Có thuận hòa- có hạnh phúc...

Cập nhật, 09:22, Thứ Hai, 20/03/2017 (GMT+7)

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Vĩnh Long có 243.915 gia đình đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 93,77%. Có thể nói, đây là những “đóa hoa tươi thắm” luôn biết cách vượt qua mọi khó khăn trong xã hội hiện đại để chiến thắng số phận, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nụ cười hạnh phúc.Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)
Nụ cười hạnh phúc.Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)

Có được kết quả như thế, phần lớn các gia đình đều xuất phát từ bí quyết giữ hòa thuận, đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Nhận thức được xây dựng gia đình văn hóa không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho mỗi cá nhân mà còn đem lại cuộc sống hạnh phúc cho cộng đồng, xã hội, từ khi được địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ông Cao Thanh Hùng (ấp Long Phước, xã Long Mỹ- Mang Thít) cùng với gia đình tích cực hưởng thực hiện, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen với thành tích gia đình tiêu biểu xuất sắc tại hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của tỉnh giai đoạn 2013- 2015.

Theo ông, bí quyết là gia đình phải hòa thuận. Ông nói: “Vợ chồng tôi lấy hòa thuận đặt lên hàng đầu, cả hai yêu thương nhau, cùng nhau nuôi dưỡng con cái nên người, đó mới là tạo dựng mái ấm hạnh phúc thật sự”.

Được tuyên dương gia đình văn hóa giai đoạn này còn có gia đình ông Nguyễn Văn Tạo (ấp Tân Quới Hưng, xã Trường An- TP Vĩnh Long).

Tuy xuất thân từ gia đình thuần nông, ra riêng năm 1982 cuộc sống thiếu thốn trăm bề, lại thêm 2 con nhỏ vừa mới chào đời, nhưng vợ chồng ông vẫn không nản lòng, động viên tạo niềm hạnh phúc cho nhau.

Càng vất vả thì gia đình ông càng cần cù, chịu khó, tích cực lao động nhiều hơn, vì theo ông bà hễ “có chí ắt làm nên”.

Do đó, vợ chồng ông quyết định lên liếp 2 công ruộng để làm vườn và cải tạo lại 2 công vườn kém hiệu quả để trồng 80 cây dừa.

Lúc dừa chưa lớn, vợ chồng ông trồng thêm rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Trời không phụ lòng người, sau những năm khổ nhọc, hàng chục cây dừa của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, nên cuộc sống của gia đình ông dần được cải thiện.

Năm 2001, gia đình ông xây được căn nhà hoàn chỉnh, có hàng rào bao quanh, có vườn hoa kiểng trước nhà và lo cho 2 con học hành đến nơi đến chốn.

Trong niềm phấn khởi đó, ông Tạo cho rằng: “Muốn có gia đình hạnh phúc thì phải đề cao tình cảm vợ chồng. Vợ chồng phải tôn trọng, nhường nhịn nhau, sống thuận hòa.

Con cái được giáo dục tốt và thường xuyên gần gũi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau, sống thuận thảo để không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm”.

Đối với chú Thạch Thương (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn- Trà Ôn) cũng chia sẻ: “Điều mà vợ chồng tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện nhất đó là trong cuộc sống vợ chồng trên 40 năm, vợ chồng tôi đã đồng cam cộng khổ, biết nhường nhịn, chia sẻ những khó khăn, vất vả; động viên nhau cùng cố gắng để xây dựng và giữ gìn không khí gia đình luôn đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc”.

Chỉ thị số 49 của BCH Trung ương Đảng khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người… 

Do đó việc xây dựng gia đình văn hóa là vô cùng quan trọng, vừa giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc tốt đẹp của gia đình truyền thống, vừa góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh và cũng là mục tiêu phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

Tại hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của tỉnh năm 2016 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Lữ Quang Ngời- Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh- chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực gia đình.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình, phổ biến nội dung về đời sống gia đình, kiến thức khoa học kỹ thuật, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, phòng ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

Tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”, làm tốt hơn nữa công tác phòng chống bạo lực gia đình làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng ấp- khóm, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa.

Ông Lữ Quang Ngời cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần chú trọng, khuyến khích gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của gia đình Việt Nam. Trong đó, đề cao các giá trị truyền thống như: lòng thủy chung son sắt giữa vợ với chồng, sự kính trên nhường dưới giữa các thành viên trong gia đình, đạo nghĩa của con cháu đối với người cao tuổi, cũng như nêu cao trách nhiệm của ông bà trong việc giáo dục, truyền thụ những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam đối với thế hệ tương lai của đất nước”.

Từ những thành quả đạt được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng với sự quan tâm lãnh- chỉ đạo sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung tay thực hiện phong trào của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, tin rằng, những “đóa hoa tươi” của “vườn hoa” Gia đình văn hóa luôn là tấm gương sáng ngời cho nhiều gia đình khác noi theo, cùng nhau góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và là điều kiện tốt nhất để mọi thành viên trong gia đình mãi luôn hạnh phúc!

MINH TRIẾT