Nhà báo với cơ sở

Cập nhật, 14:15, Thứ Tư, 21/06/2017 (GMT+7)

Báo chí Cách mạng Việt Nam trong 92 năm phát triển đã trải qua nhiều thế hệ với những khó khăn, thuận lợi ở từng giai đoạn khác nhau, nhưng một yếu tố góp phần làm nên tác phẩm báo chí mà nhà báo thời nào cũng phải biết và trang bị cho mình, đó là xây dựng mối quan hệ tốt với cơ sở.

Phóng viên Báo Vĩnh Long trong một lần tác nghiệp ở xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm (ảnh tư liệu)
Phóng viên Báo Vĩnh Long trong một lần tác nghiệp ở xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm (ảnh tư liệu)

Trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, nhà báo hoạt động không có nhiều thuận lợi như bây giờ.

Ngày đó giao thông chưa phát triển, đến các xã, huyện vùng sâu chủ yếu bằng đò nên phóng viên đi cơ sở có khi phải dậy từ 3- 4 giờ khuya cho kịp đò, kịp giờ làm việc.

Từ trung tâm xã đến các ấp khoảng cách chỉ 5-7 cây số nhưng khi xác minh, tìm hiểu thông tin phải “lội bộ” đi về mất cả buổi nên phóng viên thường gặp cảnh lỡ đò, trễ xe dẫn đến mỗi chuyến công tác kéo dài đôi ba ngày.

Đi cơ sở về, phóng viên chọn lọc thông tin rồi viết tin, bài trên giấy A4 chứ không đánh máy và nộp trực tiếp trên máy tính như giờ nên một tác phẩm báo chí khi đến với bạn đọc thường mất khá nhiều thời gian.

Vất vả vậy nhưng đổi lại phóng viên thời đó rất gắn bó với cơ sở và chính những ngày cùng đi, cùng ăn, cùng ở trong những căn phòng khách tập thể với anh em cơ sở đã giúp phóng viên có nhiều thuận lợi hơn trong khai thác thông tin.

Từ những câu chuyện đời, chuyện nghề bên ly cà phê chờ đò, bên bữa cơm tập thể đơn sơ nhưng ấm áp như người một nhà,… phóng viên đã ghi nhận được nhiều thông tin hay, những chi tiết đắt sát với thực tế nên tin, bài ít khi sai sót.

Hiện nay, nhà báo được trang bị đầy đủ kiến thức và phương tiện tác nghiệp, giao thông đến các xã vùng sâu không còn cảnh đò sông cách trở, giúp phóng viên rút ngắn thời gian đi cơ sở hơn trước, nhiều thông tin có thể khai thác qua Internet, điện thoại nên tin, bài đến với bạn đọc nhanh hơn, thời sự hơn.

Tuy nhiên, đôi khi sự vội vã ấy làm cho không ít nhà báo thiếu sự gắn bó với cơ sở nên nhiều tác phẩm chỉ mang tính thông tin, không có được hơi thở cuộc sống. Do đó, ngoài lòng đam mê, bản lĩnh chính trị và kiến thức chuyên môn đã được tôi luyện trong quá trình làm nghề, nhà báo cần gắn kết nhiều hơn với cơ sở.

Vì khi có được mối quan hệ tốt với cơ sở là coi như người làm báo đã thành công một nửa cho tác phẩm của mình, một nửa còn lại là cách bạn khai thác thông tin và xử lý thông tin đó như thế nào để hoàn thiện một tác phẩm báo chí thu hút bạn đọc và định hướng được dư luận.

DIỄM PHƯỢNG