Vì an sinh xã hội, vì người nghèo

Cập nhật, 05:22, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Thực hiện công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

25 năm qua, công tác này được cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng tham gia, chung mục đích là chăm lo cho người nghèo có cuộc sống tốt hơn, góp phần cho kinh tế- xã hội tỉnh nhà ngày càng khởi sắc.

Tận dụng mọi nguồn lực

Gia đình chị Nen Kim Đẹp (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn- Trà Ôn) vui mừng khi được hỗ trợ mái ấm để an cư lập nghiệp.
Gia đình chị Nen Kim Đẹp (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn- Trà Ôn) vui mừng khi được hỗ trợ mái ấm để an cư lập nghiệp.

Từ năm 1992, thực hiện Nghị quyết 120 của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, phương hướng giải quyết việc làm, công tác này từng bước đạt hiệu quả đáng kể. 

Bà Nguyễn Thị Duy Lan- nguyên Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, giai đoạn năm 1992, tỉnh Vĩnh Long còn rất khó khăn. Song, Tỉnh ủy rất quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) để nâng cuộc sống lên, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo cho người có công, các đối tượng xã hội, cho vay vốn giải quyết việc làm, chế độ tiền lương mới đã được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn, động viên, ổn định đời sống cho các đối tượng chính sách và người LĐ.

Từng nhiệm kỳ qua, Vĩnh Long đã dồn lực trong công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cũng như thực hiện an sinh xã hội.

Vấn đề giải quyết việc làm luôn gắn với việc dạy nghề và nâng cao chất lượng LĐ. Từ đó, tỷ lệ LĐ có việc làm ổn định hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt là việc sử dụng, phân bổ vốn vay kịp thời tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, có việc làm và nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, có rất nhiều hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Phong trào khuyến học huy động được sự đóng góp mạnh mẽ của các ngành các cấp, nhiều tổ chức cá nhân... qua đó hỗ trợ hiệu quả học sinh- sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.
Phong trào khuyến học huy động được sự đóng góp mạnh mẽ của các ngành các cấp, nhiều tổ chức cá nhân... qua đó hỗ trợ hiệu quả học sinh- sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.

Gia đình ông Trần Văn Thạnh (xã Hậu Lộc- Tam Bình) cũng thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ vốn vay và sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể địa phương. Nhờ chịu khó, chí thú làm ăn mà kinh tế gia đình ngày càng cải thiện, cuộc sống thay đổi đáng kể.

Những năm qua, công tác dạy nghề cho LĐ nông thôn được tăng cường thực hiện. Hàng năm, tỉnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho trên 12.000 LĐ nông thôn.

Mục tiêu không đơn thuần chỉ nhằm tạo việc làm cụ thể tại nhà, tại địa phương cho người LĐ mà còn góp phần nâng cao nguồn nhân lực, cung ứng LĐ có chuyên môn kỹ thuật cho thị trường LĐ trong và ngoài tỉnh. 

Trong quá trình dạy nghề, tỉnh Vĩnh Long luôn bám sát với nhu cầu tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp. Nhờ có việc làm ổn định, có thu nhập, cuộc sống ngày càng được cải thiện.

Trong giai đoạn 1992- 2017, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh liên tục tăng, từ 1,51 triệu đồng (giá hiện hành) năm 1992 lên mức 41,1 triệu đồng năm 2016 (gấp 27 lần so với năm 1992), góp phần không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thành tựu an sinh xã hội

Những năm qua, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã tích cực vận động, góp phần cùng với tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Qua đó, lồng ghép nhiều chương trình để vừa tiết kiệm, hiệu quả, vừa sát nhu cầu của người dân từ chuyện ăn ở, học hành, đến việc làm, sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tinh thần…

Nhờ vậy, hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, tránh bao cấp, cào bằng, đồng thời khuyến khích người được hỗ trợ chủ động vươn lên.

Việc chăm lo nhà ở cho hộ nghèo được xem là một trong những thành công đáng kể của tỉnh Vĩnh Long, góp phần cho sự phát triển từ thành thị đến nông thôn.

Từ năm 2001, phong trào gây quỹ “Vì người nghèo” được tỉnh dồn sức cho mục tiêu cất nhà ở cho người nghèo.

Sau đó, chính sách xây dựng nhà ở cho người nghèo bắt đầu được Vĩnh Long đẩy mạnh xã hội hóa.

Hàng chục ngàn gia đình chính sách, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở là có ngần ấy mái ấm nghĩa tình. Và từ sự khởi đầu “an cư” tươi đẹp này, tiếp thêm động lực giúp họ “lạc nghiệp”, hướng đến tương lai.

Đến cuối năm 2016, Vĩnh Long đã hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên toàn tỉnh. Đặc biệt, giai đoạn 2016- 2017, tỉnh triển khai xây dựng hơn 1.500 căn nhà cho hộ Khmer khó khăn.

Tổng kinh phí thực hiện trên 63 tỷ đồng do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tài trợ. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần giúp đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh xóa nghèo.

Ông Thạch Huỳnh (ấp Mỹ An, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) rất là vui khi Tết Chol Chnam Thmay năm nay, gia đình ông được đón tết trong ngôi nhà mới.

Ông chất phác: “Nhờ chính quyền địa phương, nhờ Đài truyền hình cất cho tui căn nhà như thế này tui mừng dữ lắm. Cả nhà tui ráng mần ăn, để không phụ lòng mọi người”.

Chăm sóc sức khỏe người nghèo cũng là một trong những mục tiêu mà các ngành các cấp quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả tốt nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội.
Chăm sóc sức khỏe người nghèo cũng là một trong những mục tiêu mà các ngành các cấp quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả tốt nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội.

Năm 2017, với chủ đề “Vì người nghèo và an sinh xã hội” tỉnh Vĩnh Long phấn đấu vận động quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội đạt 240 tỷ đồng; trong đó, vận động quỹ “Vì người nghèo” các cấp đạt 40 tỷ đồng và thực hiện các chương trình an sinh xã hội đạt 200 tỷ đồng.

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội chung tay chăm lo người nghèo.

Các tổ chức thành viên MTTQ đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua, tổ chức những hoạt động huy động các nguồn lực, nhất là theo lĩnh vực, thế mạnh của mỗi đoàn thể để chăm lo cải thiện đời sống, phát triển sản xuất, góp phần thoát nghèo bền vững cho đoàn viên, hội viên.

Đi đôi với công tác giảm nghèo, các cấp, các ngành tích cực giải quyết việc làm cho người LĐ, gắn đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo ngắn hạn cho LĐ ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho LĐ nghèo có việc làm, thu nhập ổn định.

Theo Ban vận động quỹ Vì người nghèo tỉnh Vĩnh Long, các hoạt động an sinh xã hội trong tỉnh tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh, trở thành hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo có đời sống tốt hơn, ổn định hơn.

Từ nguồn quỹ, nhiều cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ vươn lên trong cuộc sống. Cuộc vận động đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,26% năm 2015 xuống còn 4,78% năm 2016 (giảm 1,48%- vượt chỉ tiêu Nghị quyết).

Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện còn 13.299 hộ nghèo, 12.602 hộ cận nghèo, 1.858 hộ có hoàn cảnh khó khăn và hơn 2.250 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi,… cần được sự hỗ trợ giúp đỡ về mọi mặt.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG