Khơi sức dân xây mới những tuyến đường

Cập nhật, 13:08, Thứ Tư, 28/06/2017 (GMT+7)

Với tổng chiều dài các tuyến đường gần 64km, trong đó có gần 38,4km đường liên xóm, đã đặt ra nhiệm vụ lớn cho xã Tân Hạnh (Long Hồ) trong công tác huy động sức dân để thực hiện thắng lợi tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thêm mới những tuyến đường

Tuyến đường ấp Tân An được nhựa hóa nhờ vào nguồn huy động sức dân.
Tuyến đường ấp Tân An được nhựa hóa nhờ vào nguồn huy động sức dân.

Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, đối với xã vùng ven- cặp TP Vĩnh Long- như xã Tân Hạnh thì đất càng có giá trị, nên việc hiến 40m2 đất như ông Dương Văn Bửu (ấp Tân An) cũng trị giá tương đương cái nền nhà.

Là cán bộ về hưu nên ông Bửu càng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM mang lại.

Vì vậy, khi tuyến đường ấp Tân An được mở rộng và nhựa hóa, ông đã gật đầu hiến đất, bỏ đi nguồn huê lợi từ cây trái và di dời hàng rào để hỗ trợ thi công.

“Nhà nước làm đường cho dân mình đi thì dân mình phải có trách nhiệm góp của, góp công vì lợi ích chung, chứ không phải chỉ biết cá nhân mình”- ông Bửu khẳng khái nói.

Không những vậy, từ năm 2011 đến nay- khi BCĐ Xây dựng NTM xã có chủ trương vận động nhân dân góp tiền nhựa hóa các tuyến đường liên xóm, ông Bửu cũng như nhiều hộ dân ở địa phương đều nhiệt tình hưởng ứng.

Bà Phạm Thị Thu Cúc (trước) rất ủng hộ việc huy động sức dân và hiến 45m2 đất làm đường.
Bà Phạm Thị Thu Cúc (trước) rất ủng hộ việc huy động sức dân và hiến 45m2 đất làm đường.

Gần đó, hộ bà Phạm Thị Thu Cúc cũng nói chắc nịch: “Chỉ cần Nhà nước đầu tư xây lộ cho dân đi là tôi ủng hộ ngay”.

“Hộ bà Cúc thuộc diện gia đình chính sách có công, bản thân bà trực tiếp đấu tranh và bị địch bắt mấy lần, chồng bà là liệt sĩ nên được miễn đóng góp nhưng bà vẫn tự nguyện tham gia”- ông Lê Minh Nhựt- Trưởng ấp Tân An cho biết.

Mặc dù nguồn thu chủ yếu của gia đình bà Cúc là nhờ vào 1,3 công vườn, nhưng bà Cúc cũng gật đầu cái rụp hiến 45m2 đất. “Trước đây chiến tranh, nhìn quê hương bị tàn phá mà lòng tui đau xót.

Thương mấy đứa nhỏ học hành vất vả vì đường sình lầy lội, cầu khỉ khó đi, nên mỗi khi nghe nói Nhà nước mần lộ là tui mừng dữ lắm, chỉ cần còn khả năng là tui tiếp tục đóng góp”- bà Cúc bộc bạch.

Bà Lê Thị Lùng (phải) đã hiến 150m2 đất để Nhà nước mở rộng và nhựa hóa đường giao thông.
Bà Lê Thị Lùng (phải) đã hiến 150m2 đất để Nhà nước mở rộng và nhựa hóa đường giao thông.

Cạnh đó, hộ bà Lê Thị Lùng (83 tuổi)- cũng thuộc diện gia đình chính sách. Bà Lùng từng đào hầm nuôi chứa cán bộ cách mạng. Thời bình, bà tiếp tục dạy dỗ con cháu góp sức xây dựng quê hương.

Gần đây, khi có chủ trương làm lộ, bà Lùng đã hiến 150m2 đất và nói: “Trước đây đường sá đi lại khó khăn, qua cầu té lên té xuống, giờ để có lộ lớn đi thì mình phải hiến đất để chung tay cùng Nhà nước, chuyện gì trong khả năng làm được là tui không từ nan”.

Mỗi năm xây hơn 3km đường liên xóm

Theo ông Phan Tấn Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh, do đặc thù của xã có khá nhiều tuyến đường, ngoài các tuyến do huyện đầu tư, xã cần phải đầu tư gần 38,4km đường liên xóm.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2011, xã có chủ trương vận động mỗi hộ dân đóng góp 150.000 đ/năm để làm đường nông thôn.

Sau đó, để đảm bảo nhu cầu về vốn trước tình hình giá cả vật tư tăng cao, đã tăng mức vận động lên 200.000 đ/năm. Đối với các hộ ở tuyến đường thụ hưởng thì góp 2 triệu đồng/năm.

Từ nguồn đóng góp của dân cộng với nguồn đối ứng của huyện và các nguồn vận động bên ngoài mà bình quân mỗi năm xây được hơn 3km đường liên xóm.

Đầu năm đến nay, nhân dân còn hiến hơn 2.000m2 đất, trị giá gần 600 triệu đồng để làm đường. “Nhìn chung công tác huy động sức dân đã tạo được sự đồng tình cao.

Tuy nhiên, nhận thức của một số hộ còn chậm, còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước hoặc do vướng nhà cửa, vật kiến trúc- chỉ được hỗ trợ 50% trị giá công trình, nên chưa đồng thuận.

Để các tuyến đường được thi công thuận lợi và hoàn thành, đòi hỏi cán bộ phải khéo làm công tác dân vận, kiên trì đi vận động nhiều lần”- ông Phan Tấn Trung cho biết thêm.

Còn ông Lê Minh Nhựt thì cho rằng: “Lúc mới vận động, vẫn còn vài hộ có vướng mắc do nhà cận kề lộ, không có đất để di dời nên ngán ngại.

Chúng tôi phải đặt mình trong tâm trạng người dân mới có thể vận động thuyết phục được. Điều đáng mừng là có những hộ dân như anh Việt Huỳnh Hưng Nhị- không chỉ hiến 30m2 đất mà còn cùng đi vận động để có “cái gật đầu” của mấy hộ lân cận. Nhờ vậy mà tuyến đường nhanh chóng được thi công”.

Đến ấp Tân An vào lúc các nhân công đang đổ đá, tráng nhựa tuyến đường liên xóm, ông Hồ Huy Bình nói: “Những năm trước, đường này sình lầy dữ lắm, nay được tráng nhựa thiệt là quý vô cùng.

Nông thôn mình giờ đã đẹp, đã mới thì tui cũng phải chỉnh trang nhà cửa, hàng rào cho xứng với con đường này”- nói đoạn, ông Bình ngâm liền câu thơ với tâm trạng phơi phới: “Đất rộng nhà cao nhờ ơn Đảng/ Áo ấm cơm no nhớ Bác Hồ”.

Ông Phan Tấn Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh: Xã có hơn 53% đường liên xã, 51,6% đường liên xóm và 29,7% đường liên ấp đạt chuẩn. Do đó để đạt tiêu chí giao thông, Đảng bộ và nhân dân xã phải nỗ lực rất lớn. Từ nguồn vận động, xã đang nhựa hóa tuyến đường ấp Tân Hiệp dài hơn 2,1km và xây 3 cây cầu để tạo thuận lợi cho người dân trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI