Về cù lao Dài... dài thương rộng nhớ!

Cập nhật, 05:17, Thứ Năm, 04/05/2017 (GMT+7)

Tôi về cù lao Dài (xã Thanh Bình, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) giữa cái nắng tháng 4 nóng rực. Đọng lại trong mắt, ở cảm nhận về vùng cù lao Năm Thôn xưa bây giờ là bao nhịp đập hối hả trên những con đường, từng mái nhà, gương mặt... như chính những mảng xanh mướt, rờ rỡ, xum xuê của xứ cây lành trái ngọt hôm nay.

Vườn sầu riêng nhà ông Dương Văn Mười đang được chăm sóc chuẩn bị kỳ thu hoạch.
Vườn sầu riêng nhà ông Dương Văn Mười đang được chăm sóc chuẩn bị kỳ thu hoạch.

Ngày xưa và câu chuyện điện đóm, đê điều

Tôi đi từ đầu trên đến gần giáp xóm dưới ở 2 xã cù lao một ngày nắng rực rỡ. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình- ông Nguyễn Văn Nhanh (Tư Nhanh)- xấp xỉ tuổi 60, chậm rãi gợi lại chuyện xưa: Khoảng năm 1992- mốc tái lập tỉnh Vĩnh Long- xứ này khó khăn nhất. Thanh Bình, Quới Thiện cũng vậy.

Chưa điện, đường, trường, trạm; thủy lợi cũng chưa hình thành. Trong những thứ ấy, quan trọng nhất là đường và điện. “Đường bộ, lộ đất, cầu khỉ là thứ đáng nhớ nhất thời đó ở đây”- ông Tư Nhanh nhớ lại.

“Đến khoảng 1999- 2000 là bắt đầu phát triển kinh tế- xã hội ở vùng sông nước tứ bề này”- ông Tư Nhanh tiếp tục. Đó là lúc có điện lưới quốc gia về khoảng năm 2001 và trước đó chính quyềncùng người dân cù lao cũng khởi đầu cho “công cuộc” đắp đê.

Ông Nhanh nói, nội chuyện đắp đê cũng rất đáng nhớ. Bởi khi chính quyền đi vận động bà con đắp đê ngăn mùa nước lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái mà bà con không tin.

Học sinh tiểu học vui đến trường ở xã cù lao Quới Thiện.
Học sinh tiểu học vui đến trường ở xã cù lao Quới Thiện.

Chỉ riêng con đường từ bến phà lên cầu Đình được vận động đắp đê để bảo vệ hơn 100 công vườn mà... trần thân! Nhưng vận động, thuyết phục, rồi Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng tâm hiệp lực, cuối cùng đã thấy kết quả.

“Vượt qua cái khâu đắp đê thì mới phát triển kinh tế, đổi mới, nâng cao đời sống và bộ mặt nông thôn để được như hôm nay đây”- Bí thư xã Tư Nhanh nhớ lại và bảo quá trình đê điều đó đã phải mất 4- 5 năm trời và trở thành “điểm nhấn” xứ này.

Cũng ở giai đoạn khó khăn đó, kinh tế ở Thanh Bình chủ yếu dựa vào cây lác. Cây lác lúc đó chiếm khoảng 50% diện tích (hơn 600ha).

Còn vườn thì đa phần vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp, chưa có cây gì là đặc sản. Thu nhập bình quân đầu người năm đó khoảng 17 triệu đồng/năm. Đến khi hệ thống đê bao cơ bản khép kín, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trường, trạm, đường bắt đầu được trên đầu tư, xây dựng. Bà con có điện sử dụng hơn 80%.

Ông Nhanh kể điểm đáng nhớ khi xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, Thanh Bình là một trong 22 xã điểm của tỉnh. Đến lúc tổng kết năm đầu tiên, Thanh Bình đã về... chót bảng: “Do xã cù lao, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất, nguồn lực chưa có gì nên vẫn rất khó khăn”.

Còn ông Đặng Văn Vũ- Chủ tịch UBND xã Quới Thiện- nhắc lại với chúng tôi thời 20- 25 năm về trước. Ông cũng nói “dân đây làm lúa” như trên Thanh Bình trồng cây lác và chủ yếu là vườn tạp. Đất cù lao không giữ nước được, nên không ăn thua.

Cái thời khó khăn chỉ qua khi 2 xã cù lao được kéo điện về, đường sá hình thành, mở ra; kinh tế nông nghiệp bắt đầu theo đó phát triển.

Kinh tế “đặc sản” thúc đẩy đổi thay

5- 7 năm trở lại đây, bưởi da xanh, sầu riêng Ri 6, xoài cát Chu, xoài xiêm núm là trái cây đặc sản ở cù lao Dài.

Trong đó, thế mạnh Thanh Bình là bưởi da xanh, sầu riêng; Quới Thiện cũng sầu riêng, bưởi da xanh, xoài. Trong khoảng 1.200ha đất nông nghiệp ở Thanh Bình thì hơn 1.000ha là sầu riêng và bưởi da xanh, trong đó thế mạnh là hơn 600ha bưởi da xanh.

Dẫu còn “cách trở đò giang”, kẻ đến người đi càng thấy yêu thương vùng đất cây lành trái ngọt này.
Dẫu còn “cách trở đò giang”, kẻ đến người đi càng thấy yêu thương vùng đất cây lành trái ngọt này.

Chủ tịch UBND xã Quới Thiện Đặng Văn Vũ cũng cho biết: Trong 1.200ha đất nông nghiệp thì sầu riêng hơn 400ha, xoài khoảng 300ha, bưởi da xanh 200ha. “Có địa bàn như Rạch Sâu thì xoài bao phủ hết ấp. Rạch Vọp xoài hơn 50% diện tích”- ông Đặng Văn Vũ cho biết.

Đến nhà Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Lăng (Thanh Bình) Dương Văn Mười, hỏi xóm làng hôm nay đổi thay thế nào thì đã có ngay câu trả lời gọn: “Thay đổi toàn diện”.

Thể hiện lớn nhất là phát triển kinh tế vườn và nông thôn mới. Như ấp Lăng, trong 104ha đất nông nghiệp thì hơn 70ha trồng sầu riêng, còn lại bưởi da xanh và cây ăn trái khác.

Trưởng ấp kể, năm ngoái em rể ôngcó hơn 30 gốc sầu riêng mà bán được giá “nổi da gà”, trên 600 triệu đồng.

Ông Mười nói ngoài “thiên thời địa lợi” ban cho cù lao này thì kỹ thuật nông nghiệp của nông dân là đáng nể phục. Nhà ông Mười cũng đang chăm hàng chục gốc sầu riêng và cỡ tháng rưỡi nữa là tới mùa thu hoạch...

Tôi đi từ đầu trên tới gần giáp xóm dưới, hỏi chục người về đổi thay lớn nhất thì y như chục người đều nói từ đầu tư ở trên và từ bàn tay lao động của người dân xứ này.

Bởi, chính các “cột mốc” phát triển: điện, đường, trường, trạm, đã kéo theo phát triển nông nghiệp và “giá trị kinh tế do cây ăn trái đem lại rất cao đã tạo điều kiện thay đổi bộ mặt kinh tế, đời sống người dân nông thôn...”

Thu nhập bình quân đầu người của người dân Quới Thiện đến cuối năm 2016 đạt 36 triệu đồng. Xã nông thôn mới Thanh Bình đạt 38,5 triệu đồng.

Cán bộ nông thôn mới xã Thanh Bình- Đặng Văn Thẳng cho hay, hộ nghèo ở xã giảm mạnh khi thế mạnh kinh tế sản xuất, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng và hiệu quả.

Về ngay đúng mùa, nên cứ chốc lát là một xe máy cộ đầy 3 giỏ sầu riêng tập hợp lại chờ xe tải gom hàng đi thành phố.

Tôi đánh trọn vòng cù lao trên con đường láng nhựa trên chiếc xe máy, theo chuyến đò chiều tắt sang Quới An để về tỉnh. Nắng chiều đỏ rực phía miệt vườn. Nghĩ ngay đến câu chuyện như còn đang tiếp tục với ông Nguyễn Văn Nhanh, ông Đặng Văn Vũ: chuyện “cách trở đò giang”.

Chính quyền và người dân ở đây mong giao thông, cả thủy lẫn bộ vùng cù lao này ngày càng nâng cấp lên, kết nối rộng ra, để bà con thuận tiện đi lại, học hành, giao thương buôn bán. Nhưng, dẫu hôm nay về đây vẫn “đò giang cách trở” thì cùng những đổi thay, rờ rỡ, xum xuê của vườn tược, không ai không khỏi mát lòng...

Bài, ảnh: MINH THÁI