Hạnh phúc giản dị

Cập nhật, 09:23, Thứ Hai, 20/03/2017 (GMT+7)

Ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Năm 2017 là năm thứ 4 thế giới có ngày này và Việt Nam là nước thứ 193 cam kết thực hiện ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Về khái niệm hạnh phúc thì chúng ta không thể nói đủ, nói hết về khái niệm này. Song, với những nhân vật trong bài viết này thì hạnh phúc luôn ở xung quanh, và biết lựa chọn cho chính bản thân mình hạnh phúc.

Bà Huỳnh Thị Bảy (Ấp 7, xã Hòa Hiệp- Tam Bình): Bà hạnh phúc lắm con ơi!

Bà cười phúc hậu khi nói về hạnh phúc của mình. Nụ cười viên mãn với những gì mình đã có. Tình cảm vợ chồng già ấm yên, ngọt lành hơn 60 năm. Vợ chồng bà chia ngọt sẻ bùi, chắt chiu lo cho 5 người con ăn học nên người.

Các con của bà noi gương ba mẹ luôn biết gìn giữ hạnh phúc gia đình. Các cháu của bà ngoan, hiếu thảo, cháu gái Thư vừa tốt nghiệp Dược sĩ đại học.

Tuổi về già, bà tận hưởng niềm vui cuộc sống. Bà mong những người thân luôn khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc.

TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long:  Hạnh phúc lớn nhất là bệnh nhân khỏi bệnh

Để có hạnh phúc thì chẳng những bản thân mà cả người thân của mình phải khỏe mạnh, công việc thuận lợi… Đối với thầy thuốc nói chung và bác sĩ sản thì niềm hạnh phúc lớn nhất trong công việc là chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh, là được hỗ trợ các sản phụ “mẹ tròn con vuông”.

Cảm giác cứu được một người ở ranh giới sự sống và cái chết khiến cho người thầy thuốc hạnh phúc. Hạnh phúc của thầy thuốc là vẫn giữ được cân bằng, hài hòa khi cuộc sống, khi đồng hồ sinh học luôn bị thay đổi; vẫn giữ được chí khí khi bạo lực len lỏi khắp nơi khi trong đội ngũ mình đâu đó vẫn còn người không tốt; vẫn giữ được thanh cao bởi “nghề thuốc là thanh cao”, “người thầy thuốc phải tự tu dưỡng với 8 chữ răn mình: Nhân- Minh- Đức- Trí- Lượng- Thành- Khiêm- Cần”.

Chị Đỗ Thị Tuyết Phượng- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Lộc (Tam Bình): Hạnh phúc khi giúp được hộ nghèo… thoát nghèo

Hạnh phúc là những việc tôi mơ ước, dù là rất nhỏ nhưng tôi thực hiện được. Mỗi buổi cơm chiều, vợ chồng tôi và con cùng ăn, cùng cười nói rôm rả, lắng nghe con kể chuyện học hành, chuyện bạn bè tôi cũng thấy hạnh phúc lắm.

Trong công việc, tôi được phân công phụ trách công tác giảm nghèo, nếu công tác đó trong một năm thực hiện đạt hiệu quả như tôi mong muốn thì tôi rất vui và hạnh phúc.

Gần đây nhất, chị Mỹ Hạnh ở ấp Hòa An đã gặp tôi mừng khoe nhờ xã định hướng làm ăn cùng với bản thân phấn đấu, gia đình chị giờ có 2 con bò, đàn vịt, có đồng vô ra nên đủ ăn, không còn sự hỗ trợ của địa phương nữa.

Niềm vui của chị cũng là niềm hạnh phúc đối với tôi, vì nhờ sự cố gắng, quyết tâm của bản thân đã giúp cho họ thoát nghèo.

Chị Từ Ngọc Mỹ Phương (Phường 4- TP Vĩnh Long): Hạnh phúc giản dị

Hạnh phúc đơn giản là mình luôn ở bên cạnh những người mình yêu thương. Người mình yêu thương luôn mạnh khỏe, vui vẻ là mình hạnh phúc. Hạnh phúc khi gặp được “mảnh ghép” yêu thương để về cùng xây tổ ấm, nơi đó sẽ rộn rã tiếng cười con trẻ.

Chị Lê Thị Lắm (Phường 4- TP Vĩnh Long): Hạnh phúc khi con thơ gọi mẹ

Cứ mỗi chiều, hình ảnh chị lam lũ mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo để kiếm tiền lo cho con gái lớn học ĐH, có tiền thuê trọ để mỗi buổi sáng đem con trai bị bệnh bại não đến phòng tập vật lý trị liệu hy vọng cải thiện khả năng vận động.

Tuy đứa con không tròn vẹn nhưng đó cũng là động lực để chị vượt qua khó khăn trong hiện tại và ngược lại, tình thương ấm áp của đấng sinh thành giúp con dịu bớt cơn đau.

Hạnh phúc của chị thật giản dị, khi con trai Vũ Linh (19 tuổi) cười vui trọ trẹ những câu chữ chưa tròn: “Con yêu mẹ lắm”, ánh mắt thơ dại của con nhìn mẹ thật ấm áp như biết ơn người mẹ suốt đời lam lũ lo cho mình.

Em Huỳnh Ninh (Phường 5- TP Vĩnh Long): Hạnh phúc khi được sống trong niềm đam mê

Đang có công việc ổn định, song vì đam mê nấu ăn nên Ninh xin nghỉ và lấy tất cả tiền dành dụm khăn gói lên Sài Gòn học nghề bếp.

Sau khi ra trường, Ninh đi làm cho các nhà hàng, cơ sở nấu ăn để vừa học thêm vừa tích lũy kinh nghiệm nghề “bếp tiệc”. Hiện, Ninh đã tự tin nhận nấu ăn tiệc được bạn bè, nhiều khách hàng khen ngon và ủng hộ.

Thời gian rảnh, Ninh tự thưởng cho mình những chuyến đi chu du khắp nơi ở mọi miền Tổ quốc để thỏa mãn chiêm ngưỡng cảnh đẹp vừa “đi để ăn, để học hỏi cách chế biến khẩu vị từng vùng miền để bổ sung kiến thức cho nghề bếp”.

Không chỉ vậy, Ninh còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, vận động quyên góp giúp đỡ các mảnh đời khó khăn. Ninh chia sẻ: “Em mong gia đình luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ. Em hạnh phúc khi làm được những gì mình đam mê, được sống với chính mình”.

Anh Phan Văn Quốc (Ấp 2, xã Hòa Lộc- Tam Bình): “Được tặng bò, tui hạnh phúc lắm”

Nhận được bò giống từ chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo, cận nghèo của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, anh Phan Văn Quốc mừng rơn: “Có bò mừng lắm, hạnh phúc lắm.

Chứ mần cắt củm biết khi nào có tiền mua bò. Tui sẽ ráng mần để nhà hổng còn nghèo. Tui chăm bò thật kỹ, để nó đẻ ra bê tui sẽ giao bê lại cho chương trình để giúp hộ nghèo khác”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN