Bếp lửa của tình thương

Cập nhật, 13:56, Thứ Ba, 07/03/2017 (GMT+7)

Tôi có dịp đến thăm Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi vào những ngày tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017.

Tiếng nói cười của các thành viên trong Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 (Phường 4- TP Vĩnh Long) cứ râm ran trong gian bếp nhỏ ấy. Mỗi người một tay, người rửa thịt, người lặt rau, người vo gạo lo cho bữa cơm miễn phí của các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại đây...

Đến hẹn lại lên, vào các ngày mùng 7, 20 (âm lịch), Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 (Phường 4- TP Vĩnh Long) lại tập hợp tại bếp ăn bệnh viện để nấu 500 suất ăn miễn phí.
Đến hẹn lại lên, vào các ngày mùng 7, 20 (âm lịch), Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 (Phường 4- TP Vĩnh Long) lại tập hợp tại bếp ăn bệnh viện để nấu 500 suất ăn miễn phí.

“Mọi người ăn ngon, mình thấy vui”

Là một người thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn của những gia đình nghèo có người thân lâm vào bệnh tật.

Cô Bạch Cúc (Phường 4- TP Vĩnh Long) đã mạnh dạn vận động thêm một số “chị em” khác để cùng tham gia phong trào nấu cơm từ thiện tại các bệnh viện.Ban đầu, đội nấu ăn từ thiện chỉ vài người, nguồn kinh phí vận động được rất ít ỏi, đa phần là tiền của bản thân bỏ ra nên suất ăn cũng có phần khiêm tốn.

“Lúc đầu, nhân lực còn thiếu, vốn liếng chủ yếu là của những người tham gia cùng đội gom góp nên gặp rất nhiều khó khăn. Rồi cũng có nhiều chị em vận động thêm người quen, người thân, rồi bên ngoài cũng có. Người cho mười ngàn, vài chục ngàn, bao nhiêu mình cũng nhận hết, “tích tiểu thành đại” mà”- cô Cúc nhớ về khoảng thời gian khó khăn.

Song, càng về sau hoạt động ngày càng ổn định hơn, khi nhiều chị em khác thấy công việc ý nghĩa nên xin gia nhập đội. Kinh phí cũng ổn định hơn nhờ có những Mạnh thường quân cố định ủng hộ hàng tháng.

“Đa phần các Mạnh thường quân góp tiền theo tháng, số tiền thì tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Cũng có nhiều trường hợp góp tiền rồi còn giúp vận động thêm bạn bè, người thân đóng góp nữa, mình rất hoan hỷ đón nhận”- chị Mỹ Tiên- thành viên trong đội phấn khởi nói.

Cứ như thế từ ngày thành lập cho đến nay, mỗi tháng vào các ngày mùng 7, 20 (âm lịch), những thành viên của Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 lại tụ họp tại các Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để chế biến 500 suất ăn cho người bệnh và thân nhân bệnh nhân. Mỗi suất cơm lúc nào cũng có 3 món gồm: kho, xào và canh.

Để có bữa ăn nóng hổi phục vụ “thực khách”, từ tận khuya, cô Cúc đã cùng một vài người khác ra chợ chọn mua thực phẩm rồi chở về bếp ăn bệnh viện.

Khoảng 6 giờ sáng, gần 20 thành viên đã có mặt đông đủ. Người rửa thịt, người lặt rau, người vo gạo,…. Không ai bảo ai, mỗi người một việc cứ thoăn thoắt làm, thi thoảng lại ngẩng đầu lên nói chuyện. Tiếng cười rộn rã cả gian bếp nhỏ.

Điểm đặc biệt của Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 là sự hội tụ của các thành viên có độ tuổi từ 50 trở lên, có người đã ngoài 60 tuổi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng cùng có chung một tấm lòng giàu sự yêu thương.

Chồng mất, các con đều lập nghiệp ở xa, cô Lê Thị Ngọc Diệu (ngụ xã Thanh Đức- Long Hồ) đã dùng thời gian rảnh rỗi của mình cho các hoạt động thiện nguyện: “Ở nhà cũng buồn, nấu cơm gặp mấy chị bầu bạn mà lại giúp được nhiều người trong cơn bệnh tật, tôi thấy tâm hồn thanh thản, vui vẻ hơn”.

“Công việc nhà cũng bận, nhưng hễ đến ngày này là sắp xếp được hết. Nấu cho người ta ăn có sức mà lo cho người bệnh chống khỏi. Mình có mệt mấy cũng thấy vui lắm”- cô Hồ Thị Màu cười tươi tiếp lời.

“Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”

Những suất ăn từ thiện đã phần nào giúp các gia đình bệnh nhân nghèo tiết kiệm được một khoản chi phí.
Những suất ăn từ thiện đã phần nào giúp các gia đình bệnh nhân nghèo tiết kiệm được một khoản chi phí.

Cứ đến giờ ăn trưa hay ăn chiều thân nhân của các bệnh nhân nghèo lại lần lượt kéo xuống bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Người mang theo hộp, người xách theo ca, túi nilon rồi xếp hàng ngay ngắn đợi tới lượt mình lên nhận cơm. Trong lòng ai nấy đều hết sức cảm động bởi những bữa cơm như thế này đã làm ấm bụng họ trong chuỗi ngày chăm sóc người thân.

Nhà nghèo, kinh tế chủ yếu nhờ vào người con trai. Thế nhưng hơn nửa tháng nay con trai cô Huỳnh Thị Điệu (ngụ xã Mỹ Phước- Mang Thít) phát bệnh tâm thần.

Cô Điệu phải vay mượn tiền đưa con lên Bệnh viện Tâm thần để điều trị. “Đưa thằng con vô bệnh viện, làm thủ tục xong chỉ còn có mấy trăm ngàn mà cũng toàn tiền vay mượn”- cô Điệu xúc động nói.

Ngập ngừng hồi lâu, cô Điệu nói tiếp: “Cũng may có cơm từ thiện ăn đỡ tốn kém. Những lúc như thế này nhận được cơm canh từ thiện thật quý báu. Tôi thật sự rất mang ơn”.

Tương tự, cô Lý Thị Cất (quê ở xã Thành Trung- Bình Tân) đưa chồng lên điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã hơn tuần nay, cũng nhờ xin cơm từ thiện mà tiết kiệm được khoản chi phí để lo tiền thuốc thang cho chồng.

“Lên đây cái gì cũng tiền mà nhà thì nghèo. Nghe người ta nói có cơm từ thiện nên tui đi theo xin. Hổm nay toàn ăn cơm từ thiện. Ước gì bệnh viện nào cũng có bếp ăn vậy để người nghèo đỡ lo”- cô Cất bộc bạch.

Sau khi phát cơm xong, các cô trong Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 lại tiếp tục phân cơm, thức ăn vô hộp. “Cái này vô hộp để mang cho mấy bệnh nhân nằm viện nhưng không có người thân chăm sóc ở Bệnh viện Tâm thần. Tội nghiệp dữ lắm, mình cho cơm vầy mừng lắm”- cô Bạch Cúc cho biết thêm.

Ngoài phát cơm định kỳ 1 tháng 2 lần, Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 còn phát thêm thức ăn sáng vào một số ngày cuối tuần trong tháng.

Thức khuya, dậy sớm phục vụ cho các bệnh nhân nghèo mà không nhận bất cứ đồng thù lao nào nhưng gần 20 thành viên của Đội nấu ăn từ thiện Khóm 6 vẫn luôn giữ được nụ cười rạng rỡ mỗi khi người nhà bệnh nhân đến nhận cơm từ thiện, bởi họ luôn tâm niệm “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”.

Chính những sự đóng góp tích cực trong chăm lo bữa ăn cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh, năm qua đội đã nhận được giấy khen của UBND Phường 4. Đây là niềm vui rất lớn để các cô có thêm động lực hoạt động trong thời gian tới.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU