Lao động, việc làm, thu nhập trong đời sống nông thôn

Cập nhật, 09:56, Thứ Tư, 19/04/2017 (GMT+7)

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp ủy và chính quyền cơ sở. Làm tốt khâu này đương nhiên người lao động nông thôn có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thực tế tại nhiều địa bàn xã đã và đang xây dựng nông thôn mới và vấn đề này luôn được chú trọng.

Bà Lâm Thị Chinh coi kỹ lại mối nối để sản phẩm đan hoàn thiện nhất có thể.
Bà Lâm Thị Chinh coi kỹ lại mối nối để sản phẩm đan hoàn thiện nhất có thể.

Việc “nông nhàn” nhưng quan trọng

Nhà bà Lâm Thị Chinh (ấp Hiếu Hòa, xã Hiếu Nhơn) là một cơ sở đan đát quy mô hộ gia đình. Nơi đây tập hợp chị em phụ nữ trong xóm đến học đan đát- chủ yếu đan dây nhựa ra sản phẩm là chậu, ghế lắp ráp, ghế thành phẩm.

Theo bà Chinh, thường xuyên có khoảng 60 lao động tham gia gia công hàng qua cơ sở của bà để cung cấp theo hợp đồng với công ty.

Làm mô hình này đã hơn 3 năm, bà Lâm Thị Chinh nói chị em ở ấp và lân cận có thu nhập nông nhàn cũng khá. Người nhanh việc có thể làm được 70.000- 80.000 đồng/người/ngày, những người có tuổi đắp đổi cũng 40.000- 50.000 đồng/ngày. “Đó là khi chị em ở xóm ấp đã xong việc nhà rồi mới tham gia đan.

Họ đến đan tại nhà tôi (những khi cần làm hàng nhanh hoặc mẫu sản phẩm mới cần phải học) hoặc lãnh nguyên liệu về nhà hễ rảnh thì đan”- bà Chinh cho biết.

Chúng tôi đến nhà bà Chinh khi các chậu thành phẩm đã chất đầy đặn, ngay ngắn trọn khoảng hàng ba nhà và chờ công ty đến nhận. “Chị em vẫn đan xuyên suốt, người giỏi thì tháng được 2- 3 triệu khỏe ne, hễ rảnh là đan; người thấp hơn cũng kiếm mỗi tháng không dưới 1,5 triệu từ việc làm thêm này”- bà Chinh nói.

Xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) đạt nông thôn mới hơn một năm nay. Ông Nguyễn Văn Ngoan- Chủ tịch UBND xã- nói đời sống kinh tế của người dân xã có chủ yếu từ 3 loại hình: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ.

Ở riêng tiểu thủ công nghiệp, xã có nhiều mô hình: đan đát các loại sản phẩm (ghế, chậu, thảm lục bình...), bóc vỏ hạt điều, tách đầu tôm,... mang hiệu quả lớn cho người lao động nông thôn.

“Người nông thôn thu nhập từ canh tác nông nghiệp không bao nhiêu. Có thêm nghề đắp đổi lúc nông nhàn đã thêm phần ổn định cuộc sống. Thêm một phần nhưng rất quan trọng”- ông Nguyễn Văn Ngoan nhìn nhận.

Phát triển nông thôn từ yếu tố ngành nghề, lao động

Xã Hiếu Nhơn có 17 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cùng với một hợp tác xã.

Tuy nhiên, các tổ hợp tác hay cơ sở gia công hàng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp có thể mang tính chất gia đình như bà Chinh hiện đã và đang có ngày càng nhiều.

Ở đó giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hoặc đem thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi cải thiện thu nhập, chăm lo cuộc sống.

Một số cán bộ ở xã trao đổi với chúng tôi còn nói, không phải người nghèo người ta mới nhận thêm việc mang tính chất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp như vậy. Nhiều người có điều kiện nhà cửa, sinh hoạt vẫn nhận thêm việc đan, may,...

Thống kê của cán bộ xây dựng nông thôn mới Hiếu Nhơn, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người là 34,7 triệu đồng/người/năm.

Chỉ tính riêng nghề nghiệp cho lao động nhàn rỗi nông thôn, đến nay đã có khoảng 1.250 lao động địa phương được giải quyết việc làm. Khi đề cập thu nhập bình quân đầu người cuối năm nay phải đạt 37 triệu đồng, Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Văn Ngoan nói “chúng tôi quyết tâm sẽ đạt!”

Theo ông, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích giữ vững các ngành nghề đã có tại địa phương, nâng chất, phát triển rộng hơn. Thêm nữa là tìm kiếm học hỏi các mô hình nghề nghiệp phù hợp, ổn định ở các nơi khác để về áp dụng cho địa phương mình.

Ông Võ Xuân Thu- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hiếu Nhơn- cho biết: Chúng tôi rất mong có công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh nào đó về địa phương mở hãng xưởng, khi đó sẽ thuận lợi cho bà con công ăn việc làm.

Bởi Hiếu Nhơn giáp ranh địa bàn các huyện và được coi là hội tụ yếu tố “trung tâm” trên trục đường từ Hiếu Phụng vào Hiếu Nghĩa về mặt chợ, trường học, giao thông, lao động... nên kỳ vọng ngoài sản xuất nông nghiệp, thì công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ được đầu tư thêm để địa phương phát triển.

 

Toàn huyện Vũng Liêm có 26 hợp tác xã và 261 tổ hợp tác trên các lĩnh vực đang hoạt động tốt; hiện có 5 trang trại và 4 làng nghề, chất lượng hoạt động khá. Ở lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ, huyện sẽ tiếp tục rà soát nắm tình hình hoạt động các cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nâng chất lượng hoạt động các làng nghề hiện có, khuyến khích phát triển một số sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch.

Bài, ảnh: MINH THÁI