Đưa tiêu chí nông thôn mới vào công tác hội

Cập nhật, 09:49, Thứ Tư, 05/04/2017 (GMT+7)

 

Chôm chôm là loại cây chủ lực, bền vững của 4 xã cù lao huyện Long Hồ.
Chôm chôm là loại cây chủ lực, bền vững của 4 xã cù lao huyện Long Hồ.

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Long Hồ Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Sắp tới, Ban Dân vận Huyện ủy khuyến khích các đơn vị thành viên nên liên kết, nhận các tiêu chí cụ thể trong xây dựng nông thôn mới”.

Đây là định hướng hay, nhằm phát huy hiệu quả hơn vai trò của các hội, đoàn thể, đồng thời là cơ sở cho công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm qua từng giai đoạn cụ thể.

Phát huy vai trò các hội, đoàn thể

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Hồng, thì: “MTTQ huyện và các đoàn thể chính trị- xã hội, luôn quan tâm việc đổi mới nội dung hoạt động, củng cố kiện toàn bộ máy, chăm lo đời sống hội viên, đoàn viên và nhân dân. Đặc biệt, thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc”.

Trong việc đổi mới nội dung hoạt động, các hội, đoàn thể sẽ nhận các tiêu chí cụ thể trong xây dựng nông thôn mới như: sản xuất là vai trò của Hội Nông dân; môi trường, nước sạch nông thôn là vai trò của Hội Phụ nữ; Đoàn viên thanh niên thì lo về cầu đường...

Đây cũng là những nội dung mà thời gian qua các hội, đoàn thể chính trị- xã hội đã thực hiện, tuy nhiên việc giao nhận trách nhiệm cụ thể từng tiêu chí sẽ giúp làm rõ hơn vai trò của đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như Hội Nông dân thời gian qua triển khai nhiều dự án đạt giá trị kinh tế cao, góp phần cho việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở từng địa phương, như các dự án nuôi dê ở xã Bình Hòa Phước, Đồng Phú,... hay dự án chuyển đổi cây trồng theo hướng VietGAP ở các xã: Tân Hạnh, Bình Hòa Phước,...

Hội Phụ nữ đã liên kết với các ngành chức năng mở 16 lớp dạy nghề cho 428 hội viên, giới thiệu việc làm ổn định cho 3.126 phụ nữ.

Hội Cựu chiến binh thực hiện tốt chương trình giúp nhau nâng cao đời sống, vượt khó thoát nghèo, các hoạt động tình nghĩa, tổng nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 24 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể của huyện Long Hồ đều có xây dựng và triển khai kế hoạch hướng dẫn phối hợp tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.

Kết quả, đã vận động nhân dân hiến 38.000m2 đất, hoa màu xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; đóng góp kinh phí xây dựng đường đan, láng nhựa trên 16km... Tổng kinh phí do dân đóng góp là 22,4 tỷ đồng. Đến nay, Long Hồ có 3 xã đạt nông thôn mới là: Long Phước, Bình Hòa Phước và Hòa Phú.

“Mong mỏi thật nhiều nông dân làm giàu”

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Hồ Lê Minh Thiện nói: Mong ước sao có thật nhiều nông dân làm giàu từ những mô hình nông nghiệp bền vững, ngày càng ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất.

Thật ra đây cũng là mong ước của tất cả mọi người; tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ đòi hỏi còn nhiều việc phải làm từ tầm vĩ mô cho đến những vấn đề cụ thể ở từng địa phương, từng hộ gia đình. Riêng Hội Nông dân đã có khá nhiều dự án thể hiện tính hiệu quả, khả năng ứng phó với tình hình thực tế của những biến động thị trường.

Ông Lê Minh Thiện phân tích về “3 cây, 3 con” của tỉnh Vĩnh Long, hiện con cá và con bò cũng đang “có vấn đề”; riêng con bò được xem là thế mạnh truyền thống của nhiều địa phương, nhưng đang có xu hướng giảm giá.

Do đó, gần đây nuôi con dê là sự “chuyển hướng” linh hoạt, với vốn đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật không khó, quan trọng là khi cần bán thì nhanh và tiện lợi hơn. Nói vui như ông Sáu Minh (Phan Hồng Minh, ở ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú): “Bán dê dễ hơn bán vàng! Bởi bán vàng còn phải qua chợ, còn bán dê chỉ cần a lô, chút xíu có người tới chở”.

Một dê đực chưa rụng răng còn sung mãn, có giá khoảng 100.000 đ/kg, trung bình 30- 40 kg/con, giá tầm 3- 4 triệu đồng/con. Ông Sáu Minh còn có thêm “dịch vụ” phối giống, mỗi tháng cũng tăng thêm mấy triệu bạc.

Dự án nuôi dê được xem là khá thành công, tuy nhiên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Hồ không khỏi băn khoăn rằng, hiện nay nông dân rất nhanh nhạy ứng dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhanh cái mới, nhưng cần hỗ trợ họ trong việc định hướng, cung cấp thông tin về giữa cung và cầu, về giá cả thị trường ở tầm nhìn tổng thể, làm sao giúp nông dân đừng quá chạy theo “ồ ạt” một loại cây, một loại con nào đó đưa đến sự mất cân đối, ảnh hưởng đầu ra cho sản phẩm của bà con nông dân.

Trong khi chưa có sự “trợ giúp” hiệu quả từ quy hoạch vĩ mô, thì ở Long Hồ có một số bà con nông dân đã biết tự “điều tiết” bằng cách đầu tư vừa phải vào nhiều mô hình nhỏ, nhằm tránh rủi ro cao.

 

Kết quả, đã vận động nhân dân hiến 38.000m2 đất, hoa màu xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; đóng góp kinh phí xây dựng đường đan, láng nhựa trên 16km; phát quang cây che chắn gần 21.000m2 đường nông thôn; vận động đào 3.302 hố rác gia đình, xây dựng 12 hầm biogas; tu sửa cầu; xây dựng nhiều mô hình, CLB hoạt động có hiệu quả,... Tổng kinh phí do nhân dân đóng góp là 22,4 tỷ đồng. Đến nay, Long Hồ có 3 xã nông thôn mới là: Long Phước, Bình Hòa Phước và Hòa Phú.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG