hàng năm cho thấy, số vụ XHTDTE của các tỉnh- thành phía Nam chiếm gần 30% so với tổng số vụ XHTDTE của cả nước. Riêng tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 15 vụ XHTDTE có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây nên án mạng. Trong đó, đáng báo động hơn, có vụ nạn nhân bị chính người thân của mình (ông nội, cha ruột) xâm hại nhiều lần.

Bài, ảnh: HẢI YẾN