Hạn chế tai nạn lao động trong nông nghiệp

Cập nhật, 09:40, Thứ Sáu, 09/06/2017 (GMT+7)

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), so với các ngành khác, lao động trong nông nghiệp cũng có nguy cơ mắc tai nạn lao động rất cao và đang ở mức báo động, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ.

Ngành nông nghiệp cũng cần xem trọng công tác an toàn vệ sinh trong lao động.Ảnh: Tư liệu
Ngành nông nghiệp cũng cần xem trọng công tác an toàn vệ sinh trong lao động.Ảnh: Tư liệu

Cụ thể, người lao động, nông dân thường thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc, hóa chất. Khi phun thuốc trừ sâu, nông dân chỉ trang bị khẩu trang, thậm chí không dùng đến áo ny lông.

Hậu quả là nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc đã xảy ra khi vận hành máy móc hiện đại không đảm bảo quy trình, khiến không ít nông dân bị tai nạn lao động.

Việc nhiều nông dân bị thương do giẫm phải vật sắc nhọn; trâu, bò húc; ngã khi thu hoạch trái cây; nhiễm độc bước đầu do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng cách... tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật lâu dài.

Do nhận thức kém và chạy theo lợi nhuận, một số hộ nông dân sẵn sàng lạm dụng thuốc BVTV, không tuân thủ thời gian cách ly, làm cho tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) diễn ra ở mức độ nguy hiểm hơn.

Đồng thời, một số thói quen bất cẩn, gây nguy hiểm như nông dân đang pha chế thuốc trừ sâu rồi nghỉ tay hút thuốc; dùng tay lau mồ hôi trên mặt hay ăn uống trong quá trình pha thuốc dẫn đến ngộ độc thuốc.

Đặc biệt, những bao bì thuốc qua sử dụng vẫn không được thu gom, tiêu hủy đúng cách. Nông dân thường vứt luôn bao bì, chai lọ ngoài đồng ruộng gây ảnh hưởng sức khỏe đến cộng đồng.

Thực tế cho thấy, khi lao động nông nghiệp bị tai nạn, họ vừa mất đi thu nhập, vừa đẩy kinh tế gia đình vào hoàn cảnh khó khăn và vô hình trung số lao động bị tai nạn này đã góp phần gia tăng tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long thường xuyên chỉ đạo chi cục trực thuộc mở các lớp tập huấn để trang bị kiến thức về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng an toàn thuốc BVTV để bà con có thể tự bảo vệ mình.

Ngành xác định, để đảm bảo ATLĐ trong kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, thì ngoài việc tăng cường thanh- kiểm tra cần phát huy vai trò của các hội, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng, cảnh báo nguy cơ TNLĐ.

Đồng thời, mỗi người dân, tiểu thương cần trang bị đầy đủ các kiến thức về kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

MAI ANH